Người chưa tiêm vaccine ở Hàn Quốc gặp khó

Có lý do riêng, chính đáng để chưa tiêm vaccine Covid-19, nhiều người Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công cộng vì quy định tiêm phòng ở nước này.

Oh (35 tuổi), bà bầu làm nghề tự do ở quận Gangnam, Seoul, thường miễn cưỡng ăn sandwich và đồ ăn nhẹ trên xe hơi thay vì ngồi trong nhà hàng.

"Ngay cả khi tôi đi ăn nhà hàng một mình, những người như nhân viên thì thầm xung quanh tôi sau khi biết tôi chưa tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Tôi không làm gì sai nhưng có vẻ như mọi người đang đối xử với tôi như tội phạm vậy", cô nói với Korea JoongAng Daily.

Oh đã tiêm một mũi vaccine Covid-19 và phát hiện mình mang thai chỉ một ngày trước cuộc hẹn tiêm mũi 2. Cô quyết định không tiêm nữa sau khi nghe lời khuyên của bác sĩ, rằng vaccine có thể gây ảnh hưởng đến em bé.

Oh là một trong số khoảng 2,3 triệu người ở Hàn Quốc, tương đương 5,3% dân số nước này từ 18 tuổi trở lên, chưa được tiêm chủng, theo Bộ Y tế Hàn Quốc.

Những người trưởng thành chưa được tiêm phòng về cơ bản bị cấm đến các địa điểm công cộng như phòng gym, quán bar, club từ tháng 11/2021 hay các nhà hát, bảo tàng từ giữa tháng 12/2021. Nhóm này được phép đi ăn một mình tại các nhà hàng, quán cà phê song đã có nhiều báo cáo về trường hợp người chưa tiêm vaccine không được phục vụ ngay cả khi họ đi một mình.

Từ 10/1, những người chưa tiêm phòng cũng không được phép tới các siêu thị lớn và trung tâm thương mại, đặc biệt là những nơi có diện tích lớn hơn 3.000 m2.

Gần đây, ngày càng nhiều người Hàn Quốc phản đối chính sách thông hành vaccine này, với khoảng 1.000 bác sĩ và chuyên gia đệ đơn yêu cầu ngừng mở rộng chính sách vì cho rằng nó "vi phạm các quyền cơ bản của người dân".

Ngày 14/1, tòa án Seoul ra quyết định tạm dừng việc áp dụng chính sách này tại các siêu thị và trung tâm thương mại quy mô lớn nhưng chỉ riêng ở khu vực thủ đô.

 Nhiều nơi ở Hàn Quốc yêu cầu người ra vào xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ vaccine Covid-19. Ảnh: Min Yea-Ji.

Nhiều nơi ở Hàn Quốc yêu cầu người ra vào xuất trình chứng nhận đã tiêm đủ vaccine Covid-19. Ảnh: Min Yea-Ji.

Lý do riêng

Đối với Kim Ha-jin (22 tuổi), được chẩn đoán mắc bệnh viêm màng ngoài tim, điều đáng sợ nhất khi tiêm vaccine mũi 2 không phải là những như cơn đau có thể xảy ra khi nào mà là điều chưa biết đằng sau đó.

"Ba tháng sau mũi tiêm đầu, tôi vẫn bị đau tức ngực và thỉnh thoảng khó thở. Nhưng điều khiến tôi sợ hãi là ngay cả bác sĩ cũng không biết nguyên nhân".

Kim đã phải nằm viện 8 ngày sau khi tiêm vaccine Pfizer mũi thứ 2 vào 10/9/2021. Trong vòng 6 tiếng, cô bị đau tức ngực, khó thở. Nhưng nhân viên y tế chẳng thể làm gì nhiều cho cô.

"Họ theo dõi tình trạng của tôi và cho tôi dùng thuốc giảm đau, ngoài ra không có phương pháp điều trị gì khác, bác sĩ không thể giải thích lý do tôi gặp phải vấn đề này".

3 tháng sau khi Kim xuất viện, cơn đau ngực và các vấn đề về hô hấp tiếp tục xuất hiện. Nhưng khi hỏi bác sĩ, cô đều chỉ nhận lại câu trả lời: chưa có đủ dữ liệu về các tác dụng phụ của vaccine.

Kim đã nhận được giấy miễn trừ từ chính phủ và không phải tiêm thêm mũi nhắc lại nào. Cô có thể xuất trình giấy này để vào nhà hàng, địa điểm công cộng khác thay cho chứng nhận vaccine cho đến tháng 3. Vaccine chỉ được xem là có giá trị trong vòng 6 tháng tại Hàn Quốc.

