Người công giáo cộng sản - tiểu thuyết về tướng Trần Tử Bình
Ngày 21-12, tại Hà Nội, NXB Văn học tọa đàm ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử Người công giáo cộng sản của tác giả Trần Việt Trung. Người Công giáo cộng sản dày hơn 600 trang, là nén tâm nhang mà tác giả Trần Việt Trung dành tặng cho người cha kính yêu của mình - Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam.
Người Công giáo cộng sản là cuốn sách thứ tư trong vòng 7 năm của tác giả Trần Việt Trung - một người viết không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Vốn là một võ sư kiêm lương y và doanh nhân, Trần Việt Trung chỉ muốn mượn trang văn để giãi bày những trải nghiệm của mình với đời sống, những tâm sự dành cho gia đình, dòng họ, bạn bè, môn phái. Nhưng như một cơ duyên với nghiệp viết, mỗi tác phẩm của ông ra đời lại có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến người đọc, đưa Trần Việt Trung càng ngày càng tiến lại gần danh xưng "nhà văn".
Theo tác giả Trần Việt Trung, nhân vật chính trong tiểu thuyết là một nhà cách mạng thuộc thế hệ đầu tiên. Cuộc đời trải dài trên những vùng địa lý rộng lớn trong Nam, ngoài Bắc và cả nước ngoài. Xuất thân từ Công giáo, cuộc đời đã đưa ông "sắm" rất nhiều vai khác nhau như thầy giảng, phu đồn điền, thủ lĩnh phong trào, tù nhân, thầy thuốc, người thiết lập mạng lưới cách mạng, người quyết định khởi nghĩa, nhà tổ chức đào tạo quân sự, vị tướng trận, vị thanh tra, nhà ngoại giao...
Đây là một đặc trưng của một thế hệ cách mạng tiền bối, đó là sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được giao và phải hoàn thành bằng mọi giá. Tìm lại những mẩu chuyện đã xảy ra về một nhân vật, người viết muốn tôn vinh những thế hệ tiền bối cách mạng đã xả thân để giành lại nền độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Cũng theo tác giả, trong phạm vi một cuốn sách, khó có thể đưa hết vào những mẩu chuyện đã xảy ra giữa nhân vật chính với các đồng chí thân thiết, bạn chiến đấu kề vai sát cánh. Nhưng có một câu đối thoại giữa ông Đinh Đức Thiện, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với con mình rất đáng suy ngẫm.
Khi ấy ông là đại diện Quân ủy Trung ương, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vào Sài Gòn sau ngày 30-4-1975. Lúc đó, chế độ Sài Gòn sụp đổ, ngân hàng, kho bạc để lại rất nhiều vàng và ngoại tệ chưa được kiểm soát. Con ông còn nhỏ, hỏi cha: Bố ơi, sao mình không lấy tiền, vàng?, ông trả lời: ''Mình là người chiến thắng lại thèm lấy của cải của kẻ bại trận à?''.
"Thật giản dị nhưng rất kiêu hãnh. Trước tiền, vàng ai cũng dễ động lòng, nhưng với các nhà cách mạng thì lại khác. Thế hệ cách mạng đó, không ai tơ vương vật chất tiền tài, địa vị cho bản thân mình, gia đình mình. Đại nghiệp nhờ đó mà thành công", tác giả Trần Việt Trung nói.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học chia sẻ: "Đây là cuốn sách trong lịch sử xuất bản hơn 70 năm của chúng tôi có số phận đặc biệt. Đúng ngày này cách đây một năm, cuốn sách đã in xong và định giới thiệu vào nhiều sự kiện nhưng lại gặp phải những trở ngại khách quan, dịch bệnh... Cho tới nay, đúng một năm và nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cuốn sách này mới được ra mắt một cách long trọng".
Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907- 1967) là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1- 1948). Ông là người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930, một trong những cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tại cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Sau Cách mạng tháng Tám ông đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của quân đội và Nhà nước.
Sáu mươi năm cuộc đời oanh liệt của tướng Trần Tử Bình từ lúc được sinh ra ở Đồng Chuối cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì một cơn bạo bệnh đã được tái hiện thật sinh động, đậm nét và gần gũi trên trang sách. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Người công giáo cộng sản hiện lên không chỉ như một người anh hùng của thời đại mà còn đậm chất đời, chất tình của một người cha khả kính, người chồng mẫu mực.