Người chuyển giới nữ khó mua váy áo

Nhiều trans girl chưa nắm rõ số đo, tự ti với những khuyết điểm ngoại hình dẫn đến gặp khó khăn khi lựa chọn trang phục. Nhãn hàng cũng chưa phát triển sản phẩm phục vụ họ.

 Nhiều người chuyển giới nữ không nắm rõ số đo cơ thể, gặp khó khi lựa chọn trang phục vừa vặn. Ảnh: Bảo Minh.

Nhiều người chuyển giới nữ không nắm rõ số đo cơ thể, gặp khó khi lựa chọn trang phục vừa vặn. Ảnh: Bảo Minh.

Sau 6 năm điều trị thay thế hormone, Bảo Lê (24 tuổi, Hà Nội) đã phát triển vòng một, mỡ chảy về hông, vòng ba. Trans girl (người chuyển giới nữ) này theo đuổi phong cách ăn mặc quyến rũ, gợi cảm.

Trong tủ đồ, cô sở hữu khoảng 20-30 bộ váy bó sát, cắt xẻ. Nhận thấy xu hướng hở bạo được nhiều người nổi tiếng lăng xê, Bảo quyết định tậu thêm một số thiết kế xuyên thấu, áo ngực siêu bé để diện hàng ngày.

Những hình ảnh của cô trên mạng xã hội được nhiều người nhận xét là nữ tính. Tuy nhiên, chỉ cô mới biết loạt váy áo hiếm khi vừa vặn, thoải mái với cơ thể mình.

“Tôi luôn gặp khó khi chọn váy áo vừa với cơ thể vì các khuyết điểm như bắp tay to, thô, vòng ngực lớn”, Bảo Lê chia sẻ với Zing.

Phong cách nào cũng gặp khó khăn

Ngôi sao phim Euphoria, một trong những người phát ngôn của cộng đồng LGBTQIA+ Hunter Schafer, đang là gương mặt được săn đón tại các tuần lễ thời trang. Các thương hiệu như Chromat và Foo and Foo cũng tuyển dụng hàng loạt người mẫu chuyển giới cho các chiến dịch truyền thông.

Trước đó, vào năm 2019, Victoria's Secret đưa mẫu nữ chuyển giới đầu tiên lên sàn diễn. Sau đó, Chanel cũng bổ nhiệm trans girl Teddy Quinlivan vào vị trí người phát ngôn cho thương hiệu.

Tuy vậy, theo Pop Sugar, những hành động này của các nhãn hàng chỉ nhằm thu hút sự chú ý của truyền thông, chưa thực sự giải quyết khó khăn của người chuyển giới nữ khi lựa chọn trang phục hàng ngày.

Valentina Sampaio là siêu mẫu chuyển giới đầu tiên của Victoria's Secret, Teddy Quinlivan là người phát ngôn của thương hiệu Chanel. Ảnh: Shutterstock, Jonathan Daniel Pryce.

Valentina Sampaio là siêu mẫu chuyển giới đầu tiên của Victoria's Secret, Teddy Quinlivan là người phát ngôn của thương hiệu Chanel. Ảnh: Shutterstock, Jonathan Daniel Pryce.

Tại Việt Nam, nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng cho rằng trans girl thường bị các doanh nghiệp thời trang đánh đồng với phụ nữ hợp giới. Họ chưa nắm rõ số đo cơ thể, thường xuyên gặp khó trong việc tìm kiếm váy áo phù hợp.

Các thương hiệu thời trang nhanh đều có bảng kích thước tương đối phong phú, phù hợp với nhiều người dùng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBTQIA+, đặc biệt là người chuyển giới nữ, lo lắng, trăn trở.

Cụ thể, quần áo rộng giúp họ giấu đi những đặc điểm cơ thể liên quan đến giới tính sinh học, nhưng không hợp xu hướng, kém thời thượng. Ngược lại, thiết kế bó sát, cắt xẻ lại để lộ các đặc trưng hình thể mà họ không muốn phô diễn, tạo ra sự tự ti, dẫn đến tình trạng bức bối giới.

Bảo Lê theo đuổi phong cách quyến rũ, gợi cảm, gặp khó khăn khi lựa chọn trang phục bó sát, cắt xẻ.

Bảo Lê theo đuổi phong cách quyến rũ, gợi cảm, gặp khó khăn khi lựa chọn trang phục bó sát, cắt xẻ.

Như Bảo Lê, với những đặc điểm hình thể của mình, cô ít khi mua sắm sản phẩm thời trang từ các cửa hàng nhập sẵn. Theo Bảo, các đại lý thường nhập về trang phục size S hoặc M vì cho rằng đây là kích thước phù hợp với đa số khách hàng nữ.

Tuy nhiên, phần vai rộng khiến vòng ngực lớn của Bảo Lê chỉ phù hợp với váy áo size L. Cô thường xuyên bỏ lỡ những món đồ yêu thích vì dòng sản phẩm đó không có kích cỡ vừa vặn.

Khác với Bảo Lê, Bảo Minh (23 tuổi, TP.HCM) chưa thực hiện phẫu thuật chuyển giới hay can thiệp y tế, song đang xây dựng hình tượng của một trans girl. Cô theo đuổi phong cách Y2K, thường xuyên diện những mẫu áo, quần hợp xu hướng.

Một outfit điển hình của Bảo Minh là áo croptop và quần jean dài, rộng. Cô tuân thủ nguyên tắc trên hở hang, dưới kín đáo của trào lưu Y2K.

