Người có bệnh nền có nguy cơ bệnh nặng nếu mắc COVID-19

Những người mắc bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, bệnh thận mạn tính,... thuộc nhóm nguy cơ bệnh nặng nếu mắc phải COVID-19. Do vậy, người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý theo dõi triệu chứng cũng như tiến triển bệnh nếu nghi ngờ mắc COVID-19.

Cụ ông suy hô hấp do COVID-19 kèm đa bệnh lý

Cụ ông 95 tuổi, mắc COVID-19, suy hô hấp trên nền bệnh sa sút trí tuệ, liệt vận động, tăng huyết áp, suy thận vừa được các bác sĩ cứu thoát khỏi nguy kịch.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân sốt 39 độ C, ho đờm, ăn uống dễ sặc sau đó được người nhà nhập viện trong tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ kiểm tra thấy thở nhanh 23 lần/phút, SpO₂ dao động 85-88% trong khi bình thường khoảng 95%. Các chỉ số viêm và nhiễm khuẩn tăng cao, xét nghiệm PCR cho thấy tải lượng virus COVID-19 cao.

Các bác sĩ khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết: bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp mức độ nặng do COVID-19 chuyển biến nhanh. Bệnh nhân được hỗ trợ thở oxy, dùng kháng sinh phối hợp nhiều nhóm, thuốc kháng viêm corticoid, cân bằng nước và điện giải. Tình trạng suy thận, cơ thể suy kiệt khiến người bệnh đáp ứng điều trị kém.

Người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý theo dõi triệu chứng cũng như tiến triển bệnh nếu nghi ngờ mắc COVID-19.

Người có bệnh nền cần đặc biệt chú ý theo dõi triệu chứng cũng như tiến triển bệnh nếu nghi ngờ mắc COVID-19.

Đội ngũ dinh dưỡng xây dựng chế độ ăn đặc biệt, chia theo từng giai đoạn phục hồi thể trạng của bệnh nhân, theo dõi tình trạng vi chất và chỉ số chuyển hóa trong suốt quá trình điều trị. Do sa sút trí tuệ và phản xạ ho kém, bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng hô hấp bằng máy vỗ rung và tập vận động thụ động hàng ngày. Phác đồ điều trị điều chỉnh linh hoạt dựa trên sự phối hợp giữa các chuyên khoa.

Sau khoảng hơn 4 tuần, bệnh nhân hết sốt, chức năng phổi dần ổn định, thận bớt suy, dinh dưỡng tốt, ho khạc tốt hơn, chỉ số nhiễm khuẩn thấp và được xuất viện.

Người mắc bệnh nền có nguy cơ nhiễm COVID-19 diễn tiến nặng lên

Nhóm đối tượng này là những người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. Những bệnh lý nền làm tăng nguy cơ tử vong và tiến triển bệnh nặng do COVID-19 bao gồm:

Đái tháo đường. Bao gồm cả trường hợp tiểu đường type 1 và type 2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác.
Béo phì, thừa cân. Thừa cân là những người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 25 trở lên nhưng nhỏ hơn 30, còn từ 30 trở lên là béo phì. Những người thừa cân, béo phì có khả năng mắc bệnh nghiêm trọng nếu nhiễm COVID-19, nguy cơ tăng cao ở những người có chỉ số BMI cao.
Bệnh thận mạn tính. Mắc bệnh thận mạn tính ở bất cứ giai đoạn nào cũng làm tăng nguy cơ biến chứng nặng do COVID-19. Người từng ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc để tạo máu.

Ung thư, đặc biệt là các bệnh ung thư liên quan đến huyết học, phổi hay ung thư di căn. Mắc ung thư làm giảm sức khỏe và tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do COVID-19 do làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Nhất là các bệnh ung thư liên quan đến huyết học hay hô hấp thì biến chứng COVID-19 thường nặng nề hơn.

Bệnh lý mạch máu não. Tình trạng bệnh mạch máu não như đột quỵ đều ảnh hưởng đến lưu thông máu lên não, từ đó làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19.

Bệnh tim mạch như suy tim, bệnh cơ tim,…Bệnh nhân có thể tăng khả năng mắc bệnh nặng do COVID-19 kết hợp với biến chứng của các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, suy tim, tăng huyết áp,...
Hội chứng Down. Bệnh lý thần kinh.
HIV/AIDS. Nhiễm HIV là bệnh gây suy giảm miễn dịch ở người, những đối tượng này cần được cách ly phòng tránh COVID-19 do những biến chứng nặng có thể gặp phải.

Hen phế quản. Hen phế quản và các bệnh phổi mạn tính có thể làm tăng nguy cơ bệnh nặng do COVID-19 như: giãn phế quản, loạn sản phế quản phổ, bệnh thuyên tắc phổi mạn tính, bệnh tăng huyết áp phổi, thuyên tắc động mạch phổi,...
Tăng huyết áp. Bệnh hình cầu hình liềm, bệnh huyết học mạn tính hay thalassemia.

Bệnh thiếu hụt miễn dịch. Những người bị suy giảm miễn dịch có thể do điều trị hóa trị hoặc cấy ghép nội tạng đều có khả năng mắc bệnh nặng do COVID-19.

Bệnh gan. Các bệnh gan mạn tính làm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ biến chứng COVID-19 bao gồm: gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh gan tự miễn, xơ gan, bệnh gan do rượu,...

Các bệnh hệ thống. Người đang điều trị với thuốc corticosteroid hoặc các thuốc gây ức chế miễn dịch khác… Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai cũng là đối tượng nguy hiểm nếu mắc phải COVID-19. Việc theo dõi điều trị cho những bệnh nhân này cũng cần sát sao hơn, xử lý kịp thời nếu biến chứng nặng xảy ra để cứu sống người bệnh.

Phòng COVID-19 ở người có bệnh nền

Bệnh nhân cần khám và uống thuốc đều đặn để ổn định bệnh nền.

Bệnh nhân cần khám và uống thuốc đều đặn để ổn định bệnh nền.

Để phòng COVID-19, nhóm người cao tuổi và có bệnh mạn tính, cần duy trì các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chủ động theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, ngạt mũi hoặc khó thở, nên đến cơ sở y tế để được khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là mũi nhắc lại cho người già hoặc nhóm nguy cơ cao là "lá chắn" quan trọng nhất.

Vaccine COVID-19 đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Người có bệnh nền cần tiêm đủ các mũi cơ bản và mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc này không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn để ổn định bệnh nền, cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ: uống thuốc đúng giờ, đúng liều và tái khám định kỳ. Việc kiểm soát tốt bệnh nền sẽ giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn để đối phó với COVID-19.

BS. Lê Hà An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-co-benh-nen-co-nguy-co-benh-nang-neu-mac-covid-19-169250711120233162.htm