Người con của bản
Ở Ban CHQS huyện Sìn Hồ (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu), Thiếu tá Mùa A Chứ, Trợ lý Chính trị là một tấm gương về tinh thần tận tụy, trách nhiệm trong công tác. Anh được đồng đội đặt cho biệt hiệu 'Người con của bản'.
Tình yêu quê hương, sự trăn trở với các giải pháp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, không sa vào các hủ tục đã trở thành điểm tựa để anh có động lực công tác, cống hiến, xây dựng bản làng thanh bình, phát triển.
Tiếng khèn gọi bạn
Tôi đi theo Thiếu tá Mùa A Chứ đến thăm già làng Sùng Giống Mua ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ. Nhìn chiếc khèn trên lưng anh lắc phải, lắc trái theo nhịp bước chân, tôi nghĩ, chắc A Chứ mang khèn tặng già Giống Mua. Đến nơi, dù còn xa cổng nhà nhưng anh đã gọi rất to:
- Già Giống Mua có nhà không?
- Cán bộ Chứ đó hả? Tuần nay không thấy qua chơi. Mang khèn không?
- Cháu có. Nay anh em cháu đến thăm già đây!
Già Giống Mua đặt chậu cám ngô sang một bên, dừng việc cho đàn gà ăn rồi ra bể nước rửa tay, rảo chân đón chúng tôi. Ngồi bên bếp lửa trong căn nhà gỗ nhỏ đã nhuốm màu thời gian, già đãi khách bằng bát trà xanh nóng hổi hái từ những gốc chè cổ của gia đình.
Thiếu tá Mùa A Chứ lấy khèn ra thổi. Già Giống Mua ngồi im phăng phắc như cây lim, lắng tai nghe, mắt không rời và dường như chẳng bỏ sót bất cứ động tác biểu diễn nào của A Chứ. Tiếng khèn theo nhịp hơi của anh lúc trầm, lúc bổng, lúc dồn dập vượt căn nhà, lan vào núi rừng bát ngát. Hết bài khèn, già Giống Mua phân trần với tôi, ngày trước, khi A Chứ tới chơi, ông đều ngỏ ý được nghe anh thổi bài khèn gốc này (tiếng Mông gọi là Hâur pâuk ntir kênhx). Giờ thì thành quen, mỗi khi đến, chẳng nói A Chứ cũng thổi cho già nghe. Ở bản, số người thổi được bài khèn gốc này rất hiếm, vì khó. Thế nên không chỉ già Giống Mua mà rất đông bà con mê tiếng khèn của anh.
Theo đà câu chuyện, Thiếu tá Mùa A Chứ kể, cách đây mấy năm, trong một lần xuống bản, anh nghe tin Sùng A Lử định bỏ học ở nhà lấy vợ, dù chưa đầy 16 tuổi. Gia đình Lử thuộc diện rất khó khăn ở trong xã, thu nhập chỉ trông vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ lâu, gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc của hủ tục tảo hôn để có người làm, để sinh con đẻ cái. Trước sự hối thúc và mai mối của người thân, Lử có ý định bỏ học về lấy vợ. Thế là Thiếu tá Mùa A Chứ cùng cán bộ xã, trưởng bản và giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đến nhà gặp gỡ, tuyên truyền, giải thích cho gia đình.
