Người chơi cờ trước bến Vân Lâu

Huế đang độ mưa dầm, trời đất một màu mưa giăng trắng. Mưa cứ thế kéo dài đã gần nửa tháng, tưởng có bao nhiêu nước ở nhân gian trời hút hết lên rồi từng chuyến, từng chuyến chầm chậm rãi xuống cõi trần.

Cậu trai mặc kệ chiếc áo mưa tiện lợi đã rách, bước ngược chiều gió mùa đông bắc, nước mưa làm khuôn mặt cậu nhạt nhòa. Cậu có khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị của một võ tướng, đôi chân mày dài mượt của một văn nhân, đôi mắt trong và buồn... Bước chân đưa cậu đi về phía Phú Thượng (Phú Vang).

Cậu trai mặc kệ chiếc áo mưa tiện lợi đã rách, bước ngược chiều gió mùa đông bắc, nước mưa làm khuôn mặt cậu nhạt nhòa. Cậu có khuôn mặt rắn rỏi, cương nghị của một võ tướng, đôi chân mày dài mượt của một văn nhân, đôi mắt trong và buồn... Bước chân đưa cậu đi về phía Phú Thượng (Phú Vang).

Cậu dừng lại ở trước chùa Ba La Mật. Thoáng chút chần chừ rồi cậu bước chân vào sân chùa. Trời bỗng đổ mưa to, trên máng xối nhà chùa nước chảy thành dòng dội xuống cả cột to như cột nhà.

- Dạ, con là khách ở xa, trời mưa to quá, con ghé chùa xin thầy cho ngủ lại 1 đêm.

- Cửa chùa rộng mở, thí chủ xin mời vào trong thay áo kẻo lạnh.

Đêm đó, cậu trai ở lại ngủ ở phòng của người dọn dẹp cho chùa. Người dọn dẹp chùa là 1 ông lão gần 80 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, nước da sạm đen sắt lại, ông lão không để râu, đôi mắt nheo nheo hiền từ. Có lẽ dầm mưa cả ngày nên cậu lên cơn sốt. Từng cơn nóng lạnh kéo cậu vào những giấc mơ không đầu không cuối.

Chùa Ba La Mật -Huế

Chùa Ba La Mật -Huế

Ông lão quét chùa lấy khăn nhúng nước đắp lên đầu cậu, rồi vội vàng mặc áo mưa ra sau vườn chùa hái thuốc về giã, cho vào chiếc khăn buộc vào trán cậu. Xen lẫn trong những cơn mê sảng, khi tỉnh cậu nhìn thấy ông nhìn cậu bằng đôi mắt thương yêu, ông đặt đầu cậu lên đùi mình, tay vỗ vỗ vào lưng cậu mà hát:

- Cầm vàng mà lội qua sông vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng..

Âm hưởng, giọng điệu của ông lão y hệt thổ âm đặc trưng của người quê nhà cậu bé. Cứ thế cậu ngủ khi nào không hay.

Ba hôm thì cậu hết sốt, ở lại chùa giúp ông lão dọn dẹp, quét tước, lau chùi chổ thờ phụng, sân vườn chùa. Còn việc lau tượng Phật, sắp trái cây, cắm hoa thì nhìn ông lão làm.

Hai ông cháu đến bữa thì hái rau, bổ củi nấu cơm cho các sư thầy. Cậu kể cho ông nghe về chuyện của mình:

- Con ở xa đến, cũng chỉ vì có quen biết và 1 lần được nghe cô gái người ở đây hát cho nghe bài Huế và em. Con mê quá, lần hồi tìm đến nhà cô ấy.

Cô thuộc dòng dõi nhà quyền quý ông ạ. Ba cổ là cháu đời thứ 5 của ngài Tôn Thất Lệ Chung là cháu nội của Hoàng tử Cảnh (anh của vua Minh Mạng). Theo Đế hệ thi và Phiên hệ thi trong phần phiên hệ thì dòng dõi nhà cô ấy được tập phong là Thái Bình hầu, chuyên lo việc thờ phụng hoàng tử.