Minh thừa nhận thân hình mảnh khảnh của cô đặc biệt phù hợp với phong cách này. Tuy nhiên, phần xương chậu kém nở nang của một trans girl khiến cô khó tìm những mẫu quần phù hợp.

“Chiếc quần jean nào vừa với độ dài chân tôi sẽ có phần cạp tương đối rộng. Ngược lại, mẫu quần vừa bụng thường khá ngắn, không phủ hết chân”, cô tâm sự.

Hơn nữa, cô cũng đau đầu trong việc tìm kiếm giày cao gót có kích thước vừa vặn với bàn chân tương đối lớn. Thậm chí, khi lựa chọn trang sức, Bảo Minh cũng ít thấy nhẫn vừa ngón tay.

Sửa đồ, đặt may

Theo đuổi xu hướng Y2K, Bảo Minh không thể loại bỏ những chiếc quần jean dài, rộng khỏi tủ đồ. Cô thường phải mua các mẫu quần cạp rộng, mang đi sửa chữa hoặc sử dụng thắt lưng, ghim băng siết lại.

Nhận thấy các local brand (nhãn hàng nội địa) chưa cung cấp các mẫu váy áo đa dạng kích cỡ, Minh chọn đặt hàng từ nước ngoài hoặc mua sắm tại thương hiệu thời trang nhanh quốc tế - nơi vốn có nhiều sản phẩm phom dài, rộng hơn so với hình thể tiêu chuẩn của phụ nữ Việt Nam.

Bảo Minh thường mang trang phục ra các cửa tiệm cắt may để chỉnh sửa hoặc mua sắm tại các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế.

Bảo Minh thường mang trang phục ra các cửa tiệm cắt may để chỉnh sửa hoặc mua sắm tại các thương hiệu thời trang nhanh quốc tế.

Đồng tình với Bảo Minh, Tracy Lưu (25 tuổi, TP.HCM) thường xuyên mua trang phục cỡ lớn nhất, sau đó đem đi sửa cho phù hợp với đặc điểm hình thể.

“Nhận thấy quá trình mua đồ, sửa chữa, đợi quần áo được chỉnh sửa xong tương đối bất tiện, mất thời gian, song tôi không có phương án giải quyết nào khác”, Tracy thú nhận với Zing.

Mỗi lần đến cửa hàng cắt may, cô thường gom 3-5 bộ đồ để tiết kiệm công sức, thời gian chờ đợi. Các tiệm may mặc cũng là địa chỉ thân thiết của Tracy Lưu.

Đối với một số món đồ cần “đo ni đóng giày” như blazer, quần âu, đầm dạ hội, cô thường đặt may. Tại đây, các thợ may sẽ lấy số đo từng vòng, đảm bảo trang phục vừa vặn với cơ thể, không cần sửa chữa nhiều.

Tuy nhiên, Tracy Lưu cho biết váy áo may đo thường có giá thành cao gấp 1,5-2 lần so với sản phẩm thời trang bán sẵn. Cô đành bấm bụng chi trả để sở hữu những món đồ vừa ý.

Không cần phẫu thuật để mặc vừa quần áo

Chia sẻ với Zing, nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng cho biết sự tự tin và tình yêu cơ thể là nền tảng để người chuyển giới nữ xây dựng phong cách, lựa chọn trang phục. Nhà tạo mẫu này cũng bác bỏ quan điểm phẫu thuật chuyển giới để mặc vừa váy áo.

Hiện nay, nhiều thương hiệu thời trang phi giới tính đã xuất hiện, phát triển các dòng sản phẩm dành cho khách hàng chuyển giới. Ví dụ, trong lễ trao giải Grammy 2023, ca sĩ Harry Styles đã diện bộ jumpsuit đến từ EGONlab - một nhãn hàng Pháp gây tiếng vang với những sáng tạo phi giới tính.

 Nhiều thương hiệu thời trang phi giới tính trình làng các thiết kế dành cho người chuyển giới. Ảnh: EGONlab.

Nhiều thương hiệu thời trang phi giới tính trình làng các thiết kế dành cho người chuyển giới. Ảnh: EGONlab.

Theo Phan Đăng Hoàng, để tìm kiếm trang phục phù hợp, các tín đồ thời trang chuyển giới nữ cần nắm rõ số đo và thấu hiểu phong cách bản thân.

Đầu tiên, trans girl cần biết rõ số đo 3 vòng, chiều cao, cân nặng, thậm chí chiều dài vai, cánh tay, chân để quá trình lựa chọn trang phục diễn ra dễ dàng hơn. Người mặc có thể nhờ tư vấn viên tại cửa hàng thời trang hỗ trợ tìm kiếm váy áo phù hợp với đặc điểm hình thể.

Tiếp theo, “vừa vặn” là từ khóa quan trọng nhất. Các tín đồ thời trang không nên cố gắng diện trang phục chật, gây khó chịu khi di chuyển, cử động. Ngược lại, những món đồ rộng thùng thình cũng khiến cơ thể trở nên mất cân đối, không khoe được vẻ đẹp hình thể.

Cuối cùng, người chuyển giới nữ cần thấu hiểu phong cách bản thân. Chỉ khi diện trang phục phù hợp với phong cách, người mặc mới có thể tự tin xuất hiện ở nơi công cộng, thoải mái phô diễn cá tính.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-chuyen-gioi-nu-kho-mua-vay-ao-post1414424.html