Người có uy tín, điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số

Với vị thế, vai trò đặc biệt của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy mỗi người có uy tín là một tuyên truyền viên pháp luật

Để các chương trình, chính sách dân tộc, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thật sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể thì phải kể đến một phần đóng góp không nhỏ công sức của đội ngũ những người có uy tín. Tại nhiều địa phương, ngoài những già làng, người có nhiều kinh nghiệm sống, đã có không ít người trẻ đã được đồng bào tín nhiệm bầu là người có uy tín.

Là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang chiếm 16,22% dân số toàn tỉnh, trong đó có 6 dân tộc thiểu số có dân số đông. Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 520 người có uy tín hoạt động tại các thôn, bản thuộc các xã của 6 huyện miền núi là Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Tân Yên.

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được hiệu quả, bên cạnh các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tuyên truyền trực tiếp thông qua đội ngũ người có uy tín đạt hiệu quả khá cao.

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nhật Quỳnh)

Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh: Nhật Quỳnh)

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại địa phương đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,3% xuống còn 18,8% trong 4 năm qua; trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; tình hình chính trị ổn định...

Năm 2024, Lào Cai có hơn 1.100 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín của tỉnh luôn góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; vận động đồng bào hăng say thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới; góp phần xây dựng và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đội ngũ người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu trong lời nói và việc làm để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo; tích cực phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan; vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ, thôn, bản… tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới...

Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống được người có uy tín lưu giữ và phát huy bản sắc, điển hình, như Lễ hội Gầu Tào của dân tộc H’Mông, hát Then của dân tộc Tày, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan, dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu, lễ hội Chợ tình Khâu Vai của dân tộc Nùng, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm ở Bình Thuận, lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer...

Quan tâm công tác bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1576/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu cho cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, thời gian qua, các cấp, các ngành quan tâm đến người có uy tín thông qua hình thức tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị cung cấp thông tin, tham quan học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hòa giải hiệu quả.

Người có uy tín A Tơi (ngoài cùng bên trái) thường xuyên tuyên truyền, vận động để trong thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. (Ảnh: Ngọc Chí)

Người có uy tín A Tơi (ngoài cùng bên trái) thường xuyên tuyên truyền, vận động để trong thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) không còn xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. (Ảnh: Ngọc Chí)

Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật, cung cấp thông tin đối với người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên toàn tỉnh.

Gần 450 người có uy tín trên toàn tỉnh được cập nhật thông tin về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh...; đồng thời được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc, luật tín ngưỡng, tôn giáo và một số kinh nghiệm, kỹ năng nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Với đồng bào các dân tộc thiểu số, “tai nghe không bằng mắt thấy, miệng nói không bằng tay làm”, để tuyên truyền được người dân thì người có uy tín cũng phải là người đi đầu trong việc sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vận động nhân dân thay đổi các phong tục tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho năng suất cao.

Tại Kon Tum, tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, với dân số toàn tỉnh khoảng hơn 597 nghìn người, trong đó người dân tộc thiểu số là hơn 320 nghìn người, chiếm hơn 54%, trong đó có đông đồng bào dân tộc như Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm...

Trên địa bàn tỉnh có 620 người có uy tín thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, phần lớn là già làng, trưởng thôn, có một số người uy tín vừa là già làng, vừa là bí thư chi bộ, trưởng thôn...

Người có uy tín luôn gương mẫu trong lời nói, việc làm, am hiểu phong tục, tập quán, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng làng bản, được nhân dân trong thôn, làng kính trọng. Thực hiện các chính sách đối với người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh và tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, cả nước có hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số của cả nước. Hiện nay, có gần 30.000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, người có uy tín được chú trọng tập huấn các nội dung, đặc biệt là trong triển khai các chính sách dân tộc, tuyên truyền phổ biến pháp luật, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả việc triển khai các chương trình chính sách tại cơ sở…

Lớp tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, xã; trưởng thôn, bản; người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đây là một trong những hoạt động góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình về bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, cảnh quan môi trường, giáo dục để đồng bào dân tộc thiểu số có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; phê phán mạnh mẽ các hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường như: xả rác bừa bãi, chặt phá rừng, triệt hạ cây xanh, xả thải ra môi trường, giúp bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, thiên nhiên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng tốt hơn trong tương lai.

Lan tỏa từ những tấm gương người có uy tín

Sự đóng góp của những người có uy tín trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thể hiện thông qua các hoạt động, như tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu; vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua; tích cực tham gia giải quyết những vụ việc phức tạp phát sinh từ cơ sở, hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân…

Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang năm 2024. (Ảnh: Ngọc Hiển)

Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang năm 2024. (Ảnh: Ngọc Hiển)

Bên cạnh đó, đội ngũ người có uy tín trên cả nước còn vận động đồng bào các dân tộc tham gia các cuộc vận động như: "Xây dựng nông thôn mới", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa nhà tạm, nhà dột nát trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số"...phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Ở vùng biên giới, người có uy tín là nòng cốt cùng Bộ đội Biên phòng vận động quần chúng thực hiện các phong trào: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”; “Quần chúng tham gia tự bảo quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc.

Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024 với sự tham dự của 200 đại biểu là người uy tín đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo thuộc 47 dân tộc thiểu số đã nhằm mục tiêu tôn vinh và phát huy vai trò của những người có uy tín tiêu biểu ở vùng biên giới, hải đảo; biểu dương kịp thời những đóng góp hết sức quan trọng của người có uy tín trong cộng đồng và những người có thành tích xuất sắc trong thực hiện các cuộc vận động.

Qua đó, nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc.

Các bộ, ban, ngành, lực lượng vũ trang và cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín cần trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp phải quan tâm, sớm phát hiện, bồi dưỡng, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho những nhân tố có triển vọng để trở thành lớp người có uy tín kế cận, kế tiếp, dồi dào, vững mạnh.

Ngoài quy định của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp cần nghiên cứu để có thêm những chế độ cho người có uy tín phù hợp điều kiện, đặc điểm, tình hình riêng của đơn vị, địa phương, nhất là trong việc hỗ trợ, trang bị những điều kiện cần thiết để người có uy tín hoạt động.

HIỆP ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-co-uy-tin-diem-tua-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post844853.html