Ba cổ giỏi cờ tướng, con vô chơi sau có tham dự cuộc cờ. Ba ván cờ con đều thua, ván đầu thua sau 7 nước, ván thứ 2 thua sau 8 nước, ván thứ ba ở nước thứ 10 con buông cờ xin thua.

Con trước đây chơi cờ cũng khá giỏi, từng 2 lần liên tiếp đạt huy chương vàng của tỉnh. Lòng buồn, con chào cổ rồi đi, chỉ hẹn cô ấy sau ba năm con quay lại. Nếu may mắn con thắng cờ thì xin cô ấy đàn cho con nghe bài hát mà cô ấy đã hát tặng con.

Cậu ở lại chùa cùng ông lão, hằng ngày lặng lẽ quét tước, lau chùi. Giờ cậu có thể thay ông lão lau tượng Phật, biết cắm hoa, đốt nến, thắp hương.

Cậu ở lại chùa cùng ông lão, hằng ngày lặng lẽ quét tước, lau chùi. Giờ cậu có thể thay ông lão lau tượng Phật, biết cắm hoa, đốt nến, thắp hương.

Ông lão dạy cậu từng chút 1 bằng cách mình làm để cậu nhìn rồi làm theo. Nhẫn nha và liên miên bất tuyệt không ngừng trong công việc từ mỗi bước chân đi, từng động tác tay thuần thục, nhẹ nhàng đến tự nhiên và không dư, không thiếu đến một cái phẩy tay.

Quen với rau dưa đạm bạc, vô hình chung cậu cũng thuộc nằm lòng chú Đại bi, Ma ha bát nhã Ba la mật đa Tâm Kinh... Lòng cậu mến thương ông lão quét chùa như chính người thân duy nhất của mình. Nhưng những đêm trăng sáng, những bình minh cậu vẫn không nguôi về bóng hình và câu chuyện của cô gái.

Một đêm cậu nhẹ nhàng đeo ba lô định lặng lẽ ra đi, đi ngang Đại hùng Bảo điện cậu thấy ông lão đang quỳ lạy từng bức tượng, mỗi động tác của ông chỉn chu đến trọn vẹn, mỗi khi ông rạp mình xuống mặt đất như rung lên, từng khuôn mặt tượng như tỏa ra hào quang rạng rỡ.

Ngẩn người ra cho đến khi bàn tay ông đặt lên vai cậu vỗ vỗ. Cậu lặng lẽ về phòng cùng ông. Từ hôm sau ông bắt đầu dạy cậu đánh cờ.

Từ hôm sau ông bắt đầu dạy cậu đánh cờ

Từ hôm sau ông bắt đầu dạy cậu đánh cờ

Suốt bốn tháng ròng, ông lão cứ đưa ra hình vẽ các thế cờ rồi bắt cậu nhớ. Ban đầu cậu nhớ được 1 phần 10, sau khá dần lên. Đến lúc cứ 5 giây ông đưa ra 1 hình vẽ 1 thế, cậu nhớ cả trăm thế như vậy, không sai 1 quân nào.

Sau khi nhớ hết bất cứ hình vẽ nào của thế cờ ông lão đưa ra thì ông bắt cậu phải đánh cờ nhanh. Mỗi quân cờ nhắc lên là phải đi nhanh nhất. Sau mỗi chiến thắng cậu trồng xuống bãi đất trước chùa 1 cây con, cố gắng mãi cậu đã trồng được cây đầu tiên. Sau đó trồng được cả 1 vườn cây.

Vườn đầy cây thì ông lão đưa cậu đến ngôi nhà gỗ nhỏ bên trái vườn chùa. Ông khóa cửa lại, để cho cậu 1 chai nước, 1 chén cơm gạo lứt. Ông ở bên ngoài sắp bàn cờ, cậu ở trong theo trí nhớ mà đọc quân cờ và cách chơi. Thắng thì được mở cửa, thua thì bị nhốt đến 10 giờ đêm.

