Sốt xuất huyết tại TP.HCM diễn biến phức tạp
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) vừa phát đi cảnh báo về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp và ở mức báo động.
Theo số liệu cập nhật trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 14.370 ca mắc sốt xuất huyết, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8.696 ca).

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, khu vực TP.HCM cũ ghi nhận 11.014 ca, tăng 158% so với cùng kỳ; khu vực Bình Dương có 2.494 ca (tăng 145%); khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 862 ca (tăng 122%). Đáng chú ý, trong cùng khoảng thời gian, toàn địa bàn đã xảy ra 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó TP.HCM cũ có 3 ca, Bình Dương 2 ca và Bà Rịa - Vũng Tàu 1 ca.
Riêng trong tuần 27 (từ ngày 30/6 đến 6/7), toàn thành phố có thêm 838 ca mắc mới, tăng 43 ca so với tuần trước đó (795 ca). Các chuyên gia dịch tễ đánh giá, TP.HCM đang bước vào mùa mưa cao điểm, điều kiện lý tưởng cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ.
Số ca mắc hàng tuần có xu hướng tăng nhanh và lan rộng trên nhiều địa bàn, nếu công tác diệt lăng quăng, kiểm soát ổ dịch tại cộng đồng không được duy trì quyết liệt và thường xuyên, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt là các bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến quận, huyện.
So với các chu kỳ dịch sốt xuất huyết của những năm trư ớc (2019-2022), giai đoạn từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 luôn là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất. Với xu hướng hiện tại, TP.HCM xác định phương châm hành động then chốt là “chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, xử lý triệt để” nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước tình hình này, ngành y tế TP.HCM đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp ứng phó đồng bộ. Công tác giám sát dịch tễ, xử lý ổ dịch và đánh giá các điểm nguy cơ được đẩy mạnh tối đa.
Các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cũng được tăng cường thông qua nhiều kênh, trong đó có ứng dụng “Y tế trực tuyến” giúp tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý các điểm nguy cơ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại hộ gia đình, cộng đồng và nơi công cộng.
Cụ thể, cần tìm và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết để hạn chế nơi muỗi đẻ trứng; đậy kín xô, thùng, hồ chứa nước sinh hoạt khi không sử dụng; đồng thời áp dụng các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi hay vợt muỗi.
Ngoài ra, ngay khi có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà để tránh nguy cơ biến chứng nặng.
Các chuyên gia nhấn mạnh, một ca sốt xuất huyết Dengue nặng không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn tiêu tốn rất nhiều nhân lực, chi phí điều trị.
TS.Nguyễn Huy Luân, Trưởng đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay, có ca bệnh sốt xuất huyết nằm điều trị vài tháng, phải điều trị đến gần cả tỷ đồng.
Theo PGS-TS.Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, chỉ cần một vài ca sốt xuất huyết nặng cũng đủ khiến cả một hệ thống y tế căng thẳng. Có những đêm cao điểm, đơn vị cấp cứu phải tiếp nhận liên tục 30 ca nặng.
Đối với người bệnh sốt xuất huyết điều trị ngoại trú, Bộ Y tế khuyến cáo phải theo dõi, tái khám. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ và nhập viện kịp thời nhằm phát hiện sớm biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các trường hợp dư cân, béo phì, người trên 60 tuổi, mắc bệnh mạn tính...
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm hiếm hoi mà dù khoa học đã hiểu khá rõ về vi-rút, véc-tơ truyền bệnh, phương pháp chẩn đoán và điều trị, nhưng bệnh vẫn ngày càng lan rộng, phức tạp và trở nên nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để phòng ngừa sốt xuất huyết Dengue hiệu quả, các chuyên gia nhấn mạnh sự cấp thiết của một chiến lược toàn diện, bao gồm các biện pháp kiểm soát véc-tơ để tiêu diệt muỗi Aedes, tăng cường giáo dục cộng đồng và quản lý môi trường. Trong đó, tiêm chủng được xem là một công cụ quan trọng để chủ động giảm tỷ lệ nhập viện và giảm thiểu tử vong do bệnh gây ra.
Ths.Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khẳng định, không thể đợi có dịch mới dự phòng, đồng thời kêu gọi truyền thông rõ ràng về các biện pháp tích hợp, từ kiểm soát muỗi quanh năm đến chủ động tiêm phòng, để mỗi người dân trở thành một mắt xích trong nỗ lực phòng, chống bệnh.
Còn theo bác sỹ Bạch Thị Chính, hiện công tác tại Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) cảnh báo rằng người từng mắc sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ bị sốc nặng nếu tái nhiễm với chủng virus Dengue khác.
Virus Dengue có 4 type huyết thanh (DEN-1 đến DEN-4), và khi tái nhiễm với một type khác, nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn sẽ tăng lên do cơ chế tăng cường phụ thuộc kháng thể (ADE).
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/sot-xuat-huyet-tai-tphcm-dien-bien-phuc-tap-d328543.html