Người cựu binh và hơn nửa thế kỷ kể chuyện Bác Hồ
PTĐT - Trong khu vườn ngập tràn sắc hoa, có một người cựu binh già vẫn hằng ngày miệt mài đọc sách, kể những câu chuyện về Bác Hồ cho con cháu nghe hay mỗi khi có khách đến chơi nhà. Ông là Nguyễn Xuân Đương (75 tuổi) ở khu 1, xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba.
Sinh ra và lớn lên trên những đồi chè Thanh Ba, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Đương có tâm hồn nghệ sĩ, yêu thích văn thơ và luôn nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, chàng thanh niên Nguyễn Xuân Đương hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1968, ông chuyển ngành về địa phương công tác. Đến năm 1989, ông về nghỉ hưu. Trong suốt quá trình công tác của mình cho đến nay, ông Đương không thể nhớ hết mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách và kể bao nhiêu câu chuyện về Bác, chỉ biết rằng mỗi khi cất lời kể, ông như đắm chìm vào câu chuyện ấy, ông kể bằng cả trái tim để truyền cảm hứng cho bao thế hệ người nghe.Tiếp chúng tôi trong khuôn viên của gia đình, ông Đương khoác trên mình một màu xanh áo lính, nhấp trên môi chén trà đượm vị quê hương rồi chia sẻ về cơ duyên tìm đọc những cuốn sách về Bác. Ông bảo: “Ban đầu là xuất phát từ lý do nghề nghiệp, bởi sau khi rời quân ngũ, tôi từng chuyển ngành về làm cán bộ văn hóa thông tin huyện Thanh Ba. Để đáp ứng yêu cầu công việc, tôi thường xuyên tìm hiểu, sưu tầm những tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, trong đó có những tư liệu về Bác”. Đó là khởi nguồn cho những câu chuyện kể của ông trong suốt hơn 50 năm qua. Chẳng cần tả nhiều, nhìn những khuôn mặt ngây thơ, đôi mắt háo hức và sự chăm chú của những đứa trẻ trong xóm khi nghe ông kể chuyện Bác Hồ cũng đủ để nói lên sự lôi cuốn, truyền cảm trong lời kể của ông. Trong ngôi nhà nhỏ, tiếng ông trầm ấm vang lên qua những câu chuyện về tình yêu thương của Bác với thiếu nhi cả nước. “Bác Hồ thăm vườn hoa nghìn việc tốt”, “Bác Hồ đến thăm trường thiếu nhi miền Nam”, “Bể cá vàng dành cho các cháu”, “Quả táo Bác Hồ”… Những câu chuyện ấy đã đi vào tâm thức của biết bao thế hệ thiếu niên nhi đồng, trở thành hành trang cho thế hệ trẻ bước vào đời, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn. Ngót nửa thế kỷ gắn bó với những câu chuyện, những triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc nhiều, nghe nhiều và kể nhiều…, ông Đương đã thuộc lòng từng câu, từng lời Bác nói. Mỗi khi kể về Bác, ông thường căn cứ vào hoàn cảnh, thời gian cụ thể để kể những câu chuyện cho phù hợp, rồi phân tích, cắt nghĩa từng câu chữ giúp mọi người hiểu hơn về nội dung câu chuyện ấy. “Tiếng lành đồn xa”, khả năng kể chuyện truyền cảm về Bác Hồ của ông Đương được khắp làng trên xóm dưới truyền tai nhau. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Chủ tịch UBND xã Vân Lĩnh cho biết: “Tại nhiều hội nghị sơ kết, tổng kết, học tập chuyên đề của xã hay các buổi sinh hoạt chi bộ, họp khu dân cư, chúng tôi thường mời ông Đương đến kể chuyện về Bác vào đầu giờ hoặc giữa giờ giải lao thay cho các tiết mục văn nghệ. Thông qua những câu chuyện kể, ông Đương trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về việc học và làm theo lời Bác, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng”.Bà Hồ Thị Minh Luận (khu 1, xã Vân Lĩnh) chia sẻ: “Mỗi khi có cuộc họp ở khu dân cư, bà con chúng tôi luôn tham gia đầy đủ và háo hức đón chờ nghe những câu chuyện kể xúc động của ông Đương. Qua lời kể của ông, chúng tôi càng thêm yêu và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc, thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng và phát triển quê hương theo lời dạy của Bác”.Không chỉ dành cả cuộc đời để kể về Bác, với niềm đam mê đọc sách, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đương còn tự tạo cho mình và động viên con cháu trong gia đình về thói quen đọc sách hằng ngày. Hiện ông có một tủ sách nhỏ với trên 100 đầu sách các loại. Mỗi cuốn sách được ông sưu tầm, nâng niu và gìn giữ như những báu vật vô giá. Với những kiến thức và sự hiểu biết của mình, ông được Đảng bộ và chính quyền xã tín nhiệm, mời tham gia viết và biên tập một số cuốn sách về lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, ông Đương còn là một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế. Với trên 2ha đất đồi rừng, ông và các thành viên trong gia đình đã tập trung vốn đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trồng chè, cây keo lấy gỗ kết hợp với các loại cây ăn quả như bưởi Diễn, bưởi Da xanh, cam Vinh, cam Canh… và đắp đập thả cá. Bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu từ 60 - 70 triệu đồng.Ông Đương tâm sự: “Là người kể chuyện về Bác hơn 50 năm qua, tôi đã học được nhiều điều từ tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Tôi nhận thấy học và làm theo Bác, quan trọng nhất là phải “học đi đôi với hành”, “nói đi đôi với làm”; trong bất cứ việc gì cũng phải làm nghiêm túc, không nói suông. Bản thân tôi cũng cố gắng thực hiện những điều đó, có như vậy con cháu trong gia đình và bà con nhân dân mới tin tưởng, lắng nghe và làm theo”.Chủ tịch UBND xã Vân Lĩnh Nguyễn Thị Kim Oanh khẳng định: Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đương không chỉ điển hình về học tập và làm theo Bác mà còn là một nhân vật đặc biệt có khả năng truyền cảm hứng và tạo sức lan tỏa trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương thông qua những câu chuyện kể về Bác Hồ. Ông Đương và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã và đang góp sức chung tay xây dựng xã nông thôn mới Vân Lĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.Chia tay người cựu binh khi mặt trời đứng bóng, những lời kể sinh động, hào sảng, truyền cảm của ông Đương về lịch sử hào hùng của dân tộc, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại vẫn lôi cuốn và đọng lại dư âm trong mỗi chúng tôi. Ánh mắt sáng và nụ cười tươi của người lính thời bình khi mang đến niềm vui cho những vị khách đến chơi nhà như tiếp thêm động lực cho chúng tôi - những người trẻ sẽ tiếp bước truyền thống cha ông, phấn đấu học tập và làm theo những lời Bác từng răn dạy.