Người chồng độc hại
Có những kiểu chồng vô cùng độc hại mà người vợ cần phải nhận diện và giải cứu bản thân mình trước khi quá muộn!

Ảnh minh họa
Những lời bào chữa cho người chồng độc hại
Lấy phải một người chồng độc hại là hủy hoại cả đời mình. Nhưng không phải phụ nữ nào cũng nhận ra mình đang sống với người chồng độc hại.
Trong chương trình Bạn Được Quyền Hạnh Phúc trên VTV2, tôi vẫn thường được nghe những lời bào chữa từ những người vợ lấy phải chồng độc hại. Như anh ta quan tâm vợ thôi chứ không phải là kiểm soát, cấm đoán vợ gặp gỡ bạn bè vì muốn bảo vệ vợ. Họ đã nhầm lẫn nghiêm trọng trong việc xem sự vô trách nhiệm của chồng thành bận rộn, thành anh ấy phải tập trung kiếm tiền, không quan tâm đến cảm xúc của vợ vì áp lực công việc của anh ta quá lớn. Có những trường hợp nghe còn đau lòng hơn như: Việc anh ấy phê phán, chê bai vợ trước mặt mọi người là bởi anh ấy thẳng tính, thật (chỉ là hơi thô). Đàn ông mà, thái độ thô lỗ cũng dễ tha thứ, lúc giận lên thì ai chả thế!? Họ đã nhầm cả sự ích kỷ thành "tính anh ấy giản dị, hơi khô khan, đàn ông không biết thể hiện tình cảm". Hay cả khi lấy nhau chục năm mà chồng chưa từng nhớ ngày sinh nhật vợ, chẳng quan tâm đến ai, lại được vin vào lý do "anh ấy đầu óc thực tế lắm, không thích mấy thứ màu mè, lãng mạn đâu".
Ngay cả những thứ sờ sờ ra trước mắt như chồng không đồng cảm lại thành: "Anh ấy là đàn ông nên không thể hiện sự yếu đuối thôi". Việc anh ta không bao giờ chia sẻ tương lai với vợ cũng thành: "Tính anh ấy chắc chắn mới nói. Cái gì chưa chắc chắn anh ấy sẽ không nói ra đâu".

Nhà văn Hoàng Anh Tú
Ảo tưởng về tình yêu, lý tưởng hóa tình yêu, tin rằng theo thời gian, chồng mình sẽ thay đổi khiến nhiều người vợ tiếp tục duy trì cuộc hôn nhân với người chồng độc hại. Nhiều người vợ còn nói với tôi: "Là do em chưa đủ tốt". Hoặc cố tránh né kiểu: "Vì con, vì cha mẹ mình, chờ đến khi con đủ 18 tuổi, cha mẹ hiểu ra thì sẽ ly dị". Một kiểu nữa là định kiến: "Đàn ông mà, ai cũng đều như thế". Những người vợ đó đã quên đi giá trị của bản thân mình, cho phép chồng được thiếu tôn trọng mình vì "ván đã đóng thuyền", nếu ly dị thì "xấu chàng hổ ai".
Phụ nữ ơi! Tỉnh lại đi! Anh ta có yêu bạn đâu? Nếu yêu bạn, anh ta đã không thiếu tôn trọng bạn, đã không kiểm soát và sở hữu bạn như một món đồ, đã không vô trách nhiệm, đã không vô cảm, bỏ mặc bạn như thế. Tỉnh lại đi! Bạn xứng đáng được quyền hạnh phúc với một người chồng yêu thương bạn thực lòng.
Bạn giữ làm gì một người chồng như thế?
Những người chồng mở miệng ra là nói: "Em may mắn lắm mới cưới được anh đấy! Phụ nữ xấu như em có anh rước là may mắn lắm rồi! Biết điều mà ngoan". Lại có người chồng luôn nói chuyện với vợ bằng giọng điệu coi thường, mỉa mai. Sự tôn trọng vợ ở đâu trong những gã chồng như thế? Lại có những người chồng "quan tâm" vợ như thể vợ là "tù nhân" của họ, yêu cầu vợ phải báo cáo từng phút một các hoạt động của vợ. Cấm đoán vợ đi gặp bạn bè, người thân. Vợ muốn về nhà ngoại thì phải xin phép, mà được hay không thì tùy tâm trạng của chồng. Giám sát điện thoại, mạng xã hội của vợ thường xuyên. Đó đâu phải là yêu, đó là sở hữu, là kiểm soát. Biến hôn nhân thành nhà tù và mình là giám ngục.
Một kiểu chồng độc hại nữa là chồng lười. Trốn tránh việc nhà, chăm sóc con cái. Mặc nhiên vợ phải làm tất. Không đóng góp tài chính thì chớ còn đổ lỗi cho vợ mọi vấn đề trong nhà. Cái câu "em ở nhà cả ngày, có gì đâu mà kêu mệt" hay "tại em không biết quản lý tiền bạc nên mới túng thiếu" nghe mà vô trách nhiệm thế! Sao bạn còn yêu họ, còn tin rằng họ yêu bạn kia chứ?
