Người chăn nuôi vẫn trông chờ, ỷ lại
Người dân xã Ea Trol, huyện Sông Hinh tiêm vắc xin LMLM cho bò. Ảnh: THỦY TIÊN
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vừa kết thúc đợt tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng cho gia súc đợt II/2020 sau 3 tháng triển khai. Tuy nhiên, do người chăn nuôi vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp, không đảm bảo tỉ lệ bảo hộ đối với dịch bệnh.
Chỉ đạt 71% tổng đàn trong diện tiêm phòng
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đợt tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng gia súc đợt II/2020 bắt đầu đồng loạt từ 25/9 và kết thúc vào ngày 31/10, sau đó tiếp tục tiêm phòng bổ sung. Riêng các xã Xuân Phước, Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), Sơn Định, Sơn Long, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) và toàn huyện Sông Hinh triển khai tiêm sớm từ 10/8 lồng ghép với tiêm bao vây khống chế bệnh LMLM đang xảy ra.
Đến nay, đợt tiêm phòng đã kết thúc, tỉ lệ chỉ đạt 71% tổng đàn trong diện tiêm. Đây là đợt tiêm phòng có kết quả đạt thấp so với những năm gần đây. Tiêm phòng đợt II/2020 được triển khai theo Kế hoạch 70 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, tất cả các xã, thị trấn của huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An, Tây Hòa và 10 xã thuộc huyện Phú Hòa, TX Đông Hòa, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa thuộc vùng đệm có nguy cơ nhiễm bệnh LMLM nên được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tiêm phòng vắc xin LMLM. Nhờ vậy tỉ lệ tiêm phòng khu vực này đạt cao.
Tại huyện miền núi Sông Hinh, địa phương có đàn bò lớn và được nuôi tập trung ở các xã đồng bào dân tộc thiểu số, năm nay triển khai tiêm phòng khá sớm. Ông Hoàng Kim Chung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Sông Hinh, cho biết: Tổng đàn bò của huyện có hơn 16.000 con, nhờ chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền sâu rộng, người dân hiểu được tính cần thiết của việc tiêm phòng nên tích cực tham gia. Toàn huyện có hơn 13.700 con bò được tiêm vắc xin LMLM, đạt tỉ lệ 86%.
Tương tự tại huyện Tuy An, địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh với gần 25.000 con, trong đợt tiêm phòng lần này người dân phối hợp khá tốt. Theo Phòng NN-PTNT huyện, để công tác tiêm phòng được thực hiện suôn sẻ, trước đợt tiêm, đơn vị tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền cho lực lượng thú y cơ sở và người chăn nuôi để phổ biến cụ thể lịch tiêm, tác dụng và nhiệm vụ phối hợp của người chăn nuôi. Nhờ vậy, tỉ lệ tiêm phòng toàn huyện vượt kế hoạch với 83% đàn bò được tiêm.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Nhìn chung, tất cả địa phương được hỗ trợ miễn phí vắc xin đều khá thuận lợi với tỉ lệ tiêm bình quân 86%, đạt yêu cầu so với kế hoạch.
Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Trong khi đó, tại các địa phương ngoài vùng đệm thì tỉ lệ tiêm phòng đạt rất thấp. Toàn tỉnh hiện có 33 xã thuộc huyện Phú Hòa, TX Sông Cầu, TX Đông Hòa và TP Tuy Hòa thuộc vùng có nguy cơ thấp với bệnh LMLM nên không được hỗ trợ vắc xin.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa, địa phương có 8 xã, thị trấn với tổng đàn gia súc khoảng 14.600 con thuộc vùng nguy cơ thấp không được hỗ trợ vắc xin. Trong khi đó, người chăn nuôi vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước nên không chấp hành quy định, không thực hiện tiêm phòng, thả nổi dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần phải hiểu rằng tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho gia súc và việc phòng bệnh cho vật nuôi cần chủ động, không nên trông chờ, ỷ lại. Bởi nếu dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại lớn cho kinh tế của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh
Ngoài 1.400 con bò của xã Hòa Hội được tiêm vắc xin do Nhà nước hỗ trợ thì toàn huyện chỉ tiêm phòng được thêm 3.725 liều vắc xin LMLM, bình quân tỉ lệ tiêm chỉ đạt 25%, không đảm bảo yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.
Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: Vừa rồi, gia đình tôi chi 56.000 đồng để tiêm vắc xin LMLM cho 2 con bò. Năm ngoái, do không được tiêm đầy đủ vắc xin nên 2 con bò trị giá hơn 50 triệu đồng của tôi bị nhiễm bệnh LMLM ghép tụ huyết trùng, dẫn đến chết. Vì vậy năm nay, ngoài vắc xin LMLM tôi còn đăng ký mua vắc xin tụ huyết trùng để tiêm phòng nhưng cán bộ phụ trách bảo không có, bây giờ tôi cũng không biết mua ở đâu để tiêm cho bò.
Hiện số người chăn nuôi có ý thức và chủ động như bà Tâm rất ít ỏi. Theo ông Hai Hạnh ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), nhà ông nuôi 4 con bò, mọi năm vẫn được Nhà nước hỗ trợ vắc xin nên tiết kiệm được khoản chi phí này. Nay không được hỗ trợ nữa, nên gia đình không tiêm đợt này.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm, để vắc xin phát huy tối đa tác dụng, đảm bảo tính bảo hộ cho đàn gia súc với dịch bệnh thì bắt buộc tỉ lệ tiêm phòng phải đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Vì vậy, các địa phương có tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao; chính quyền các phường, xã, thị trấn có tỉ lệ tiêm phòng chưa đạt cần tiếp tục tuyên truyền vận động người dân tham gia tiêm bổ sung.
Người chăn nuôi cần phải hiểu rằng tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất cho gia súc và việc phòng bệnh cho vật nuôi cần chủ động, không nên trông chờ, ỷ lại. Bởi nếu dịch bệnh xảy ra sẽ thiệt hại lớn cho kinh tế của gia đình.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/250759/nguoi-chan-nuoi-van-trong-cho-y-lai.html