Người có phẫu thuật thẩm mỹ bắt buộc phải biết điều này nếu không muốn gặp rắc rối khi dùng căn cước công dân

Với sự can thiệp của dao kéo, phẫu thuật thẩm mỹ khiến nhiều người khác với dung mạo ban đầu trong ảnh căn cước công dân. Theo quy định, thay đổi đặc điểm nhận dạng là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân. Vậy các bước thực hiện như thế nào?

Sau khi phẫu thuật thẩm mỹ có bắt buộc phải đổi thẻ căn cước công dân gắn chip không?

Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến thay đổi hoàn toàn khuôn mặt tự nhiên ban đầu. Theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014, trường hợp "thay đổi đặc điểm nhận dạng" là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014, trường hợp "thay đổi đặc điểm nhận dạng" là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân. Ảnh minh họa: TL

Theo quy định của Luật Căn cước công dân 2014, trường hợp "thay đổi đặc điểm nhận dạng" là một trong những trường hợp phải thực hiện đổi, cấp lại căn cước công dân. Ảnh minh họa: TL

Căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014 về nội dung thẻ căn cước công dân gắn chip được đổi trong các trường hợp sau đây:

- Các trường hợp đến tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân.

- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được.

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng.

- Xác định lại giới tính, quê quán.

- Có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân.

- Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

- Bị mất thẻ căn cước công dân.

- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014 quy định nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân

Thẻ căn cước công dân bao gồm những thông tin:

- Mặt trước thẻ có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ "Căn cước công dân"; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

- Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình Quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước công dân.

Từ những quy định trên, trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng thì phải thực hiện đổi căn cước công dân gắn chíp mà không cần phải đợi đủ tuổi mới đổi thẻ.

Mặt sau thẻ căn cước công dân có chứa nhiều thông tin quan trọng.

Mặt sau thẻ căn cước công dân có chứa nhiều thông tin quan trọng.

Sau khi phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng, các thủ tục đổi thẻ căn cước công dân thực hiện như thế nào?

Căn cứ tại Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định trình tự thủ tục đổi thẻ căn cước công dân gắn chip như sau:

- Bước 1. Công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ căn cước công dân.

- Bước 2. Cán bộ công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thu nhận thông tin công dân:

+ Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng.

+ Thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung.

+ In phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên.

+ Thu lệ phí theo quy định.

+ Cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

- Bước 3. Thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân.

- Bước 4. Tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có).

- Bước 5. Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

- Bước 6. Trả thẻ căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

+ Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.

Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an.

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

- Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân hiện nay bao lâu?

Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 về độ tuổi đổi thẻ căn cước công dân

- Thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

- Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi phải đổi thẻ thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Theo nội dung quy định nêu trên, khi đến độ tuổi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì người dân cần phải thực hiện đổi thẻ căn cước công dân mới.

Thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp được xác định là thời gian còn lại từ lúc công dân thực hiện thủ tục cấp CCCD gắn chíp đến lúc đủ độ tuổi phải đổi CCCD theo quy định.

Cụ thể, trong 02 năm trước khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, nếu đi làm CCCD mới thì thẻ này sẽ có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo quy định hiện nay thì thẻ căn cước công dân được cấp khi công dân đủ 60 tuổi thì sẽ có giá trị sử dụng suốt đời trừ trường hợp phải đổi, phải cấp lại thẻ CCCD.

Thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân được kiểm tra như thế nào?

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư 06/2021/TT-BCA về thông tin trên thẻ căn cước công dân. Theo đó, thông tin thời hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân được in trên mặt trước của thẻ.

Người dân có thể tự kiểm tra thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân thông qua dòng chữ "Có giá trị đến/Date of expiry" như sau:

Xem ngày cấp căn cước công dân ở đâu trên thẻ căn cước công dân gắn chip?

Theo Điều 3 Thông tư 06/2021/TT-BCA:

- Ngày cấp CCCD nằm ở mặt sau của thẻ, phía bên trái, mục thứ hai từ trên xuống.

- Phía trên ngày cấp CCCD gắn chip là mục ghi đặc điểm nhận dạng/Personal identification: Đây là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài để phân biệt người này với người khác.

- Phía dưới ngày cấp CCCD lần lượt là con chip điện tử, con dấu, chữ ký của Cục trưởng Cục quản lý hành chính về trật tự xã hội.

- Bên phải ngày cấp CCCD gắn chip là ô vân tay của ngón trỏ trái/Left index finger và ngón trỏ phải/Right index finger của người được cấp thẻ CCCD.

- Dưới cùng là dòng ký tự gọi là MRZ.

Giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân được xác định thế nào?

Tại Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014, giá trị sử dụng của thẻ căn cước công dân được quy định:

Thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Căn cước công dân (CCCD) là gì?

Theo quy định tại Luật Căn cước công dân thì căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này. Còn nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.

Căn cước công dân là một loại giấy tờ tùy thân mà hầu hết mọi người khi đến độ tuổi được cấp đều phải có. Căn cước công dân được sử dụng trong mọi giao dịch, thủ tục hành chính. Bởi đây là giấy tờ có ảnh và ghi nhận những thông tin cơ bản của người đó, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đối chiếu và xác định đúng người đang tham gia giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính đó.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-co-phau-thuat-tham-my-bat-buoc-phai-biet-dieu-nay-neu-khong-muon-gap-rac-roi-khi-dung-can-cuoc-cong-dan-172230614235217935.htm