Những người chồng luôn đứng về phía mẹ của họ mà đổ lỗi, phủ nhận cảm xúc của vợ, im lặng khi người bạn đời của mình bị xúc phạm cũng vậy. Độc hại vô cùng. Mẹ chồng có thể không hợp với con dâu vì khác biệt thế hệ, vì tính cách khác nhau nhưng chồng bạn thì không phải là người dưng với bạn. Một người chồng không chỉ là người đồng hành cùng bạn trong hôn nhân này. Anh ta còn phải là người đồng cảm với bạn. Nếu không có sự đồng cảm đó thì có lẽ anh ta chẳng hề yêu bạn như bạn nghĩ đâu. Anh ta chỉ yêu chính bản thân anh ta thôi. Phớt lờ cảm xúc của vợ, không quan tâm đến sở thích hay cảm xúc của vợ thì đâu có yêu vợ đâu.
Bạn giữ làm gì một người chồng như thế chứ? Giữ họ chỉ là giữ kẻ coi thường phụ nữ, để mà chịu đựng những bạo hành tâm lý, thậm chí là bạo hành thể chất. Giữ kẻ độc đoán, ích kỷ đó sẽ làm cho bạn cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Đừng mong họ thay đổi vì những độc hại đó đã thuộc về bản chất rồi! Hãy rời khỏi họ để an toàn cho mình, để làm trong lành lại đời mình. Bạn được quyền hạnh phúc mà, nhớ không?
RỜI ĐI TRONG AN TOÀN
Đừng vội vã ly dị! Tôi vẫn luôn nhắc phụ nữ rằng: Yêu bằng trái tim nhưng ly dị bằng lý trí. Đừng dùng trái tim mà nguy hại cho mình! Dùng lý trí thì mới biết lên kế hoạch an toàn. Chuẩn bị cho việc rời đi này bằng lý trí nhé!
1. Về tài chính:
- Thu thập và bảo quản giấy tờ tùy thân, tài sản cá nhân.
- Chuẩn bị tiền mặt và tài khoản ngân hàng riêng.
- Lưu giữ bằng chứng về tài sản chung.
- Tìm hiểu quyền lợi tài chính khi ly hôn.
2. Về pháp lý:
- Thu thập bằng chứng về hành vi độc hại của chồng.
- Tìm hiểu Luật Hôn nhân-Gia đình.
- Liên hệ luật sư tư vấn.
- Xin lệnh bảo vệ của tòa án nếu cần thiết.
3. Về an toàn cá nhân:
- Thông báo với người thân/người tin cậy về kế hoạch của mình.
- Chuẩn bị nơi ở an toàn sau ly hôn.
- Thay đổi mật khẩu các tài khoản cá nhân.
- Giữ bí mật thông tin liên lạc mới.
4. Về tinh thần:
- Tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý.
- Xây dựng mạng lưới bạn bè hỗ trợ, giúp đỡ.
- Chuẩn bị tâm lý đối mặt với khó khăn.
- Nuôi dưỡng sự tự tin.
5. Về con cái (nếu có):
- Thu thập bằng chứng về quyền nuôi con.
- Lập kế hoạch chăm sóc con sau ly hôn.
- Chuẩn bị tài chính nuôi con.
- Giải thích tình hình với con, phù hợp với lứa tuổi của con.
6. Kế hoạch hành động:
- Lập thời gian biểu chi tiết cho quá trình ly hôn.
- Dự đoán phản ứng của chồng và cách ứng phó.
- Chuẩn bị phương án khẩn cấp.
- Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.
Việc bạn lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và có thể an toàn hơn.
Tôi không biết bạn sẽ thế nào sau khi rời khỏi người chồng độc hại của mình nhưng tôi có thể chắc chắn rằng bạn sẽ thoát khỏi những thương tổn về tâm lý, bạn sẽ có cuộc đời của bạn, hạnh phúc của bạn! Bởi bạn được quyền hạnh phúc mà!
BẠN MẤT GÌ KHI LÀM VỢ CỦA NGƯỜI CHỒNG ĐỘC HẠI?
1. Mất đi lòng tự trọng:
- Liên tục bị phê phán, dẫn đến tự ti.
- Cảm giác bản thân không xứng đáng.
- Phụ thuộc vào sự công nhận từ chồng.
2. Rối loạn lo âu:
- Sống trong sợ hãi, căng thẳng thường xuyên.
- Lo lắng về phản ứng của chồng.
- Áp lực phải hoàn hảo để làm hài lòng chồng.
3. Trầm cảm:
- Cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi.
- Mất đi niềm vui sống.
- Không còn động lực phấn đấu.
4. Chứng rối loạn stress sau sang chấn:
- Ám ảnh bởi những tổn thương tinh thần.
- Phản ứng tiêu cực khi gặp tình huống tương tự.
- Khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ mới.
5. Mất khả năng tin tưởng người khác:
- Khó mở lòng với người mới.
- Hoài nghi về mọi mối quan hệ.
- Tự tạo vỏ bọc bảo vệ mình.
6. Hội chứng Stockholm:
- Đồng cảm với người gây hại.
- Cho rằng đó là "tình yêu".
- Không dám thoát khỏi mối quan hệ độc hại.
7. Ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Mất ngủ, ăn uống kém.
- Các vấn đề về tim mạch.
- Hệ miễn dịch suy giảm.
Những tác hại này có thể kéo dài nhiều năm, kể cả sau khi đã thoát khỏi mối quan hệ độc hại, đòi hỏi quá trình điều trị tâm lý lâu dài để phục hồi.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-chong-doc-hai-20250411141531828.htm