Người đam mê sưu tầm đồ cũ

Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, những món đồ cũ dường như đang dần bị lãng quên. Nhưng với đam mê tìm về những ký ức xưa cũ, ông Nguyễn Xuân Biểu, gần 70 tuổi, ở thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ đã sưu tầm, lưu giữ những món đồ cũ để gợi nhớ ký ức, hoài niệm về một thời đã lùi vào quá khứ.

 Ông Nguyễn Xuân Biểu trong không gian trưng bày các đồ vật sưu tầm được -Ảnh: ANH VŨ

Ông Nguyễn Xuân Biểu trong không gian trưng bày các đồ vật sưu tầm được -Ảnh: ANH VŨ

Chúng tôi tìm về thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ vào một ngày đầu xuân mới Nhâm Dần. Nhà ông Biểu nằm ngay cạnh tỉnh lộ 585 (nối trung tâm thị trấn Cam Lộ với hai xã vùng Cùa). Từ ngoài đường nhìn vào đã thấy nhiều vật dụng được bài trí khắp nhà, nhiều món đồ quý được đặt trong tủ kính một cách trang trọng.

Bên ấm chè xanh xứ Cùa còn phảng phất hương vị đất trời vào xuân, ông Biểu tâm sự, ông có sở thích sưu tầm các đồ vật cũ từ khi còn trẻ. Với ông, đó không chỉ là đam mê mà còn là tình yêu, tình cảm dành cho quê hương, đất nước, nuôi dưỡng ký ức của nhiều thế hệ.

Những đồ vật xưa cũ được ông Biểu dày công sưu tầm rất phong phú, ở nhiều giai đoạn khác nhau như đài, la bàn, chén bát, bút kim sinh, bi đông đựng nước hay những chiếc đồng hồ, ống nhòm đến các dụng cụ lao động sản xuất gắn liền với cuộc sống của người nông dân thời bao cấp... Tất cả những đồ vật ấy đều đã ngả màu thời gian.

“Tôi nghĩ, vài chục năm nữa, những dụng cụ lao động sản xuất, sinh hoạt của người nông dân trước đây sẽ không còn do mất mát và hư hỏng nên cố gắng sưu tầm, lưu giữ và bảo quản thật tốt để sau này con cháu biết được trước đây, ông cha mình, từ những cái vật dụng này đã tạo ra của cải vật chất, xây dựng quê hương như ngày hôm nay”, ông Biểu chia sẻ.

Sau nhiều năm sưu tầm, gom góp, đến nay ông Biểu đã sở hữu hơn 300 loại vật dụng khác nhau, cái thời gian ít nhất thì vài chục năm, có cái lên đến hơn cả trăm năm. Trong hàng trăm món đồ vật sở hữu, món nào với ông Biểu cũng có những giá trị lịch sử, văn hóa quý giá. Tất cả đều được ông cất giữ cẩn thận, mỗi đồ vật đều được dán nhãn ghi khá đầy đủ thông tin về lý lịch hiện vật như tên, công dụng, giai đoạn lịch sử... Để có thể hồi sinh được giá trị văn hóa của mỗi hiện vật, ông chia không gian sưu tập của mình thành nhiều góc nhỏ. Một không gian dành cho các đồ dùng sinh hoạt, nông cụ của thời bao cấp như cối xay, cối đá, gàu sòng, dù, cày… một không gian khác để trưng bày các kỷ vật chiến tranh như ống nhòm, la bàn, bát B52, đèn pin, đèn bão. Ở một góc khác của riêng mình, ông dành cho ký ức tuổi thơ và quá trình công tác của bản thân…

Một chiếc nơm, chiếc đó, cối đá hay nồi đồng… tuy không quá cũ nhưng khi xuất hiện ở thời nay thì vẫn được gọi là đồ “cổ”. Thầm lặng giữa nhịp sống hiện đại, những đồ vật này chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo, chứa đựng những câu chuyện riêng và gợi nhớ về một miền ký ức nào đó.

Cả thời tuổi trẻ và đến tận bây giờ ông Biểu đều dành nhiều thời gian, công sức cho thú đam mê sưu tầm đồ cũ của mình. Không thể kể hết những con đường ông đã đi, vào các ngõ ngách, từng nhà ở vùng đất Quảng Trị, thậm chí tỉnh thành khác để tìm kiếm. Có cái người ta cho nhưng có cái phải bỏ tiền ra mua. Lặn lội đi săn đồ cũ vất vả, nhưng bù lại mỗi khi có được món đồ quý thì niềm vui không thể nào tả xiết.

“Hiện nay tôi vẫn cố gắng tiếp tục sưu tầm thêm để hiện vật ngày một phong phú lên, đồng thời phấn đấu xây dựng một cơ sở để trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến tất cả mọi người và hướng đến là du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của cha ông. Mong muốn của tôi là để bảo tồn, lưu giữ những tinh hoa văn hóa gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân qua các giai đoạn lịch sử chứ không phải vì mục đích làm kinh tế”, ông Biểu chia sẻ.

Biến không gian nhà thành một bảo tàng cá nhân thu nhỏ, đây không chỉ để thỏa mãn đam mê của bản thân, đó còn là cách để ông Biểu gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến thế hệ hôm nay và mai sau. Nhìn những món đồ như cối xay, bình vôi, gàu sòng, cối đá... rất nhiều người sẽ thấy đồng cảm bởi sự gần gũi, thân thuộc, gợi nhớ cả một miền ký ức.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=165049&title=nguoi-dam-me-suu-tam-do-cu