Người có uy tín huyện Yên Bình góp sức xây dựng quê hương

Những năm qua, người có uy tín trong đồng bào công giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Yên Bình đã phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy trao Bằng khen cho ông Trần Văn Tuấn - Trưởng ban Hành giáo, Giáo xứ Yên Bình, huyện Yên Bình.

Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy trao Bằng khen cho ông Trần Văn Tuấn - Trưởng ban Hành giáo, Giáo xứ Yên Bình, huyện Yên Bình.

Chúng tôi tới nhà ông Mễ Văn Giáo ở thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình vào đúng lúc đội văn nghệ dân gian của thôn đang hăng say luyện tập các điệu múa, hát truyền thống của người Cao Lan. Các thành viên đội văn nghệ đều chăm chú lắng nghe, tiếp thu từng chỉ dẫn của ông Giáo - từ động tác tay, nhịp bước chân, tạo hình sao cho uyển chuyển, nhịp nhàng... Tất cả cùng cố gắng mang nét độc đáo, đặc sắc của dân tộc mình tới buổi giao lưu văn nghệ giữa các thôn bản và các cộng đồng dân tộc tại xã Đại Đồng trong thời gian tới.

Chị Lý Thị Hòa - một thành viên đội văn nghệ chia sẻ: "Ông Giáo sưu tầm nhiều sách cổ, có hướng dẫn về các phong tục, tập quán, nghi lễ. Ông cũng am hiểu về các điệu múa, hát của người Cao Lan. Từ đó, ông thành lập đội văn nghệ để giúp mọi người cùng học tập, gìn giữ, phát huy, quảng bá nét đẹp dân tộc mình. Trong mỗi hoạt động về nghi lễ, mọi người đều nhờ ông Giáo chỉ dẫn”.

Thôn Đá Chồng hiện có 220 hộ với 960 nhân khẩu; trong đó, có 37% đồng bào dân tộc Cao Lan. Trước đây, Đá Chồng còn nhiều khó khăn nhưng từ những đóng góp thầm lặng của ông Giáo trong 10 năm làm trưởng thôn đã giúp đời sống của nhân dân cải thiện đáng kể. Trong hành trình ấy, ông Giáo luôn tích cực vận động nhân dân lao động sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định cuộc sống.

Ông Mễ Văn Giáo tích cực truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ.

Ông Mễ Văn Giáo tích cực truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ.

Ông Giáo chia sẻ: "Để tuyên truyền nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ hủ tục, chính người thân, con cháu trong gia đình phải tuân thủ trước thì mình mới vận động nhân dân làm theo được. Trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tôi phải tích cực đi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại gia đình mình trước tiên. Khi mình làm được, có hiệu quả thì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn mọi người cùng làm theo... Từ đó, đời sống kinh tế của nhân dân trong thôn ngày một cải thiện, người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới”.

Ông Bàn Đức Thành là người có uy tín đồng bào dân tộc Dao ở thôn Kéo Sa, xã Cảm Nhân. Không phụ lòng tin tưởng của bà con, những năm qua, bất kể ngày mưa hay nắng nóng, ông Thành luôn sát cánh cùng Ban Chi ủy thôn Kéo Sa đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi hủ tục, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại xã Cảm Nhân 3 năm nay, bản thân ông Thành đã trực tiếp hiến hàng trăm mét vuông đất đồi rừng, cây ăn quả của gia đình.

Đồng thời, ông cũng vận động nhân dân trong thôn hiến đất mở mới trên 4 km đường giao thông liên thôn; đóng góp 280 triệu đồng và trên 2.870 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Tại các tuyến đường đã được bê tông hóa, ông đã tham mưu với Ban Chi ủy, vận động các nhà tài trợ, người dân ủng hộ xây dựng điện thắp sáng đường quê.

Ông Thành chia sẻ: "Niềm vui lớn nhất đối với tôi là thấy quê hương ngày một đổi thay. Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa rộng rãi, thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Đồng bào người Dao tích cực phát triển kinh tế đồi rừng, chăn nuôi phát triển, những ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, kiên cố. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm theo từng năm, nhân dân được sử dụng nước sạch, được chăm lo sức khỏe; người lớn tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trẻ em chăm chỉ đến trường học... Tất cả sự giúp sức của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

Có thể khẳng định, 98 người có uy tín trong các tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tại địa phương giai đoạn 2020 - 2023.

Người có uy tín góp sức cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội tiên phong trong thực hiện công tác đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng cho người dân; xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa và phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.

Nhờ vậy, huyện hỗ trợ làm nhà ở cho 527 hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số; gây dựng được nhiều mô hình trang trại vừa và nhỏ trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, kinh tế đồi rừng tại địa phương; tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo tích cực hiến đất, cây cối, hoa màu để mở rộng nền đường, đóng góp kinh phí mở rộng, bê tông các tuyến đường liên thôn.

Tại các khu dân cư, làng bản, người có uy tín là hạt nhân quan trọng để thành lập tổ tự quản, xây dựng cam kết không vứt rác bừa bãi, không đổ nước thải ra đường, nơi công cộng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, khơi thông cống rãnh tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Tiêu biểu như duy trì thực hiện 69 mô hình thôn, tổ thực hiện Cuộc vận động "6 không, 6 sạch” và 24 mô hình trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt”...

Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tích cực triển khai thực hiện Quy định số 217 và Quy định số 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đạt được những kết quả tích cực, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Huy - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Yên Bình cho biết: "Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức thực hiện phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chính quyền, phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi đảm bảo cho người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình để tuyên truyền, vận động nhân dân, bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giữ vững an ninh chính trị tại địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Hoài Văn - Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/297295/nguoi-co-uy-tin-huyen-yen-binh-gop-suc-xay-dung-que-huong.aspx