Người chiến sĩ cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909/4-11-2019) là dịp để chúng ta cùng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Một tấm gương sáng về ý chí của người cách mạng kiên trung.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ, sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên, nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tuổi thiếu niên, được học tại trường tiểu học Pháp - Việt ở thị xã Lạng Sơn.

Trong thời gian học được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước diễn ra sôi nổi khắp cả nước, đặc biệt là cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925), để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926) đã thôi thúc Hoàng Văn Thụ cùng nhóm học sinh yêu nước trong trường tiểu học Pháp - Việt tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu tuyên truyền của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; rồi sau đó tham gia rải truyền đơn ở thị xã Lạng Sơn.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ.

Tháng Giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) sang Trung Quốc, bắt liên lạc với ông Bùi Ngọc Thành, đại diện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên hoạt động ở khu vực Long Châu - Nam Ninh, Trung Quốc. Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Đầu năm 1929, được giới thiệu vào làm việc ở “Tu giới sở”, thông qua hoạt động thực tiễn, đồng chí đã gây dựng được một số cơ sở hoạt động bí mật ở Long Châu và sau đó được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Chi bộ Đảng phân công phụ trách để phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn.

Sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, Đồng chí được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo phát triển mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Đến đầu năm 1934, thay mặt Trung ương Đảng đồng chí Lê Hồng Phong tuyên bố thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lạng Sơn và phân công đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp phụ trách.

Giữa năm 1938, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công tăng cường chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Hải Dương. Ngày 8-9-1939, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) bàn chủ trương chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị này, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đầu năm 1940, Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tiến hành họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hội nghị chủ trương hoạt động bí mật để giữ vững cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng; đồng thời đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong Mặt trận Dân tộc phản đế, chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới khi tình thế chuyển biến. Hội nghị đã tiến hành bầu kiện toàn Ban Lãnh đạo Xứ ủy, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Tháng 11-1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 diễn ra tại làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng với đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa I). Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng.

Ngày 25-8-1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm, khu Tám Mái (Hà Nội). Mặc dù bị tra tấn cực hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Không khuất phục được ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản, rạng sáng ngày 24-5-1944, kẻ thù đã xử bắn đồng chí tại Tương Mai (Hà Nội), trong niềm đau thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hi sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức an táng, bảo vệ giữ gìn hài cốt của đồng chí ngay tại cánh đồng Tương Mai. Năm 1958, thi hài đồng chí được chuyển về Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Với mục đích tôn vinh giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ công lao của một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Năm 2008, UBND TP, quận Hoàng Mai đã đầu tư, xây dựng khu tưởng niệm có tổng diện tích 2,430m2 bao gồm các hạng mục: vườn hoa, cây xanh, đèn chiếu sáng, tiểu cảnh, sân nội bộ, chính diện là Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tạc bằng đá quí, tổng chiều cao 8,55m, tượng cao 6,03 m, nặng hơn 80 tấn. Năm 2010, công trình đã hoàn thành và là một trong những công trình được UBND quận Hoàng Mai gắn biển kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai là di tích cách mạng kháng chiến quan trọng, tiêu biểu của quận Hoàng Mai, nơi giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân địa phương, nơi lưu danh, tưởng nhớ một anh hùng liệt sĩ đã hy sinh quên mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4-11-1909 / 4-11-2019) - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người con ưu tú của mảnh đất xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-chien-si-cong-san-tan-trung-voi-nuoc-tan-hieu-voi-dan-168106.html