 Vì vấn đề sức khỏe, nhiều người Hàn Quốc quyết định chưa tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AP.

Vì vấn đề sức khỏe, nhiều người Hàn Quốc quyết định chưa tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AP.

Trường hợp của Moon So-ri (30 tuổi, ở Gyeonggi) cũng tương tự.

"Tôi không tiêm phòng vì vấn đề sức khỏe. Tôi từng bị đuổi khỏi một nhà hàng vì điều đó", cô cho biết.

Moon vừa trải qua cuộc phẫu thuật tim và phải dùng thuốc đặc biệt trong 3 tháng. Bác sĩ khuyên cô không nên tiêm bất kỳ loại vaccine nào trong thời gian đó vì có thể làm xuất hiện các cục máu đông.

"Tiêm chủng hay không là lựa chọn tự do của mỗi cá nhân. Mọi người có thể quyết định không tiêm dựa trên lý do cá nhân của mình. Chính sách thông hành vaccine chỉ là thông báo một chiều được đưa ra và chưa giải thích đủ rõ cho công chúng. Vì chính sách này, nhận thức của công chúng về vaccine trở nên rất tiêu cực", cô nói.

Hai mặt của vấn đề

Hàn Quốc tự hào là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới, với 84,1% dân số được tiêm chủng hoàn toàn tính đến ngày 10/1, cao hơn so với nhiều quốc gia như Israel, New Zealand, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và một số bang ở Mỹ.

Các quan chức của Bộ Y tế Hàn Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng chính sách thông hành vaccine được tạo ra để "bảo vệ những người chưa được tiêm chủng".

"Hệ thống này được tạo ra không chỉ đơn giản là để tăng tỷ lệ tiêm chủng mà là bảo vệ những người chưa tiêm phòng, những người có nguy cơ cao mắc triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong khi nhiễm virus. Càng giảm được số bệnh nhân nặng sẽ càng bớt gánh nặng cho hệ thống y tế", Son Young-rae, một quan chức cấp cao của Bộ cho biết.

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, 4% số người chưa được tiêm chủng bị nhiễm SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2021 trở nặng, trong khi con số này ở người đã tiêm phòng là 0,8%.

 Hàn Quốc cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng các chính sách liên quan đến tiêm phòng Covid-19. Ảnh: EPA-EFE.

Hàn Quốc cần linh hoạt hơn trong việc áp dụng các chính sách liên quan đến tiêm phòng Covid-19. Ảnh: EPA-EFE.

Theo Kim Woo-joo, bác sĩ chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Guro Hàn Quốc, bản thân chính sách thông hành vaccine không phải là vấn đề mà là cách hệ thống này được triển khai ở Hàn Quốc.

"Những người chưa được chủng ngừa không phải là nhóm chính bị nhiễm bệnh thời gian này. Trong số những bệnh nhân Covid-19 từ 60 tuổi trở lên, 85% đã được tiêm vaccine đầy đủ. Nhưng chính phủ lại chỉ để ý nhóm chưa tiêm phòng bằng cách kiểm soát họ vào các cửa hàng thiết yếu", Kim nói.

“Những người không tiêm chủng có lý do của họ. Các cơ quan y tế nên lắng nghe lý do, có thể là vì vấn đề sức khỏe hoặc lý do tôn giáo, và cố gắng điều chỉnh hệ thống để họ không bị cấm sử dụng những nhu cầu cơ bản của cuộc sống", ông nói thêm.

Ngày 4/1, Tòa án Hành chính Seoul ra phán quyết rằng các cơ sở giáo dục tư nhân, chẳng hạn như hagwon (trường luyện thi), phòng đọc sách và quán cà phê học tập, nên tạm thời bị loại khỏi danh sách các cơ sở yêu cầu chứng nhận vaccine để ra vào.

Tuy nhiên, giáo sư Jung Jae-hun từ Đại học Y khoa Gachon, cho biết phán quyết của tòa án là một quyết định thiếu khôn ngoan và thiếu cân nhắc, đánh giá thấp hiệu quả của vaccine và chính sách thông hành vaccine.

“Chính sách thông hành vaccine là một quy định tất yếu và cấp thiết trong thời kỳ đại dịch. Đó là một biện pháp bảo vệ bổ sung cho các quy định giãn cách xã hội của đất nước".

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-chua-tiem-vaccine-o-han-quoc-gap-kho-post1290592.html