Người cứu trợ mùa lũ: 'Lo sợ nhưng không từ bỏ vì dân đang ngóng chờ'

Đại diện nhóm cứu trợ trong vùng lũ kể khi đi giữa biển nước chảy xiết để đưa đồ tiếp tế, rất sợ hãi nhưng anh không nghĩ sẽ quay về vì biết người dân đang đợi mình.

"Cho đi sẽ hạnh phúc hơn" là chương trình thiện nguyện do anh E.H.(nhân vật muốn giấu tên) khởi xướng, nhằm gây quỹ cứu trợ người dân đang gặp khó khăn tại vùng lũ ở các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Anh H. cho biết ban đầu chỉ dự định lấy danh nghĩa cá nhân, kêu gọi sự đóng góp của người quen và bạn bè trên mạng xã hội rồi gửi số tiền đó cho một đơn vị cứu trợ khác.

"Nhưng mình rất bất ngờ khi chỉ sau 2 ngày đăng bài đã nhận được số tiền lên tới gần 80 triệu đồng. Mình nghĩ mọi người đã tin tưởng, gửi gắm như thế, mình phải trực tiếp đi, để biết được số tiền đó được tiêu như thế nào và hỗ trợ cho ai".

Với suy nghĩ đó, ngày 15/10, anh H. cùng một số người bạn bay vào Huế để trực tiếp tham gia cứu trợ. Ngày đầu tiên, anh cùng một sư cô đi về làng Ưu Điềm (xã Phong Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế).

"Sư cô có giúp thuê một chiếc ghe để mình đi được vào những nơi ngập nặng ở vùng sâu, người dân thực sự khó khăn. Mình hỗ trợ người dân bằng cách mua tặng những nhu yếu phẩm như mì gói, sữa, nước tương, đồ hộp...".

Nhóm thiện nguyện đến từng gia đình bị cô lập ở vùng rốn lũ để hỗ trợ.

Nhóm thiện nguyện đến từng gia đình bị cô lập ở vùng rốn lũ để hỗ trợ.

Dù khi đó nước đã bắt đầu có dấu hiệu rút xuống, người dân vẫn còn nhiều khó khăn vì bị cô lập. Với những gia đình neo đơn, quá khó khăn, anh đưa thêm tiền mặt. Do quỹ không nhiều nên H. đã đưa cho mỗi hộ 500.000 đồng.

"Đi càng sâu vào trong, mình càng gặp những cảnh xót lòng, nhiều cụ già không có ai chăm sóc, đã bất lực trước cơn lũ. Họ chỉ có thể ở yên đợi người cứu trợ".

Lo sợ, thương xót là cảm xúc của anh khi lần đầu chứng kiến hoàn cảnh của những người sống trong vùng lũ. Anh nói những hình dung trước đó về một "miền Trung đã quen với mưa lũ" khác xa với thực tế khốc liệt mà người dân đang chống chọi.

Lần đầu chứng kiến cảnh mưa lũ khủng khiếp

Ngày 16/10, anh H. cùng đoàn di chuyển sang cứu trợ tại Hải Lăng, Quảng Trị. Mang theo đồ ăn và nhu yếu phẩm, nhóm đi đến những thôn bị ngập lụt khủng khiếp và cô lập hoàn toàn trong huyện.

"17h, trời đã sụp tối. Hai bên đường vào thôn ở Hải Lăng mênh mông đều là nước, chỉ còn một lối ở giữa để xe đi. Vào tới nơi, sư thầy đi cùng mình nói với tài xế phải đưa ôtô ra ngoài, vì nếu để ở đó, một lát sau nước lên sẽ cuốn trôi mất xe", H. kể lại, anh bắt đầu cảm thấy được mức độ nguy hiểm của cơn lũ.

Sau khi xuống xe, nhóm phải di chuyển bằng ghe để vào sâu trong thôn. Đó cũng là lúc mưa bão bắt đầu ập tới rất lớn.

“Lần đầu tiên mình chứng kiến và đi giữa biển lũ, mưa gió khủng khiếp. Trời tối om, trên ghe máy có 6 người, gió giật mạnh và mình trở nên nhỏ bé giữa mênh mông đều là nước, không thể phân định được phương hướng. Chỉ có người lái ghe là dân địa phương mới biết được địa hình, hướng đi”.

 Dù lo sợ khi đi giữa biển nước và mưa gió, các thành viên trong nhóm vẫn quyết đến được các thôn để trao nhu yếu phẩm.

