Người có uy tín tiên phong trong phát triển kinh tế

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong lao động, sản xuất và mong muốn được cống hiến cho xã hội, người có uy tín trên địa bàn huyện Mộc Châu đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ông Tráng Vạ Đế (thứ 2 bên trái) người có uy tín bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước.

Ông Tráng Vạ Đế (thứ 2 bên trái) người có uy tín bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập tuyên truyền nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước.

Trở lại bản biên giới Phiêng Cài, xã Lóng Sập, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi nhanh chóng nơi đây. Từ một bản nghèo khó, người dân quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nhưng đến nay, Phiêng Cài đã khoác lên một diện mạo mới, với tuyến đường nội bản được đổ bê tông sạch sẽ, trên những triền đồi là màu xanh của những vườn cây ăn quả và cây chè, xen lẫn là những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông bình yên. Để có được thành quả như ngày hôm nay, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, phải nhắc đến vai trò của ông Tráng Vạ Đế, người có uy tín của bản đã tích cực vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả của gia đình, ông Tráng Vạ Đế chia sẻ: Muốn bà con đồng thuận, tin theo những gì mình nói, trước tiên mình phải là người tiên phong làm trước. Bởi vậy khi có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, tôi đã tiên phong chuyển đổi gần 1 ha đất nương sang trồng chanh leo, mận và cây lê. Cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lóng Sập, diện tích cây ăn quả của gia đình phát triển tốt và tiếp tục mở rộng lên hơn 3 ha, mang lại thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng/năm. Tôi cũng vận động, hướng dẫn bà con trong bản kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Nói về vai trò của ông Đế, người có uy tín của bản, ông Tráng A Tủa, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, cho biết: Từ tấm gương phát triển kinh tế của ông Đế, nhân dân trong bản đã học tập chuyển đổi 72 ha đất dốc trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả và cây chè mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân của bản đạt 40 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, bản không còn hộ nghèo và được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Tráng Vạ Đế (bên trái) người có uy tín bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập hướng dẫn bà con trong bản chăm sóc cây mận.

Ông Tráng Vạ Đế (bên trái) người có uy tín bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập hướng dẫn bà con trong bản chăm sóc cây mận.

Còn tại bản Dọi, xã Tân Lập, ông Hà Ngọc Quý, người có uy tín của bản luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tiên phong trong phát triển kinh tế và giúp nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Hà Ngọc Quý cho biết: Để bà con làm theo, tôi luôn đi trước, làm trước, tìm tòi học hỏi kỹ thuật trồng trọt để cây trồng cho năng suất cao. Hiện gia đình trồng 3 ha cam, bưởi, nhãn, bơ... hằng năm, cho thu hoạch hơn 40 tấn quả, thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, tôi đã hỗ trợ nhân dân trong bản về giống cây ăn quả, kỹ thuật trồng chăm sóc; thành lập HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, đảm bảo tiêu thụ chè cho nhân dân trong bản.

Anh Hà Văn Khởi, bản Dọi, chia sẻ: Năm 2012 gia đình được ông Quý hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc 3.000 m2 cây cam đường canh, hằng năm, cho thu hoạch 4 tấn quả. Hiện gia đình tôi còn đang chăm sóc 3.000 m2 chè và được HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập thu mua với giá trung bình từ 25.000 đồng/kg chè búp tươi; nên chúng tôi rất yên tâm về đầu ra của sản phẩm chè.

Hiện nay, huyện Mộc Châu có 180 người có uy tín là cán bộ nghỉ hưu, bí thư chi bộ, già làng, người sản xuất giỏi... luôn tích cực tham gia và vận động nhân dân hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, nhất là việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, chung sức xây dựng nông thôn mới; dựng khối đại đoàn kết dân tộc...

Ông Hà Ngọc Quý, người có uy tín bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu chăm sóc vườn cam.

Ông Hà Ngọc Quý, người có uy tín bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu chăm sóc vườn cam.

Ông Hà Văn Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện luôn là tấm gương sáng, đi đầu trong xây dựng các mô hình kinh tế không những làm giàu cho gia đình, mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,73%.

Luôn cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm, những người có uy tín trên địa bàn huyện Mộc Châu đã khơi dậy các phong trào thi đua lao động sản xuất tại cơ sở, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và là “cầu nối” giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc với nhân dân, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Mộc Châu.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/nguoi-co-uy-tin-tien-phong-trong-phat-trien-kinh-te-cjZWJGDNR.html