Hôm đó, A Chứ cũng mang khèn ra thổi. Tiếng khèn của anh như mê hoặc lòng người, khiến bố mẹ Lử “ưng cái bụng”, từ đó dần quý mến, tin tưởng, lắng nghe ý kiến của anh. Không chỉ vậy, những lần đi xuống xã công tác, anh đều ghé qua nhà Lử, nắm bắt tình hình tư tưởng. Biết được Lử thích múa khèn, anh liền chỉ dạy. Là một chàng trai thật thà, sáng dạ nên ngoài học ở trường, Lử chăm chỉ luyện thổi khèn theo hướng dẫn của chú Chứ và rồi từ lúc nào chẳng còn ý định bỏ học lấy vợ trong đầu. Cha của Lử cũng thuận theo lựa chọn của con. Gia đình Lử tập trung phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho cậu tiếp tục được đến trường. Không phụ sự kỳ vọng, niềm tin của Thiếu tá Mùa A Chứ và gia đình, Lử đạt danh hiệu học sinh giỏi, rồi đỗ vào Trường Sĩ quan Lục quân 1 theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Hiện Binh nhì Sùng A Lử đang học tập, rèn luyện tại Đại đội 23, Tiểu đoàn 8, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trước khi lên đường nhập ngũ, Lử chia sẻ: “Nhận được giấy báo trúng tuyển, niềm vui như vỡ òa. Thông báo cho gia đình xong, em gọi điện ngay cho chú Chứ. Chú chính là hình mẫu để em quyết tâm phấn đấu, luyện rèn. Với em, chú là người cha thứ hai đã định hướng giúp em có được như ngày hôm nay”.
Vượt lên gian khó
Sìn Hồ là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lai Châu, gồm 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào các xã Tả Ngảo, Làng Mô, Tủa Sín Chải, Tả Phìn, Sà Dề Phìn... vẫn còn tình trạng tảo hôn để có thêm nhân lực lao động hoặc kết hôn với người trong dòng họ nhằm bảo vệ tài sản. Lúc ấy, Sà Dề Phìn có tỷ lệ tảo hôn đứng hàng đầu trong huyện, trung bình cứ 10 đôi kết hôn thì có tới 6 cặp tảo hôn. Dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp song không thể chấm dứt những hủ tục này.
Trước tình trạng đó, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Sìn Hồ đã chọn xã Sà Dề Phìn để thử nghiệm mô hình “Phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xã Sà Dề Phìn chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Thiếu tá Mùa A Chứ được giao làm Tổ trưởng tổ công tác thực hiện mô hình trên.
Là người con của Sà Dề Phìn, cộng với kinh nghiệm 13 năm làm Trợ lý Chính trị, trực tiếp làm công tác dân vận-tuyên truyền đặc biệt, Thiếu tá Mùa A Chứ rất am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc Mông. Hình ảnh cán bộ Chứ với cây khèn đeo chéo trên lưng mỗi lần xuống địa bàn hay say sưa vừa thổi vừa múa khèn trong những dịp trọng đại của cộng đồng đã rất đỗi thân thuộc với bà con. Tiếng khèn của anh cất lên mang đến niềm vui, sẻ chia nỗi buồn cùng mọi người. Với tinh thần “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), anh được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sà Dề Phìn tín nhiệm, tin tưởng và thương yêu.
Tuy nhiên, kế hoạch là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì có nhiều khó khăn nảy sinh. Một trong số đó là điều kiện dân trí ở Sà Dề Phìn còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống lại là hủ tục lâu đời của đồng bào nơi đây. Xác định việc xóa bỏ tập tục lạc hậu không thể một sớm, một chiều, vì thế, Thiếu tá Mùa A Chứ và tổ công tác phải làm từng bước, thay đổi suy nghĩ của người dân dần dần với phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
A Chứ hiểu đồng bào mình vốn quen với núi rừng, chăm chỉ, chất phác, thật thà, mộc mạc. Nếu họ thấy được tấm lòng của người làm công tác dân vận thì sẽ “ưng cái bụng” và làm theo. Anh xây dựng mối liên hệ thân tình, chặt chẽ với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong xã. Anh trực tiếp tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ để được tổ chức họp dân. Anh đến từng hộ có con trong độ tuổi vị thành niên để nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng, động viên họ thực hiện hương ước, quy ước của bản làng. Anh cũng kết hợp phổ biến pháp luật tại hội chợ, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hay các buổi sinh hoạt ngoại khóa của học sinh trung học. Anh luôn lấy dẫn chứng từ trong chính cộng đồng để đồng bào hiểu.
