Người cựu chiến binh năng động với hành trình tìm hướng đi mới

Cựu chiến binh Lê Hồng Quân, ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết: 'Tôi năm nay đã 68 tuổi rồi. Con gái cứ bảo cha nghỉ ngơi đi, đừng làm nhiều quá. Nhưng mà mấy ngày không ra thăm đồng là thấy trong người khó chịu. Mấy mươi năm 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', vất vả đã trải qua nhưng tôi thấy niềm vui trong công việc. Nhiều cái mình cũng đi tiên phong, cùng với người dân thay đổi tư duy sản xuất trên phần đất của mình'.

Lập nghiệp với đôi bàn tay trắng

Chưa tròn đôi chín, thanh niên Lê Hồng Quân tham gia du kích ấp (ấp Hòa Trung), du kích xã (xã Hòa Tú 1). Đến năm 1975, ông được phân công làm công tác dân vận ở huyện Mỹ Xuyên. Từ năm 1978 - 2012, ông giữ nhiều vị trí khác nhau, từng là cán bộ đoàn ở huyện Mỹ Xuyên rồi về công tác ở xã Viên An (nay là xã Viên Bình) phụ trách dân vận, mặt trận và làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Hội Nông dân xã.

"Tôi có 3 quê hương, nơi tôi sinh ra (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên), nơi tôi công tác trước đây (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) và nơi tôi lập nghiệp (xã Viên Bình), tôi luôn muốn góp phần nhỏ của mình chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

Cựu chiến binh Lê Hồng Quân, ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng)

Nói về con đường lập nghiệp, ông chia sẻ, xuất phát điểm của ông là 3 không: không vốn, không tư liệu sản xuất và không có kinh nghiệm. Nhưng được rèn luyện trong môi trường quân đội, sự gan dạ và chịu khó thì ông có thừa. Cộng thêm, sống ở nông thôn, gần gũi với người dân nên ông học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Ban đầu, hai vợ chồng ông mở quán bán cà phê, điểm tâm, tiệm may đồ, dành dụm được bao nhiêu thì cả hai đi mua đất ruộng. Đến nay, ông bà đã sở hữu hơn 4ha đất ruộng.

Cựu chiến binh Lê Hồng Quân, ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa. Ảnh: NGỌC HẢI

Cựu chiến binh Lê Hồng Quân, ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa. Ảnh: NGỌC HẢI

Không chỉ làm ruộng, ông còn rẽ hướng chăn nuôi, đầu tiên là chăn nuôi bò. Kể đến đoạn chăn nuôi thì ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Viên Bình góp lời: “Anh Tư (ông Hồng Quân) nuôi bò mà không ai biết hết. Không cần đất, không cần chuồng trại mà ảnh nuôi mấy trăm con bò. Hình thức nuôi của ảnh là có một không hai à nghe”. Nhìn vẻ mặt tôi có vẻ tò mò, ông Quân nói nhanh cho tôi rõ: “Tôi nuôi bò theo 2 phương thức. Với bò cái sinh sản, tôi chuyển giao con giống cho hộ có nhu cầu, khi bò sinh sản, hộ đó cứ nuôi tiếp, khi nào bán, lợi nhuận chia đôi. Còn bò đực thì hộ nuôi đến khi bán sẽ trả lại vốn cho tôi, phần lợi nhuận chia 6/4, tôi lấy 4 phần”.

Theo ông Quân, cách làm này khá nặng vốn, vì phải bỏ tiền trước mua bò chuyển giao cho hộ nuôi. Phải tính toán, nắm được số lượng bò, điều phối để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đăng ký của các hộ cần chuyển giao. Có lúc cao điểm, số bò ông sở hữu trên 300 con. Rất nhiều hộ đăng ký với ông, kể cả hộ dân ngoài tỉnh như ở Bạc Liêu, Hậu Giang. Đến nay, việc nuôi bò này không còn lợi nhuận như trước, nên ông định sẽ chuyển sang nuôi hươu. Đây là mô hình mới, cần vốn nhiều, ông đang tính toán thêm.

Nặng tình với quê hương

“Đến tháng 9 này tôi tròn 48 tuổi Đảng. Đây là niềm tự hào lớn nhất của tôi. Từng công tác ở nhiều vị trí khác nhau, nhờ làm công tác dân vận nên tôi thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người dân - học được nhiều kinh nghiệm sống, sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, tôi sẵn lòng chia sẻ hết cho anh, em”, ông Quân trải lòng.

Trước đây, ông là người tiên phong ở xã trồng thử nghiệm giống lúa ST5, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương trong khâu lựa chọn giống. Chia sẻ về điều này, ông Quân cho biết: “Năm 1995, tôi trồng giống lúa ST5 do Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua sản xuất trên diện tích 1ha. Năm đó, tôi trúng mùa, trúng giá, người dân thấy lại hỏi thăm, tôi chia sẻ kinh nghiệm của mình ngay. Vụ sau, hơn 40% diện tích trồng lúa của xã chuyển qua trồng ST5, rồi tăng lên 100% ở các vụ sau”. Và hiện giờ, ông đã chuyển sang trồng giống ST tím. Ông khoe, còn 2 tuần nữa là thu hoạch lúa, giá lúa hiện tại ở mức 10.000 - 10.500 đồng/kg. Theo ông, giống lúa này dễ trồng, ít sâu bệnh, năng suất cao, giảm chi phí sản xuất, mang đến lợi nhuận cao.

Còn về việc chăn nuôi bò, những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hội viên cựu chiến binh thường tìm đến ông đăng ký nhận bò về nuôi. Điều này giúp cho nhiều hộ gia đình tìm được hướng thoát cảnh nghèo khó, vươn lên khá giàu. Về sau, ông cũng nhân rộng thêm chuyển giao heo giống cho hộ dân nuôi, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, giá cả thị trường nên ông dừng lại, không phát triển nữa. Với anh em đồng đội, khi cần ông hỗ trợ, ông sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình mà không tính toán thiệt hơn.

Khi nói về ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Viên Bình Lê Văn Lai cho biết:

“Anh Tư có nhiều đóng góp cho địa phương. Gia đình anh giải quyết việc làm cho 10 lao động nông thôn. Anh cũng giúp đỡ anh em hội viên, hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Gia đình anh còn hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn”.

Vốn tính cần cù, chịu khó, luôn linh động trong sản xuất, kinh doanh nên ông Hồng Quân đã gặt hái được “quả ngọt”, có cơ ngơi vững chắc. Và ông luôn chia sẻ điều đó với đồng đội, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ nhiều hộ gia đình vượt khó thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/thi-dua-khen-thuong/202409/nguoi-cuu-chien-binh-nang-ong-voi-hanh-trinh-tim-huong-i-moi-fc35d42/