Dù lo sợ khi đi giữa biển nước và mưa gió, các thành viên trong nhóm vẫn quyết đến được các thôn để trao nhu yếu phẩm.

Trời quá tối, cả nhóm chỉ có thể soi đường bằng đèn pin. “Lúc đó mình cũng sợ lắm, ngồi im, không dám nhúc nhích gì bởi nước chảy xiết, chỉ cần một chút sơ sẩy sẽ gây nguy hiểm cho tất cả”.

Đang đi, chiếc ghe bị mắc vào một bờ đá, bắt buộc cả đoàn phải bước xuống để nhấc ghe qua. "Tình thế khá nguy hiểm, bởi chân mình đặt xuống không biết sẽ chạm trúng đất hay bước hụt vào chỗ nước sâu".

Anh kể đi giữa biển nước, phải nhìn ra xa cả chục cây số, cả đoàn mới nhìn thấy nóc nhà thờ - là nơi nhóm sẽ đến để tập kết đồ cứu trợ. Đoàn đã tới 3 thôn.

“Lúc đó dù sợ nhưng mình cũng gan lắm, không nghĩ tới chuyện sẽ quay ghe đi về. Bởi trước mắt mình là mục tiêu, những người dân đang chịu đói, rét, không điện, không nước uống, mình phải mang được đồ ăn cho họ. Khi họ đã bị cô lập như vậy, điều họ mong chờ nhất có lẽ chính là sự giúp đỡ từ bên ngoài. Bọn mình đã đi được nửa đường, không lý gì lại không đi đến nơi”.

Trước khi vào, nhóm đã liên hệ trước với trưởng thôn để nắm được tình hình, biết được số người để mang theo đủ đồ ăn, cứu trợ kịp thời.

"Vào đến các thôn, hộ nào cũng bị ngập hơn nửa nhà, đến khoảng 2 m. Nhưng người dân vẫn ở trong đó. Có nhiều nhà nước lên đến nóc, họ phải di chuyển ra ở các bãi tha ma".

Nhóm của anh đã trao quà hỗ trợ 100 hộ tại các làng Hội Điền, Phú Kinh, An Thơ và Hải Hòa.

"Người dân ở đó phải chắt chiu từng giọt nước mưa để trữ uống, quý từng mẩu bánh mì. Mình rất hạnh phúc và biết ơn khi trao tặng đúng nơi, đúng người".

Các nhu yếu phẩm được trao tận tay người cần.

Các nhu yếu phẩm được trao tận tay người cần.

Vừa về đã nóng lòng quay trở ra

Sau những ngày tham gia cứu hộ người dân tại miền Trung, anh H. về TP.HCM tối 18/10. Anh tiếp tục chuẩn bị đồ cứu trợ, sắp xếp công việc để sớm quay ra vùng lũ.

Biết khu vực miền Trung đang khan hiếm áo phao, anh nhờ người bạn của mình là Lâm Nghi tìm mua giúp.

"Từ buổi sáng, khi anh H. nhờ mua giúp, mình và một số người bạn nhanh chóng tìm kiếm trên mạng nhưng trong này cũng cạn kiệt, các xưởng đều ưu tiên trả hàng cho khách đặt trước, bọn mình có đặt cũng phải chờ khoảng 10 ngày", Lâm Nghi kể với Zing.

May mắn, cô tìm được một người chuyên buôn đồ cứu hộ. "Suốt mấy ngày nay, anh ấy cũng không màng buôn bán gì mà tập trung hỗ trợ các đoàn thiện nguyện tìm áo phao. Anh ấy có chỉ cho một xưởng và mình may mắn đặt được 300 áo phao".

Nghe tin đêm 18/10, lũ sẽ lên cao tại Quảng Bình, nhóm đã đã gấp rút gửi số áo phao đi cùng đoàn cứu hộ "cano 0 đồng" của anh Vinh Trần (Đà Nẵng), mong kịp thời hỗ trợ các đơn vị cứu nạn.

Anh H. hy vọng mưa sẽ sớm ngừng, thời tiết ổn định để công tác cứu trợ người dân diễn ra thuận lợi. Hiện tại, do nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt, các nhóm cứu trợ rất khó tiếp cận vùng gặp nạn.

Đinh Phạm
Ảnh: FBNV

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-cuu-tro-mua-lu-lo-so-nhung-khong-tu-bo-vi-dan-dang-ngong-cho-post1143777.html