Người chiến sĩ nội tuyến trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre

Cách nay 60 năm, tại một trong những 'chiếc nôi' khởi nguồn phong trào Đồng khởi ở Bến Tre (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre), ông Phan Văn Thậm (bí danh Phan Định) và các chiến sĩ nội tuyến đã cùng nhân dân xã nhất tề nổi dậy giành chính quyền, thắp lên ngọn đuốc lá dừa huyền thoại…

Ở Bến Tre hiện nay, những người trực tiếp tham gia phong trào Đồng khởi (ngày 17-1-1960) không còn nhiều. Ông Phan Văn Thậm (sinh năm 1933, Đại tá, nguyên phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre) là một trong những nhân chứng hiếm hoi mà chúng tôi được gặp.

Hoạt động trong lòng địch

Năm 1958, khi đang tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, ông Phan Văn Thậm được người đứng đầu chi bộ xã Định Thủy giao nhiệm vụ làm nội tuyến, hoạt động trong lòng địch. Ông kể: Tình hình lúc này rất khó khăn, địch ra sức đàn áp, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng. Để tạo thế hợp pháp và che mắt địch, đồng chí bí thư chi bộ chỉ đạo một cơ sở nội tuyến của ta, với vỏ bọc phụ trách an ninh và quân sự trong bộ máy chính quyền địch ở, xã xua quân đến bắt tôi đi… quân dịch.

 Ông Phan Văn Thậm được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng sau khi có bài phát biểu tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về phong trào Đồng khởi 1960 (ngày 19-12-2019, tại tỉnh Bến Tre).

Ông Phan Văn Thậm được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chúc mừng sau khi có bài phát biểu tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về phong trào Đồng khởi 1960 (ngày 19-12-2019, tại tỉnh Bến Tre).

Trong sắc áo dân vệ xã, nhiệm vụ của ông Thậm lúc bấy giờ là học tập cách sử dụng vũ khí của địch, nắm tình hình nội bộ và âm mưu, thủ đoạn của địch để báo cáo về trên, tham gia bảo vệ cán bộ và phong trào cách mạng. “Nhưng quan trọng nhất, tôi được căn dặn là phải kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, khi có điều kiện thuận lợi thì đứng lên lấy súng địch hỗ trợ khởi nghĩa, trở về với cách mạng, với nhân dân”, ông Thậm nói.

Điều khó khăn luôn đeo bám những chiến sĩ hoạt động nội tuyến như ông Thậm lúc bấy giờ là chung quanh lúc nào cũng có tai mắt của địch, chỉ cần một chút sơ hở là bị thủ tiêu ngay. Trong khi đó, do vị trí vỏ bọc hạn chế, ông Thậm chỉ có thể nắm được tình hình nội bộ địch tại địa phương chứ không thể biết nhiều hơn ở cấp cao hơn.

Ông Thậm hồi tưởng: Lúc ấy, tôi biết cán bộ, đảng viên và nhân dân xã đang rất nôn nóng chờ lệnh vùng dậy đánh đổ kẻ thù, vì chưa có chủ trương của cấp trên nên rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng.

Vùng lên Đồng khởi

Đầu năm 1960, qua liên lạc với cấp trên, ông Thậm cảm nhận được tình hình cách mạng tại địa phương đang có nhiều chuyển biến mới. Ông nói: Ngay khi Đảng cho phép dùng đấu tranh chính trị kết hợp bạo lực vũ trang (Nghị quyết 15) để đánh đổ chính quyền địch, lòng tôi vui như trảy hội. Ngày 17-1-1960, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bến Tre, xã Định Thủy là nơi nổi dậy đầu tiên. Tôi và các chiến sĩ nội tuyến khác lập tức chiếm lấy công sở, thu 12 khẩu súng và nhanh chóng triển khai hỗ trợ quần chúng nhân dân vùng lên giành chính quyền.

 Một hoạt cảnh tái hiện phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960.

Một hoạt cảnh tái hiện phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960.

Ông Thậm cười mãn nguyện: Tôi rất phấn khởi vì đã cùng anh em nội tuyến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ tay không nổi dậy giành thắng lợi, thu nhiều vũ khí địch. Trên cơ sở đó, xã Định Thủy thành lập được đội vũ trang lớn mạnh. Ngay trong tháng 1-1960, sau khi phong trào Đồng khởi thắng lợi tại xã nhà, tôi tình nguyện và vinh dự được tổ chức cho nhập ngũ vào bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày. Tôi hăng hái chiến đấu, tham gia đánh địch phản kích, giữ vững địa bàn và thành quả cách mạng.

Ở tuổi gần 90, sức khỏe của ông Phan Văn Thậm đang giảm sút thấy rõ. Trong những ngày Bến Tre kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi, hỏi ông có ước nguyện gì, ông cười tươi và bảo: Tôi mong rằng tuổi trẻ xã Định Thủy nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung, hãy ra sức học tập thành tài, phát huy giá trị lịch sử của Đồng khởi năm xưa để tiến lên làm cuộc “Đồng khởi” mới. Đó là quyết tâm vươn lên khởi nghiệp, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh; giữ vững và phát triển sự nghiệp cách mạng mà các thế hệ đi trước đã đổ biết bao xương máu để lại.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nguoi-chien-si-noi-tuyen-trong-phong-trao-dong-khoi-o-ben-tre-608099