Người cựu binh nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Sau 4 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, cựu chiến binh Nguyễn Văn Mão (ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) trở lại quê nhà vui với ruộng đồng, vườn tược. Vợ chồng ông cải tạo đất hoang thành ruộng lúa, vườn mai 'hái ra vàng' trong khi sức khỏe của ông chỉ còn lại 29%.

Nhìn nụ cười tươi rói trên khuôn mặt người cựu binh và cơ ngơi ít ai ngờ rằng ông từng trải qua một giai đoạn ngặt nghèo đến nỗi nếu không mạnh mẽ sẽ dễ dàng bỏ cuộc

Nhìn nụ cười tươi rói trên khuôn mặt người cựu binh và cơ ngơi ít ai ngờ rằng ông từng trải qua một giai đoạn ngặt nghèo đến nỗi nếu không mạnh mẽ sẽ dễ dàng bỏ cuộc

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mão sống cùng vợ trong căn chòi nhỏ giữa đồng, xung quanh là ruộng lúa và vườn mai vàng của gia đình. Vợ chồng ông chủ yếu sống trong chòi, đôi ngày về thăm nhà một lần. Tướng mạo đậm người, khuôn mặt hiền và vui vẻ, nụ cười luôn thường trực trên môi, ông kể chuyện chiến trường, bệnh tật nghe nhẹ tênh như kể chuyện bắt cá, giăng câu. Nhìn ông, ít ai biết đang mang thương tật 71% và từng trải qua cơn thập tử 5 năm trước. Lúc đó, đang khỏe mạnh thì ông phát hiện bị bệnh trĩ, chữa trị nhiều nhưng không thuyên giảm, sức khỏe ngày một kém và sụt cân liên tục. Nghe lời khuyên của gia đình, ông lên TP.HCM khám và phát hiện bị ung thư trực tràng. Với nhiều người, biết mình mắc bệnh ung thư là cú sốc khó vượt qua nhưng với người cựu binh 4 năm “lăn lộn” ở chiến trường, ông đón nhận điều đó một cách bình thản. “Có bệnh thì trị” - ông tự nhủ và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, bình tĩnh vượt qua những ngày khó khăn.

Tận dụng ao nước tưới tiêu, ông Mão trồng lục bình rồi vớt lên phủ gốc mai

Tận dụng ao nước tưới tiêu, ông Mão trồng lục bình rồi vớt lên phủ gốc mai

Trải qua phẫu thuật, sức khỏe yếu đi một phần, lại phải truyền hóa chất và xạ trị, ông hầu như không ăn uống được nhiều. Ông kể: “Bệnh viện quá tải không có chỗ ở, thấy tội nghiệp vợ nên sau khi phẫu thuật xong, khỏe lại, tôi nói bà ấy về, một mình ở lại bệnh viện truyền hóa chất”.

Mạnh mẽ vượt qua bệnh tật, ông sống cuộc sống vui vẻ cho đến bây giờ. Nhắc chuyện xưa, ông cười khà rồi nói: “Tôi may mắn phát hiện sớm, theo sát bác sĩ nên sống được tới giờ. Năm đó, tôi mới bắt đầu trồng mai, cây cao chừng đầu gối thì phát hiện bệnh nên bỏ luôn. Khỏe rồi tôi về chăm tiếp vườn mai”.

Ông Mão nói “mê” trồng cây mai, thích được tự tay chăm chút từng cây, mỗi ngày ông dành khoảng 4-5 giờ để chăm sóc mai

Ông Mão nói “mê” trồng cây mai, thích được tự tay chăm chút từng cây, mỗi ngày ông dành khoảng 4-5 giờ để chăm sóc mai

Giờ đây, ông có 3.000 gốc mai, trị giá từ 2-4 triệu đồng/gốc. Mỗi ngày, ông dành khoảng 4-5 giờ để chăm vườn mai, chủ yếu là uốn gốc, sửa rễ cho cây có dáng đẹp để nâng giá trị từng cây. Cựu binh Nguyễn Văn Mão nói ông mê trồng mai, thích được tự tay chăm chút từng cây, cảm nhận niềm vui nhìn thấy cây càng lớn càng ra dáng đẹp. Từ năm 2015, khi mô hình trồng mai vàng “rộ” ở huyện Thạnh Hóa, ông tìm tới tận nơi để tham quan, học hỏi mô hình. Lớp dạy nghề kỹ thuật uốn, tỉa mai được mở ở huyện Thạnh Hóa, ông xin học “ké”. Có kiến thức, có đam mê, ông mạnh dạn đầu tư trồng mai. Cây vừa bén rễ thì ông bệnh. Những tưởng lúc trở về, ông bỏ hẳn vườn mai vì sức khỏe không cho phép. Nhưng không, mỗi ngày đôi ba giờ, ông trải bạt dưới gốc mai, ngồi uốn, chỉnh từng dáng cây. Có khi cả ngày "mò mẫm", ông làm được không quá 10 cây nhưng vì thích nên ông cố gắng. Hiện tại, ông tự chăm, tỉa vườn mai 3.000 gốc.

Vì đã trải qua phẫu thuật nên lúc làm việc ông phải ngồi bệt hoặc quỳ gối để tránh bị đau

Vì đã trải qua phẫu thuật nên lúc làm việc ông phải ngồi bệt hoặc quỳ gối để tránh bị đau

Xen giữa những gốc mai, vợ chồng ông trồng thêm mấy gốc khoai môn, khoai mì, dưa hấu và một vườn rau nho nhỏ. Mương nước rộng dùng tưới tiêu khi nước mặn về mang lại nguồn cá thiên nhiên dồi dào cho bữa ăn của ông bà và cả hàng xóm. Trong vườn, ông bà thả nuôi gà, vừa ăn thịt, vừa lấy trứng. Cuộc sống thật bình dị và an vui!

Mỗi ngày, theo đúng thời gian biểu, ông ra vườn chăm mai với bộ quần áo làm đồng lấm lem bùn đất, trong khi bà vừa quanh quẩn giúp ông, vừa chuẩn bị bữa cơm nấu củi thơm mùi khói bếp. Buổi trưa, hai vợ chồng ngồi ăn cơm dưới tán cây vú sữa trước chòi, nói những câu chuyện về ruộng vườn, con cháu. Căn chòi trơ trọi giữa đồng nhìn có phần đơn điệu nhưng lại vô cùng ấm áp, đượm niềm vui thanh đạm và bình dị. Hình như chẳng có điều gì có thể làm khó được ông Mão - người cựu binh có "tinh thần thép". Nhìn nụ cười tươi rói trên khuôn mặt người cựu binh và cơ ngơi từng ấy gốc mai vàng, ít ai ngờ rằng, ông từng phải trải qua một giai đoạn bệnh ngặt nghèo đến nỗi nếu không mạnh mẽ sẽ dễ dàng bỏ cuộc./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-cuu-binh-no-luc-vuon-len-trong-cuoc-song-a136222.html