Thiếu tá Mùa A Chứ chia sẻ, hầu hết các cặp vợ chồng tại Sà Dề Phìn tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội đến trường, thiếu kiến thức xã hội. Cuộc sống của những gia đình này rất khó khăn, chưa hiểu biết nhiều về cách nuôi dạy con cái cũng như trách nhiệm, bổn phận của người làm cha, làm mẹ. Có những trường hợp con ốm mà không biết đưa con ra trung tâm y tế hoặc bệnh viện. Nhiều trẻ được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ cao mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, còi cọc, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe. Điều này ảnh hưởng không những đến chất lượng giống nòi và nguồn nhân lực, sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn tới công tác tuyển quân hằng năm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương.
Ngoài thời gian tuyên truyền theo kế hoạch, người cán bộ dân tộc Mông này còn tranh thủ ngày nghỉ vượt núi, băng rừng đến tận nương rẫy giúp bà con trồng lúa, thu hoạch vụ mùa, vừa trò chuyện, trao đổi vừa lồng ghép tuyên truyền. Nhờ gắn bó, gần gũi với người dân, anh hiểu hơn về suy nghĩ của họ để rồi tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng chỉ huy đơn vị các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Ban đầu, Mùa A Chứ nhận thấy, tuy tích cực tuyên truyền song chưa đạt nhiều hiệu quả. Anh nhận ra đó là do bất đồng ngôn ngữ, văn bản pháp luật chưa được chuyển tải đủ ý nghĩa đến với đồng bào. Vì vậy, anh đề xuất với chỉ huy đơn vị rồi chắt lọc nội dung quan trọng trong Luật Hôn nhân và Gia đình, sau đó trực tiếp chuyển dịch sang tiếng Mông thành một tài liệu song ngữ giúp bà con dễ tiếp nhận. Anh dịch rất cụ thể, tỉ mỉ, bảo đảm truyền tải được ý nghĩa sâu xa của các điều luật; đồng thời cũng rất sáng tạo trong sử dụng từ ngữ, thậm chí một trang anh chỉ cần dịch một số ít từ nhưng người dân sẽ nhớ mãi. Mặt khác, Thiếu tá Mùa A Chứ còn sử dụng tiếng khèn của mình vào hoạt động thực tiễn để tạo nên một phương pháp tuyên truyền sinh động, mắt thấy tai nghe, dễ đi vào lòng người. Theo đó, từ giai điệu của bài khèn gốc, anh phổ lời mới để bà con dễ hiểu, dễ nhớ.
Thật khó kiểm tính được bao nhiêu tháng ngày A Chứ xuống địa bàn, bao nhiêu đêm thức khuya cặm cụi bên chiếc máy tính dịch tài liệu, bao nhiêu ngày nghỉ anh không về với gia đình. Tuy nhiên, niềm vui của anh và đồng đội chính là kết quả tích cực từ những nỗ lực, sự kiên trì và tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào. Sau nhiều năm triển khai thực hiện mô hình, tỷ lệ tảo hôn tại xã Sà Dề Phìn giảm xuống chỉ còn 5,5%. Gần 300 gia đình, đối tượng thanh thiếu niên, học sinh trung học tự nguyện ký cam kết không vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đây là kết quả từ những tâm huyết không ngừng nghỉ của A Chứ và đồng đội-những người lính Cụ Hồ-trong thời gian dài rất đáng trân trọng. Đồng chí Hà Quý Trọng, Bí thư Đảng ủy xã Sà Dề Phìn bày tỏ vui mừng trước những đổi thay của địa phương: “Nhờ có những người bám dân, bám bản như Thiếu tá Mùa A Chứ, tình trạng tảo hôn của xã chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Các cháu thanh thiếu niên học tập chăm chỉ, không còn bỏ học giữa chừng”.
Đến Sà Dề Phìn, tôi hiểu hơn về giá trị văn hóa mà tiếng khèn mang lại. Chia tay Thiếu tá Mùa A Chứ, lòng tôi tràn ngập niềm vui về một người con của bản hết lòng tận tụy cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào xây dựng nếp sống mới.