Người chỉ huy và cấp dưới
Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngoài mệnh lệnh hành chính, nếu người chỉ huy và cấp dưới đặt mình vào vị trí của nhau để cùng chia sẻ, thấu hiểu trách nhiệm ở mỗi cấp thì mới tạo được sự đoàn kết nhất trí cao, trên dưới một lòng và hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Trong "Binh thư yếu lược" Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn răn dạy các tướng phải coi lính như người thân: “Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc đến chữa; trong quân có người chết, tướng phải thương xót đau buồn. Quân đi thú xa phải sai vợ con đến nhà thăm hỏi. Phàm có khao thưởng phải chia đều cho quan và quân. Khi cất đặt chức vị phải họp cả tướng tá lại bàn. Mưu đã định rồi mới đánh giặc. Tướng với quân có cái ân hòa rượu và hút máu”. Theo đó, đạo làm tướng cũng là đạo làm cha, thậm chí phải làm cha trước khi làm tướng, đúng như trật tự của diễn ngôn nói về sự chăm sóc lính trước rồi mới tới việc khao thưởng và đánh giặc sau. Điển tích được dùng rất đúng chỗ, cô đọng, hàm ý biểu cảm cao. Ngày xưa một vị tướng tài được biếu một vò rượu ngon, ông liền đem đổ xuống sông rồi cùng tướng sĩ múc nước mà uống. Thế là ai cũng cảm thấy như được uống rượu. Họ không say rượu nhưng say cái tình gia đình thiêng liêng, gắn kết. Sau này Nguyễn Trãi nhắc lại trong "Đại cáo Bình Ngô": “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” vừa là sự tiếp nối vừa là sự khẳng định tướng sĩ như cha con sức mạnh quân đội sẽ nhân lên bội phần...
Quân dân nhà Trần làm nên kỳ tích lịch sử 3 lần đánh bại đội quân xâm lược thiện chiến nhất thế giới có một nguyên nhân là tinh thần đoàn kết muôn người như một. “Đại Việt sử ký toàn thư” kể Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật “trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô”, hơn thế còn coi họ như anh em nên luôn được tướng sĩ hết lòng phò tá. Tướng quân Phạm Ngũ Lão coi quân lính như “thủ túc” (chân tay), vui vẻ hoạn nạn đều có nhau nên không giặc nào địch nổi. Thu được chiến lợi phẩm gì Ngũ Lão đều phân minh chia cả cho lính. Chính sử khẳng định ngoài biệt tài về chỉ huy quân sự, ông còn là người có khả năng đoàn kết quân tướng nên đội quân luôn thống nhất, trên dưới như một, đồng lòng, gắng sức. Là chỉ huy cao nhất cũng là tấm gương sáng nhất, Ngũ Lão luyện tập, ăn uống, thậm chí ngủ cùng quân sĩ, ra trận thì luôn đi trước, rút quân thì luôn về sau cùng.
Câu chuyện Lê Lai cứu chúa được cổ tích hóa để thiêng liêng hóa mối quan hệ máu thịt chủ tướng. Tháng 4-1418, Lê Lợi thua trận ở Mường Một, chạy thoát về địa danh Trịnh Cao, quân Minh đuổi theo vây chặt các lối hiểm yếu. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Lê Lai xin được đóng giả Lê Lợi chịu giặc bắt để cứu cả nghĩa quân cũng là cứu cả sự nghiệp kháng chiến. Thành ngữ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” nói về ngày giỗ của hai bậc đại danh tướng, thực ra đó là cách dân gian tôn vinh người xả thân cứu chủ tướng. Trong tâm thức văn hóa cộng đồng thiên về duy tình, sự kính trọng Lê Lai còn trước cả Lê Lợi!
Quân đội nhân dân Việt Nam trưởng thành lớn mạnh là nhờ tấm gương lãnh đạo, dìu dắt của Bác Hồ, của Đảng. Bác Hồ rất thương chiến sĩ, bài thơ “Tư chiến sĩ” (Nhớ chiến sĩ) chỉ là một biểu hiện nhỏ: “Đêm khuya sương xuống như trút/ Sáng sớm, sương dày như mưa mặt biển/ Mau gửi áo rét cho chiến sĩ/ Nắng ấm báo trước tin xuân sắp về”. Đúng là một tình thương cha con tiếp nối từ lịch sử “một lòng phụ tử”... Đạo làm tướng theo quan niệm của Bác thì cái gốc vẫn là tình thương yêu và sự gương mẫu: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên... Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Đó vừa là lời của vị Tổng Tư lệnh vừa là lời người cha nhắn người con cả phải yêu thương, gương mẫu, chăm sóc các em!
Mười Lời thề danh dự của quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay là sự kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao các giá trị tinh hoa truyền thống trong lịch sử văn hóa quân sự Việt Nam. Lời thề thứ hai nói về trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưới: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Đây là một nguyên lý phổ biến ở tất cả mọi quân đội trong lịch sử, vì cấp trên là người toàn quyền chỉ huy, chịu mọi trách nhiệm. Cấp trên không chỉ hiểu quân địch, hiểu không gian, thời gian, địa hình, địa vật còn thấu hiểu sâu sắc cấp dưới, từng cá tính, từng hoàn cảnh. Vì trong chiến đấu, điều quyết định là tinh thần người lính. Thế nên giao nhiệm vụ gì, cho ai cấp trên cũng đã hết sức cân nhắc và luôn có những phương án bảo đảm đi cùng. Các chiến sĩ đều biết rõ điều ấy nên khi nhận nhiệm vụ đều thoải mái, tự tin. Do vậy quan hệ cấp trên cấp dưới luôn là sự thấu hiểu và thấu cảm, thấu hiểu công việc, vị trí của nhau, thấu cảm hoàn cảnh, tấm lòng nhau...
Từng là một người lính chiến, người viết bài này càng thấm thía vai trò tấm gương người chỉ huy. Thời gian giúp nhân dân Campuchia giải phóng khỏi nạn diệt chủng, khi hành quân, trong tình huống nguy hiểm, đại đội trưởng tôi luôn đi trước cùng bộ phận trinh sát. Nhờ có điểm tựa, cả đơn vị đều yên tâm. Trinh sát như được tin tưởng hơn, mọi người mạnh mẽ hơn. Là cấp trên, đã qua thử thách, có kinh nghiệm nên người chỉ huy đều thấm thía vai trò tư tưởng chiến sĩ. Mà muốn tư tưởng được “thông” thì chính người chỉ huy phải là tấm gương sáng nhất. Tinh thần ấy đã tỏa chiếu vào và kết lại ở Lời thề thứ bảy của Quân đội ta: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận; thực hiện toàn quân một ý chí”...