Người cựu cán bộ an ninh khu 6 và kí ức một thời hoa lửa
Chúng tôi tìm đến nhà riêng Đại tá CAND Lê Hòa vào một ngày cuối tháng 4 lịch sử. Thật không ngờ, ở tuổi 90, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh.
Ông phấn khởi cho biết, vừa được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng vào dịp sinh nhật Đảng năm nay. Vậy là, ở cái tuổi 20, ông đã vinh dự trở thành đảng viên trẻ. Khi ấy, ông nghĩ, mình đã là đảng viên, thì phải luôn đi đầu trên mọi trận tuyến. Đó là lý do vì sao, chỉ ít năm sau, ông đã hăng hái vào miền Nam nhận nhiệm vụ...
Vào chiến trường đúng ngày 30/4
Đại tá Lê Hòa tên thật là Nguyễn Tự Thấu, khi được cử vào làm công tác tại An ninh Khu 6, ông đổi tên thành Lê Minh Tâm (còn gọi là Tâm "râu"). Lê Minh Tâm được ghép từ tên vợ và tên con gái đầu lòng của ông. Sở dĩ ông chọn cái tên này, để luôn nhắc nhở về một khát vọng ngày đoàn tụ. Ông xác định, đó sẽ là ngày thống nhất non sông!
Ngày 30/4/1965, ông bắt đầu đi B (chiến trường miền Nam). Sau gần 3 tháng đi bộ, ông vào đến Khu 6. Tên gọi "Khu 6" là đơn vị hành chính tạm thời gồm các tỉnh nam Trung Bộ và nam Tây Nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ.
An ninh khu 6 đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp Ban an ninh miền. Công tác công an chủ yếu tại địa bàn công tác của ông là tuyên truyền vận động, giác ngộ quần chúng, củng cố lực lượng, góp phần cùng quân và dân địa phương từng bước phá ấp chiến lược của địch, mở rộng vùng giải phóng; đồng thời phối hợp với các chiến trường đảm bảo thông suốt hàng lang chiến lược, giành thắng lợi vào thời điểm lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Năm Công, Phó Ban An ninh khu, Lê Minh Tâm được biên chế vào Đội chỉ đạo riêng. Ông có nhiệm vụ xuống các tỉnh thuộc địa bàn phân công để làm công tác phong trào; vận động nhân dân tin giúp đỡ cách mạng, chống lại âm mưu thâm độc của địch; ai có tâm huyết theo cách mạng thì tham gia vào các đơn vị vũ trang của Khu...
Đến năm 1967, ông được điều về làm Giám thị trại giam ở Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Đây là trại giam giữ tù binh ngay trên vùng địch chiếm đóng. Với chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với tù binh, bên cạnh việc chăm lo đời sống cho tù binh, Trại giam còn tổ chức học tập, giáo dục để tù binh hiểu rõ về cách mạng, về sự nghiệp chống Mỹ, thống nhất đất nước...
Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, đã có lần địch dội pháo pháo vào trại tù binh khiến một chiến sĩ ta hy sinh, 2 tù binh địch cũng bị thiệt mạng vì chính đạn pháo từ đồng đội của họ.
Những ngày hoạt động sôi nổi trong lòng địch, ông nhớ nhất kỷ niệm cùng đồng đội vào ấp Phan Rí Cửa tổ chức bao vây, tiến đánh và làm chủ được một khu phố, cho dù lực lượng của ta không quá 10 người. Sau đó địch huy động lực lượng chi viện tái chiếm, ta phải rút lui, song đã thu được nhiều tài liệu quan trọng của địch. Trong đó có tài liệu do chính Lê Minh Tâm ký ban hành về việc xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch. Từ đó, công tác bảo mật thông tin, phân loại, sàng lọc cán bộ được chú trọng hơn.
