Người chạy nhanh nhất châu Phi và tham vọng chưa thành trên đường chạy tốc độ của Kenya

Vị trí người chạy nhanh nhất châu Phi của Ferdinand Omanyala khiến nhiều người tin rằng việc Kenya giành huy chương vàng Olympic không hoàn toàn chỉ ở nội dung đường dài mà họ gần như thống trị nhiều thập niên qua.

Ferdinand Omanyala không thể vào được đợt chạy chung kết nội dung 100m nam khi anh chỉ đạt thành tích 10.08 giây, nhưng đó không phải là điểm chính của câu chuyện, mà là quốc tịch của anh. Đây là một VĐV đến từ Kenya, nơi chỉ được biết đến với các nhà vô địch trên đường chạy dài, đặc biệt là marathon.

Trong số những VĐV chạy nước rút đến từ các quốc gia châu Phi đã vượt qua vòng loại 100m ở Paris, bao gồm VĐV đoạt huy chương bạc giải vô địch thế giới người Botswana Letsile Tebogo và Akani Simbine của Nam Phi, thì Omanyala là người có thời gian chạy nhanh nhất. Tại cuộc thi tuyển chọn Olympic ở Kenya, thành tích của Omanyala rất ấn tượng, là 9.79 giây, tốt thứ 2 trong mùa giải điền kinh năm nay và ngang với người vừa đoạt HCV Paris 2024 Noal Lyles.

Năm 2017, khi chưa có tiếng tăm gì nổi bật, Omanyala dính doping và bị cấm thi đấu 14 tháng. Nhưng khi trở lại, anh trở thành người đàn ông nhanh thứ 9 mọi thời đại và đã truyền cảm hứng cho người dân Kenya và thu hút nhiều đám đông đến sân vận động trong các giải đấu quốc gia. Ở Tokyo 2020 diễn ra trong năm 2021, Omanyala đạt mốc 10 giây. Và thành tích cá nhân xuất sắc 9.77 giây của anh, một kỷ lục lục địa được thiết lập vào tháng 9 năm 2021 tại Nairobi, đã đoàn kết cả một quốc gia vốn quá nhiều chia rẽ về sắc tộc. Một số người Kenya đã vinh danh anh bằng cách đặt tên cho những đứa trẻ sơ sinh theo tên anh ấy. Năm 2022, tại đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung, Omanyala trở thành người Kenya đầu tiên đoạt HCV trên đường chạy 100m trong 60 năm.

Omanyala từng được huyền thoại chạy nước rút người Mỹ Michael Johnson đánh giá sẽ nhà vô địch 100m trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề của Omanyala là không đủ bản lĩnh để vượt qua các thời khắc quan trọng. Ở giải vô địch điền kinh thế giới năm ngoái, anh chỉ về thứ 7 và tại Paris 2024, anh không thể vượt qua vòng bán kết. Một trong những nguyên nhân có thể đến từ truyền thống chạy tốc độ không tồn tại ở Kenya, đất nước của các huyền thoại đường dài.

Nhưng Omanyala là một ví dụ về tham vọng thành công của Kenya ngoài chạy cự ly dài và là một trong những VĐV bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng doping ở một quốc gia có hơn 200 VĐV đã bị cấm thi đấu trong 7 năm qua. Thực tế thì Kenya đã đạt được thành công lớn ở môn chạy ngắn, nhưng làn sóng xét nghiệm dương tính với chất cấm đã khiến nước này trở thành một trong những quốc gia bị nghi ngờ doping nhất trong môn thể thao này.

Omanyala khẳng định trường hợp dính doping của mình là do thuốc giảm đau mà anh nhận được từ nhân viên y tế khi bị chấn thương ở lưng và không phải doping có chủ ý. Anh tin rằng những vận động viên cố tình sử dụng thuốc tăng cường thành tích đang gây khó khăn cho những người còn lại bởi vì bất cứ khi nào một vận động viên Kenya chạy tốt sẽ có người nghi ngờ rằng họ có thể đang sử dụng thuốc tăng cường thành tích.

Barnaba Korir, một quan chức của Điền kinh Kenya, cho biết các nhà chức trách đã tăng cường các chương trình giáo dục cho các vận động viên trẻ trên khắp đất nước để giúp họ hiểu tác động của doping và tránh nó. Korir nói, nghèo đói và thất nghiệp là những yếu tố chính khiến một số vận động viên sử dụng chất cấm vì họ đang cố gắng kéo bản thân và gia đình thoát khỏi cảnh khốn cùng.

Các cơ quan quản lý thể thao Kenya hy vọng rằng việc có thêm Omanyala và Alexandra Ndolo - đại diện đầu tiên của Kenya trong môn đấu kiếm Olympic - sẽ làm tăng tổng số huy chương mà trước đây phụ thuộc vào các vận động viên chạy cự ly trung bình và dài. “Đây là một trong những đội xuất sắc nhất mà chúng tôi từng tập hợp cho Thế vận hội” Korir nói về đội tuyển Kenya gồm 42 VĐV điền kinh, hai VĐV bơi lội, một VĐV đấu kiếm, một VĐV judo, cũng như các đội bóng chuyền và bóng bầu dục.

Với tổng số huy chương là 113 huy chương, trong đó có 35 huy chương vàng, kể từ lần đầu tiên tham gia Thế vận hội Mùa hè năm 1956, Kenya là quốc gia thành công nhất châu lục tại Thế vận hội. Omanyala nói rằng anh muốn để lại một di sản trong đó Kenya thường xuyên sản sinh ra những vận động viên chạy nước rút đẳng cấp thế giới. Anh nói: “Đối với các cuộc đua đường dài, chúng tôi có hẳn một ngành công nghiệp. Vì thế tôi muốn làm điều tương tự với đường chạy nước rút”.

LONG KHANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-chay-nhanh-nhat-chau-phi-va-tham-vong-chua-thanh-tren-duong-chay-toc-do-cua-kenya-post752664.html