Người chuyên xếp hàng thuê cho giới thượng lưu

Nghe có vẻ kỳ lạ, song công việc này đã giúp Robert Samuel (46 tuổi) kiếm được khoảng 80.000 USD/năm và mở công ty dịch vụ.

5h, Quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ) vẫn còn say ngủ. Trước cửa nhà hát Winter Garden, có 5 người đang đứng chờ đợi dưới tiết trời 8 độ C.

Robert Samuel (46 tuổi), một cựu nhân viên bán hàng, lặng lẽ đứng đó. Ông hiện làm công việc xếp hàng hộ cho giới thượng lưu ở xứ cờ hoa. Công việc đó có vẻ kỳ lạ, song nó đã giúp ông và nhiều người khác vượt qua một năm đại dịch.

 Robert Samuel đã gắn bó với nghề xếp hàng thuê trong hơn 9 năm qua. Ảnh: Adam Gabbatt/ The Guardian.

Robert Samuel đã gắn bó với nghề xếp hàng thuê trong hơn 9 năm qua. Ảnh: Adam Gabbatt/ The Guardian.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt và thời gian oái oăm, Samuel vẫn vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Ông mặc một chiếc hoodie, đội mũ lưỡi trai, ngồi trong chiếc lều cắm trại và chờ đợi hàng giờ để mua 2 chiếc vé xem buổi diễn The Music Man.

Chia sẻ với Guardian, Samuel nói vở kịch này đang nhận nhiều sự chú ý nên việc mua vé chẳng dễ dàng. Để có chỗ ngồi, người hâm mộ phải chờ đợi từ sáng sớm hoặc trả tiền cho Samuel - người có kinh nghiệm 9 năm xếp hàng thuê.

Nhận 5.000 USD để mua 2 tấm vé

Công việc của Samuel chẳng đơn giản như nhiều người nghĩ. Ông phải ngồi hoặc đứng suốt nhiều giờ, chỉ có thể chợp mắt một chút khi xếp hàng.

Ông nhận đủ loại yêu cầu: Từ mua vé xem phim, săn voucher giảm giá, phát hành iPhone mới cho đến tang lễ. Tùy vào hợp đồng, Samuel sẽ trực tiếp mua vé, hoặc trả lại chỗ đứng cho khách hàng khi tới lượt.

Kể từ khi công chiếu, vở nhạc kịch đình đám Hamilton đã trở thành "con ngỗng đẻ trứng vàng" cho sự nghiệp xếp hàng thuê của Samuel. Thậm chí, ông còn phải tìm đến sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân để cùng xếp hàng mua vé.

 Nhờ nhận nhiều loại yêu cầu xếp hàng hộ, Samuel có đủ tiền để mở công ty dịch vụ riêng có tên SOLD. Ảnh: Ángel Franco/ The New York Times.

Nhờ nhận nhiều loại yêu cầu xếp hàng hộ, Samuel có đủ tiền để mở công ty dịch vụ riêng có tên SOLD. Ảnh: Ángel Franco/ The New York Times.

"Đó là một vở kịch đình đám, khiến khán giả tranh nhau mua vé. Tôi cảm thấy cần trả hoa hồng cho dàn diễn viên vì đã giúp công việc của tôi thuận lợi hơn", ông kể.

Ông cho biết nhiều tấm vé được tung lên mạng và bán lại, song với mức giá "trên trời" là hơn 15.000 USD. Samuel thường mua vé trực tiếp, chọn các vị trí đẹp. Số vé này thường được phát hành vào buổi sáng mỗi ngày.

"Thời gian chờ đợi có thể kéo dài 4-5 ngày. Chúng tôi tính phí 5.000 USD/2 vé coi nhạc kịch. Nghe có vẻ đắt đỏ, nhưng nó tiết kiệm hơn nhiều so với việc mua lại từ những người bán lẻ trên Internet".

Doanh thu từ việc xếp hàng mua vé xem Hamilton đã giúp Samuel mở công ty do mình làm chủ - Same Ole Line Dudes (SOLD).

Vượt qua định kiến

Xếp hàng mua vé xem kịch không phải thứ duy nhất mà ông thực hiện. Nhờ công việc này, Samuel đã có mặt tại những sự kiện trọng đại của nhiều thập kỷ.

Khi iPhone ra mắt và trở thành sản phẩm công nghệ được ưa chuộng trên cả thế giới, Samuel là một trong hàng nghìn người chờ đợi ngoài cửa hàng, mong được cầm trên tay chiếc smartphone đó.

Khi thương hiệu Supreme gây sốt bằng những đợt giới thiệu sản phẩm phiên bản giới hạn, Samuel lập tức có mặt ở SoHo để mua áo phông, hoodie cho khách.

Từ việc chờ lấy mẻ bánh mới bên ngoài tiệm Dominique Ansel, cho đến mua đồng hồ Omega xa xỉ, Samuel không ngại vất vả để hoàn thành công việc. Ông kiếm ra khoảng 80.000 USD/năm từ việc xếp hàng trước đại dịch.

 Công việc đặc biệt đã giúp Samuel có mặt tại những sự kiện quan trọng trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Penny Hoarder.

Công việc đặc biệt đã giúp Samuel có mặt tại những sự kiện quan trọng trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Penny Hoarder.

Công việc này đem đến cho ông nhiều trải nghiệm mới mẻ, song cũng làm ông bối rối khi chứng kiến những mặt tối của xã hội.

Ông kể với Guardian rằng điều tệ nhất mà ông phải đối mặt là sự phân biệt chủng tộc mà ông và các nhân viên của SOLD phải hứng chịu. Đa số họ là người da đen và Latinh.

Một đồng nghiệp của ông từng bắt chuyện với một bà mẹ dắt con nhỏ đến mua vé xem nhạc kịch. Lúc đứa bé hỏi cảm xúc của người đàn ông về buổi diễn, bà mẹ lại kéo giật lại.

"Đừng hỏi ngớ ngẩn thế, họ không ở đây để xem kịch", Samuel kể lại lời người mẹ ấy nói.

 Nhiều người làm nghề xếp hàng thuê bị phân biệt đối xử. Ảnh: BRG.

Nhiều người làm nghề xếp hàng thuê bị phân biệt đối xử. Ảnh: BRG.

Nhiều người khách từng hỏi một cách khiếm nhã: "Chắc việc xếp hàng thuê không dành cho người da trắng nhỉ?". Định kiến "ăn sâu bám rễ" trong xã hội khiến người xếp hàng thuê như Samuel không nhận được sự tôn trọng cần có.

Tuy nhiên, Samuel vẫn hạnh phúc và hài lòng với công việc của mình. Ông kiếm ra tiền để chăm sóc cho gia đình, tạo điều kiện việc làm cho nhiều người khác nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường.

Sarah Damaske, giáo sư Xã hội học và Quan hệ Lao động - Việc làm tại ĐH Penn State, cho biết ngành nghề này gợi nhớ đến "những hình thức lao động kiểu cũ".

"Điều này cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập quá lớn. Có những người sinh ra đã có nhiều lợi thế hơn về điều kiện sống", giáo sư Damaske nói.

Samuel cho biết những công việc mình làm chỉ là "tiện ích mở rộng trong xã hội hiện đại"

"Bạn có thể khiến người ta làm mọi việc cho mình theo nghĩa đen, miễn là điều đó hợp pháp và trả công xứng đáng", ông nói.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-chuyen-xep-hang-thue-cho-gioi-thuong-luu-post1314582.html