Sau cuộc tấn công và nổi dậy tết Mậu thân 1968, ông được điều về Ban an ninh tỉnh, phụ trách công tác nội bộ. Đến năm 1974, ông được lệnh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Cũng như khi đi vào, lúc trở ra, ông phải cuốc bộ từ Bình Thuận đến Lộc Ninh mất mười mấy ngày đường. Ông ngủ lại Khe Sanh, Trạm 1 (Quảng Bình) rồi tiếp tục di chuyển ra Bắc.
Ông không thể ngờ rằng, ngày 30/4, ngày đầu tiên ông vào chiến trường miền Nam, 10 năm sau, cũng ngày này là ngày toàn thắng non sông đất nước.
Nhân dân miền Nam luôn tin yêu cách mạng
Mặc dù, bộ máy tuyên truyền của địch luôn bóp méo về cách mạng, vè "cộng sản miền Bắc", về "bộ đội cộng sản"... nhưng người dân miền Nam, nhất là đồng bào ở nông thôn đều yêu quý, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, dù có thể, họ sẽ gặp phiền phức, hiểm nguy.
Kể đến đây, ông nghẹn lòng nhớ lại: Mùa đông năm 1966, ở Phước Long, trong một lần đi địa bàn, ông và đồng đội bị địch càn quét, phải lẩn vào rừng ẩn nấp. Suốt gần 3 ngày trong rừng, không có nước uống, đồ ăn, họ phải tìm cây chuối rừng, hái những quả còn non, xanh để ăn cho khỏi kiệt sức vì đói. Những lần như thế, mới thấm thía, biết ơn sự đùm bọc của nhân dân trong những lần xuống cơ sở công tác.
Có lần ông cùng đồng đội vào thôn ấp đổi gạo. Do đây là địa bàn của địch kiểm soát, nên ta chỉ vào ấp ban đêm. Cá nhân ông mới vào, chưa thông thuộc địa hình nên được phân công đứng ở cổng chợ để cảnh giới. Lúc này, có một người đàn ông đi tới hỏi. Khi thấy ông nói giọng miền Bắc, biết là chiến sĩ cách mạng phải xa gia đình, quê hương để vào miền Nam nên người đàn ông liền về nhà lấy lương thực, thực phẩm mang đến cho ông...
Thời gian công tác ở Tuy Tịnh, địch liên tục càn quét, truy tìm "Việt cộng". Ông đã được đồng bào người Chăm nơi đây nhiều lần cứu mạng. Theo qui ước, khi địch đang càn ở khóm 1, thì đồng bào sẽ đốt một đám khói để ra hiệu cho cách mạng, ông và các đồng đội sẽ không di chuyển tới khóm 1 nữa. Nếu địch càn quét ở khóm 2 thì đốt 2 đống lửa, khóm 3 thì đốt 3 đồng lửa...
Có một lần, do chiến sĩ làm nhiệm vụ cảnh giới không quan sát kĩ nên khi dân đã đốt khói ám hiểu để cảnh báo, nhưng ông và đồng đội vẫn đi vào khóm ấp. Vừa thấy cán bộ, người dân đã ra ám hiệu xua đuổi. Ông và đồng đội hiểu ý rút lui an toàn.
Sau 9 năm trở về từ chiến trường miền Nam gian khổ, ác liệt, ông được đề bạt là Phó trưởng Công an quận Đống Đa. Năm 1989, khi Bộ Công an và TP Hà Nội thành lập Trung đoàn Cảnh sát cơ động Hà Nội, ông được đề bạt là Trung đoàn trưởng và là vị Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô. Đến năm 1990, ông được nghỉ hưu với cấm hàm đại tá; hiện đang là một hội viên tích cực, có nhiều bài viết, hồi ức đăng trên ấn phẩm của Câu lạc bộ sĩ quan Công an hưu trí Hà Nội.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp ông vừa tròn 90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng. Kính chúc người cán bộ công an lão thành, người đã trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong 9 năm dài gian khổ, luôn mạnh khỏe, bình an.