Người con ưu tú của quê hương núi Ấn, sông Trà
(Báo Quảng Ngãi)- “Từ một thanh niên nông dân quê mùa, đi theo Đảng từ năm 15 tuổi, tôi đã trải qua biết bao công việc lớn, nhỏ, thuận lợi, khó khăn, dù ở vị trí cao hay thấp, bất kỳ nơi đâu, làm gì, tôi cũng lấy lời dạy của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; “trung với nước, hiếu với dân” của người cán bộ, đảng viên. Đó là điều làm tôi vui sướng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm cách mạng của mình”. Đó là những chia sẻ của đồng chí Võ Phấn trong cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng”.
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang
Đồng chí Võ Phấn (tên thật Võ Giỏi, bí danh Võ Văn Nghị) sinh ngày 10/4/1915 tại thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) - mảnh đất "địa linh nhân kiệt" đã sinh thành nhiều nhà lãnh đạo tài năng cho đất nước và Quảng Ngãi. Được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí Võ Phấn đã sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ lúc 15 tuổi, đồng chí đã tham gia làm nhiệm vụ canh gác, liên lạc, phục vụ các cuộc họp bí mật của chi bộ đảng ở thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà. Ngôi nhà của gia đình đồng chí trở thành địa điểm gặp gỡ, hội họp của cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Năm 1937, đồng chí Võ Phấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau khi vào Đảng, đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ thôn Lâm Lộc, sau đó được cử vào Ban Chấp hành Huyện ủy Sơn Tịnh lâm thời và được phân công làm Bí thư Chi bộ Tổng Tịnh Thượng. Trong thời gian ngắn, đồng chí đã gây dựng thêm nhiều cơ sở đảng ở các xã khu Tây của huyện Sơn Tịnh.
Từ năm 1938 - 9/1939, đồng chí Võ Phấn được cử làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Với trọng trách được giao, đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng trong huyện ngày càng phát triển. Các tổ chức quần chúng như Nông hội, Phụ nữ, Thanh niên, các Hội đọc sách báo, Hội tương tế, Hội Ái hữu, tổ vần đổi công... được thành lập khắp các xã trong huyện. Số lượng đảng viên và chi bộ đảng ngày càng tăng. Đặc biệt, đồng chí đã chỉ đạo thành công việc tổ chức cuộc biểu tình chống Dự án thuế mới của thực dân Pháp vào đầu năm 1939, với hơn 1.000 người dân khu đông Sơn Tịnh tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Hòa Bình, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Võ Phấn, tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V (tháng 7/2010). Ảnh: TL
Tháng 10/1939, đồng chí Võ Phấn bị địch bắt giam tại nhà lao Quảng Ngãi rồi đưa lên nhà lao Trà Bồng. Trong tù, đồng chí đã tham gia thành lập chi bộ đảng trong nhà lao do đồng chí Nguyễn Công Phương làm Bí thư. Đến tháng 10/1942, đồng chí Võ Phấn bị chuyển về căng an trí Ba Tơ. Tại đây, đồng chí đã cùng các đồng chí đảng viên khác cùng bị tù đày, thông qua những người thân lên thăm để giao nhiệm vụ, móc nối với những đảng viên, cơ sở cách mạng cũ nhằm khôi phục, phát triển phong trào cách mạng, xây dựng tổ chức đảng ở các huyện trong tỉnh. Ngày 11/3/1945, đồng chí Võ Phấn cùng 16 đồng chí khác (trong đó có người chú ruột Võ Nhíp, em ruột Võ Thứ, em rể Nguyễn Cừ và người em con cậu Lê Đồng) trực tiếp tham gia khởi nghĩa, đánh chiếm đồn Ba Tơ thắng lợi, góp phần lập nên chính quyền cách mạng huyện Ba Tơ.