Cứ thế cậu bị nhốt cả tháng. Ngôi nhà nhỏ vừa nóng vừa chật, mùa hè nóng như lò lửa vì mái tôn thấp. Ban đầu cậu tìm mọi cách thắng nhưng nỗ lực đến kiệt sức cậu cũng đành nằm xuống nền đất, mồ hôi tuôn ra và bị hút khô kiệt. Nhiều ngày trôi qua...

Một hôm sau khi mệt rã rời, nghe tiếng chuông chùa vọng lại cậu từ từ ngồi lên theo tư thế liên hoa, thân, tâm ý đều nhất nhất niệm Ma ha bát nhã ba la mật đa Tâm kinh: "Xá lợi tử! sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng, hành, thức diệc phục như thị...".

Lòng tĩnh tại, cậu đã ra khỏi ngôi nhà gỗ bất cứ khi nào mình muốn.

Suốt 1 năm sau theo lời ông lão, cậu ra trước bến Vân Lâu bày cuộc cờ chơi ăn tiền hoặc đánh chơi với tất cả ai tham gia. Người ta chơi thì chỉ muốn thắng để lấy tiền, cậu thì khác, nhìn cách họ di chuyển cờ cậu ghi vào giấy 5 hoặc 7 nước sau mình thắng, lúc đó mình bắt quân gì, trên bàn cờ còn lại quân gì.

Cũng nhiều khi cậu lại ghi vào giấy mình sẽ bỏ quân gì ở nước thứ mấy, cho đối phương đi nước gì, nhường cho họ thắng sau mấy chục nước, bàn cờ còn lại gì. Cứ thế với tấm áo vải thô, vai đeo túi vải, mũ và kính đen che mặt. Cậu ghi cuộc cờ vào giấy và trăm lần đánh thì trăm lần thắng thua theo ý mình, không một mảy may sai sót.

Huế thương

Huế thương

Cuộc hẹn 3 năm, cậu đến nhà cô gái, khi ra đi để lại ghi chép về các nước đi của 3 ván cờ. Mỗi ghi chép ấy được cậu hoàn thành sau 5 nước mỗi ván. Trong ba ván cách ghi của cậu chuẩn xác chỉ trừ nước cuối cùng ở ván thứ 3 cậu ghi hòa ở nước thứ 12 mà chủ nhà thì nhận thua.

Cậu trả xong 3 ván cờ thì quay về chùa ở với ông lão tròn 100 ngày. Ngày lạy ông lão để đi. Ông không nói gì, chỉ vỗ vỗ vào vai cậu mà hát:

- Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc

Con cá Ngư Ông móng nước biển khơi...

Chàng trai trẻ nghe tiếng đàn Tranh lăn lăn từng giọt âm thanh tròn như hạt mưa bay đầy thinh không. Cô gái áo dài tím gảy đàn, từng lời bài hát Huế và em bay lên cùng với khói hương trầm đẹp như ở miền thượng giới:

"Giờ riêng em vẫn đây

Ngóng tin ai mịt mờ

Người bây giờ phương nào

Còn nhớ... Huế... hay quên?"...

Tiếng đàn chưa dứt, chàng trai cất bước ra đi, gió ngược chiều thổi bay chiếc áo dài tứ thân chàng mặc. Đằng sau chàng có lẽ không thấy hai dòng nước mắt nóng hổi lấp lánh lăn dài trên má người con gái xinh đẹp đang chơi đàn.

Gió vô tình thổi bay chiếc mũ vải của chàng trai, mái tóc bồng bềnh của chàng không còn nữa. Có người đoán có lẽ chàng đã xuất gia.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/nguoi-choi-co-truoc-ben-van-lau-JcFZMGqMg.html