Người Cờ Lao và những huyền thoại dưới dải Tây Côn Lĩnh
Xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) là nơi sinh sống lâu đời của các dân tộc Dao, Cờ Lao, Hoa, dưới đỉnh núi cao quanh năm mây phủ ấy cuộc sống của họ yên bình và cũng ẩn chứa nhiều huyền thoại gắn với núi rừng và đời sống phong tục từ xa xưa truyền lại.
Trong ngôi nhà của chàng trai người Cờ Lao, Min Sử Sảng, thôn Tả Chải, từ câu chuyện ban đầu xoay quanh những cây chè cổ thụ, cây cối và rừng ở Túng Sán; rồi từ gốc cây lớn 2 vòng tay người ôm bên miếu thờ linh thiêng, những huyền thoại về Cốc vũ tiên tri, về núi Cô Tiên, về trấn yểm long mạch… dưới cánh rừng đại ngàn đã được khơi ra. Khi ông cụ già nhất thôn, Min Hùng Phan, ông nội của Min Sử Sảng đến góp vui càng làm câu chuyện trở nên huyền ảo, thôi thúc người nghe muốn khám phá. Ông cụ đã hơn 80 tuổi, biết tiếng phổ thông không nhiều nên những câu chuyện về thời xa xăm qua lời ông kể cứ phần được, phần mất lại gợi ra bao bí ẩn dưới chân núi Tây Côn Lĩnh. Câu chuyện núi Cô Tiên và long mạch bị trấn yểm khiến tôi quyết định lên núi Tây Côn Lĩnh để khám phá câu chuyện về núi Cô Tiên. Từ trung tâm xã nhìn lên có thể thấy núi Cô Tiên nổi bật giữa bạt ngàn núi rừng, là núi thiêng, chứa nhiều huyền tích gắn với đời sống của người dân nên muốn lên núi phải vào miếu thắp hương xin các vị thần phù hộ. Miếu thờ trình tường đất, nằm dưới tán 1 gốc cây lớn cỡ 2 người ôm, thờ 5 vị thần. Ở chính giữa thờ Hoàng Vần Thùng, vị thần cai quản vùng đất phía Tây; tiếp đến là bàn thờ Cốc vũ tiên tri, vị thần cai quản mưa gió và mùa màng; bên cạnh nữa là bàn thờ ông tổ nghề cúng của người Cờ Lao, 2 bàn còn lại thờ Phật Bà Quan Âm, và thờ Nương Nương vị thần bảo vệ cho trẻ nhỏ. Theo ông Min Phà Kháy, Bí thư Chi bộ thôn Tả Chải, miếu thờ được lập đã 15 đời người, được bà con trong vùng cung kính nhang khói, mỗi khi mở cửa miếu phải đúng ngày, nếu là ngày bình thường muốn mở cửa phải mổ gà để cúng mới được. Núi Cô Tiên là núi thiêng, từ trước tới giờ chỉ có 1 người leo lên đến chóp đỉnh núi đá, nhưng sau đó không thể xuống được phải nhờ thầy về cúng mới có thể xuống. Dẫn chúng tôi đi khám phá núi là Min Sử Hùng, người trẻ tuổi nhưng am hiểu về rừng núi Tây Côn Lĩnh. Anh sống 2 năm trong căn lều nằm cách đỉnh cao 2.428 m không xa để trồng rừng cho một dự án trồng cây lâu năm. Con đường từ miếu thờ lên đỉnh núi Cô Tiên không dài chỉ áng chừng 4 km nhưng nếu trời mưa hoặc nhiều sương mù sẽ khó chinh phục. Đường nhỏ, dốc đứng và nhiều vách sâu hiểm khó lường, chỉ đi được 1 người 1 xe. Người dân dưới đỉnh Tây Côn Lĩnh truyền nhau rằng núi Cô Tiên là vách đá dựng đứng tách biệt tạo ra linh khí cho đất nước. Trước đây từng có tốp người ngoại quốc tìm đến đỉnh núi đào bới nơi được gọi là long mạch để trấn yểm. Những vết tích đào bới vẫn còn dưới đỉnh núi. Vượt thêm hơn 1 km luồn trong rừng trúc, băng qua những cây cổ thụ phủ rêu chúng tôi đến được núi Cô Tiên. Một khối đá sừng sững vươn lên trên đỉnh dãy núi sau kiến tạo hàng ngàn năm của địa chất. Người Cờ Lao vẫn kể cho con cháu chuyện ngày xưa có cô tiên cưỡi ngựa đáp xuống đỉnh núi đá này và ở lại nên có tên núi Cô Tiên. Núi đá chia thành 4 tầng, trên cùng là các loại hoa đỗ quyên, hoa lan... thay nhau nở quanh năm, còn có vũng nước trong mát không bao giờ cạn…
Nhìn từ trên chỉ thấy 1 vùng núi trập trùng và ruộng bậc thang của Hoàng Su Phì. Một bên là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao vợi ẩn trong mây mù và màu xanh của cây rừng. Người dân cũng kể lại trận cháy rừng lớn cách đây hằng chục năm khiến cây cối trong vùng bị thiêu rụi, biến dãy núi hoang trọc mất mấy năm. Giờ đây màu xanh đã phủ khắp dãy núi huyền thoại, mang lại cảm giác yên bình, là nguồn sống của người dân nơi đây với Thảo quả, chè Shan tuyết, dược liệu quý...