Khởi nghĩa Ba Tơ thành công, đồng chí Võ Phấn được Tỉnh ủy phân công trở về đồng bằng, chịu trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng ở huyện Sơn Tịnh và các xã khu tây huyện Tư Nghĩa, trực tiếp làm Trưởng Ban vận động cứu quốc huyện Sơn Tịnh. Tháng 6/1945, Huyện ủy lâm thời Sơn Tịnh được thành lập lại, do đồng chí Võ Phấn làm Bí thư, kiêm Trưởng Ban khởi nghĩa huyện Sơn Tịnh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Phấn, phong trào cách mạng trong huyện dâng lên mạnh mẽ.
Tháng 2/1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Võ Phấn được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, phụ trách Ban Kinh tài. Năm 1964, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền phương. Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh liên tục nổi dậy, từng bước đánh bại âm mưu “dồn dân, lập ấp chiến lược” của địch. Từ tháng 1/1965 đến cuối năm 1972, đồng chí được tổ chức phân công các nhiệm vụ: Phó Ban Kinh tài Khu ủy 5; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền phương và Trưởng Ban Kinh tài Tỉnh ủy Quảng Ngãi rồi lại làm Phó Ban Kinh tài và Phó Ban sản xuất Khu ủy 5.
Sau 46 năm hoạt động cách mạng liên tục, tháng 3/1976, đồng chí Võ Phấn được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu. Trở về đời thường, đồng chí tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý, xây dựng đối với tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy các khóa trên các lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng công trình thủy lợi Thạch Nham, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chăm lo sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận của tỉnh nhà...
Học tập tinh thần sáng tạo, bản lĩnh cách mạng
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, nghiên cứu và tìm đọc các tài liệu lịch sử về đồng chí Võ Phấn, đặc biệt là cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng” của đồng chí, chúng tôi rất đỗi tự hào. Đồng chí có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi cũng như sự phát triển của Đảng bộ tỉnh. Từ khi làm Bí thư Chi bộ ở thôn Lâm Lộc, Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, đến Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi... ở từng vị trí công tác, đồng chí đều để lại những dấu ấn quan trọng. Có thể khẳng định, trong mỗi giai đoạn phát triển cách mạng từ địa bàn huyện Sơn Tịnh cho đến tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí đã thể hiện rõ bản lĩnh, phẩm chất của một nhà lãnh đạo tài ba và kiên trung, kiên cường trong đấu tranh. Đồng chí cũng là một trong những người cùng với các thành viên trong một gia đình tham gia vào Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ.

Tháng 3 vừa qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Khởi nghĩa Ba Tơ và trong chuỗi các hoạt động này có Hội thảo khoa học “Khởi nghĩa Ba Tơ - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Qua đó, chúng ta nhìn lại và đánh giá được rằng, chính sự mưu trí, dũng cảm, xác định thời cơ, chiến lược trong giai đoạn đầu năm 1945 của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, của những thành viên Đội Du kích Ba Tơ; trong đó, có vai trò của đồng chí Võ Phấn đã lãnh đạo Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi, góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
“Thế hệ hôm nay, thông qua lịch sử có thể hiểu và học tập rất nhiều từ các vị tiền bối cách mạng của Đảng ta, của cách mạng Quảng Ngãi, trong đó có đồng chí Võ Phấn. Đồng chí là tấm gương sáng để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và thế hệ trẻ tỉnh nhà noi theo. Tôi đặc biệt tâm đắc với câu nói của đồng chí được ghi lại trong cuốn hồi ký. Đó là, chỉ cần có ý thức học và làm theo đạo đức của Bác Hồ thì mỗi người chúng ta mới tự hoàn thiện mình được”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chia sẻ.
Sống tròn 100 tuổi đời, hơn 77 năm tuổi Đảng, những đóng góp của đồng chí Võ Phấn đối với phong trào cách mạng của tỉnh từ năm 1930, cũng như sự trưởng thành, phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi sau này là vô cùng to lớn. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Võ Phấn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác...