Người chăn nuôi tái đàn sau Tết
Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang bắt đầu tái đàn. Trong đó có nhiều hộ rất thận trọng trong việc tái đàn, chủ động tiêm phòng vắc xin, vệ sinh thú y cho đàn gia súc, gia cầm, để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra.
Dịp Tết vừa qua, gia đình chị Điệp Thị Ánh Chi, ở thôn Hòa Thọ, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) xuất bán gần 100 con heo thịt, trừ hết chi phí thu lãi hơn 150 triệu đồng. Để tái đàn, gia đình chị Chi đã khử khuẩn chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, chị Chi lấy giống từ nguồn heo nuôi sinh sản của gia đình để nuôi cầm chừng, sau đó theo dõi tình hình dịch bệnh và giá cả thị trường ổn định mới tiếp tục nhân rộng.
Gia đình chị Điệp Thị Ánh Chi ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.
“Vụ Tết vừa qua, giá heo hơi đạt 60 nghìn đồng/kg, nên người nuôi heo thu lãi khá. Tuy nhiên, sau Tết nhu cầu thực phẩm giảm, giá cả biến động liên tục, nên tôi phải tính toán trước khi bắt đầu vụ mới. Để tránh rủi ro, tôi không chọn tái đàn ồ ạt mà trước mắt chỉ nuôi cầm chừng, sau đó nếu thấy ổn định mới nhập thêm heo giống từ bên ngoài để tăng đàn”, chị Chi chia sẻ.
Cũng chọn cách tái đàn theo kiểu “vừa làm vừa nghe ngóng”, gia đình ông Nguyễn Hữu Khiết, ở thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) mua 10 con bò thịt và 1.000 con gà giống về thả nuôi, giảm một nửa số lượng so với hệ thống chuồng trại. Theo ông Khiết, việc tái đàn vật nuôi sau Tết thường tập trung từ tháng 1 đến tháng 3, song đây là thời điểm giao mùa, các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm dễ phát sinh. Hơn nữa, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nên để hạn chế rủi ro, ông không chạy theo số lượng, mà duy trì đàn ở mức ổn định và chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Trước đây, tôi hay đánh cược trong chăn nuôi, chạy theo số lượng, ít chú trọng chất lượng, nên gặp nhiều thất bại. Những năm gần đây, mỗi khi vào vụ nuôi mới, tôi chọn mua con giống từ các cơ sở cung cấp uy tín và tách nuôi riêng theo dõi trong 2 tuần, đảm bảo con giống khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Tôi áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ chặt chẽ việc tiêm phòng vắc xin, nên đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập khá mỗi năm”, ông Khiết cho hay.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ngô Hữu Hạ, thời điểm trước và sau Tết, bệnh viêm da nổi cục, dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra ở một vài hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Mộ Đức, Bình Sơn và TX.Đức Phổ. Đến nay, dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản đã được kiểm soát kịp thời, nhưng người chăn nuôi phải thận trọng khi bước vào vụ mới.
“Để chăn nuôi đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần xây dựng kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp, tránh tái đàn ồ ạt, không sát với nhu cầu thị trường. Ngoài chú trọng nguồn gốc, chất lượng con giống, người chăn nuôi cần thường xuyên thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tiêm vắc xin định kỳ. Khi phát hiện đàn gia súc, gia cầm chết bất thường, hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người chăn nuôi phải báo ngay cho cơ quan thú y, để xác định rõ nguyên nhân và kịp thời có biện pháp xử lý thích hợp, không để dịch bệnh lây lan diện rộng”, ông Ngô Hữu Hạ khuyến cáo.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU