Người dân Ấn Độ tràn đầy tự tin sẽ chiến thắng, New Delhi tiếp tục ra đòn kinh tế với Bắc Kinh
Trong lúc quan hệ Trung - Ấn căng thẳng do tình trạng đối đầu ở biên giới sau vụ đụng độ đẫm máu hồi giữa tháng 6 và việc trả đũa lẫn nhau trong lĩnh vực thương mại và công nghệ, người dân Ấn Độ vẫn tin tưởng vào thắng lợi trogn cuộc chiến với Trung Quốc.
Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 15/8, tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Hãng tin Reuters ngày 10/8 đưa tin Ấn Độ hiện là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhiều lần kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc của quân đội vào các sản phẩm nhập khẩu đắt tiền, nhưng một số lượng lớn thiết bị quân sự của Ấn Độ vẫn phải được nhập từ Nga, Mỹ và Israel. Reuters cũng dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, do nhiều năm không đủ kinh phí, nên Ấn Độ hiện thiếu các máy bay chiến đấu, trực thăng và hỏa lực pháo dã chiến.
Để tăng cường khả năng quốc phòng, Ấn Độ mới đây đã mua thêm nhiều chiến đấu cơ Rafale hiện đại của Pháp (Ảnh:
Indian Air Force).
Mặc dù thiếu vũ khí nhưng người dân Ấn Độ vẫn tràn đầy tự tin vào quân đội của mình. Vào ngày 15/6, một cuộc xung đột quân sự đã nổ ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại biên giới, khiến tâm lý chống Trung Quốc của người Ấn Độ ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, India Today ngày 10/8 đưa tin kết quả cuộc điều tra mang tên “Khảo sát tình cảm quốc gia” (MOTN) của công ty thăm dò ý kiến Ấn Độ Karvy Insights đã cho thấy: đối với câu hỏi “Bạn cho rằng khả năng quân sự của Ấn Độ so với Trung Quốc như thế nào?”, trong câu trả lời, 72% người Ấn Độ cho rằng Ấn Độ có thể thắng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, chỉ có 9% người Ấn Độ trả lời rằng “chúng ta không thể đánh thắng Trung Quốc”.
Ngoài ra, trong các cuộc khảo sát khác của công ty này về vấn đề Trung Quốc-Ấn Độ; khi được hỏi “Liệu Ấn Độ có nên giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc thông qua chiến tranh?”, 59% số người được hỏi cho rằng “nên như vậy”. Khi được hỏi, "Liệu lệnh cấm các ứng dụng di động Trung Quốc (APP) và từ chối hợp đồng với các công ty Trung Quốc có phải là cách đúng đắn để chống lại Trung Quốc không?”, 91% người Ấn Độ được khảo sát đã chọn "đó là cách đúng đắn".
Hội Thương nhân toàn Ấn Độ đề nghị chính phủ cấm Huawei và ZTE tham gia xây dựng mạng 5G của Ấn Độ (Ảnh: Sina).
Hãng tin Reuters của Anh ngày 12/8 đưa tin, cơ quan thuế vụ Ấn Độ tối 11/8 đưa ra tuyên bố chính thức cho biết lực lượng của cơ quan này đã đột kích vào văn phòng của một số thực thể Trung Quốc và các công ty chi nhánh của họ ở Ấn Độ với lý do điều tra hoạt động rửa tiền.
Thông báo của Cơ quan thuế vụ Ấn Độ cho biết, một số người Trung Quốc, đối tác của họ và nhân viên ngân hàng bị nghi ngờ hoạt động rửa tiền thông qua các công ty vỏ bọc, nên nhà đương cục thuế vụ Ấn Độ đã tiến hành đột kích điều tra. Qua khám xét, điều tra đã phát hiện nhiều công ty vỏ bọc đã mở 40 tài khoản ngân hàng để vay các khoản tín dụng trên 10 tỷ rupee Ấn Độ (1 rupee tương đương 0,013 USD).
Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 12/8 cho biết, Liên đoàn Thương nhân toàn Ấn Độ mới đây đã gửi một lá thư tới Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ Prasad, yêu cầu chính phủ chính thức loại trừ Huawei và ZTE khỏi hoạt động xây dựng mạng 5G của Ấn Độ.
Các động thái này của phía Ấn Độ bị cho là đang làm gia tăng thêm sự bất bình giữa người Ấn Độ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hãng tin Bloomberg ngày 13/8 dẫn nguồn tin giấu tên cho biết các công ty dầu khí quốc doanh của Ấn Độ đã cấm thuê tàu chở dầu của Trung Quốc để vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Đây lại là một chính sách khác mà Ấn Độ đã áp dụng đối với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế sau khi xảy ra cuộc đối đầu trên biên giới Trung-Ấn.
Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã trở thành trào lưu lan khắp Ấn Độ (Ảnh: dwnews).
Tin cho biết các tàu chở dầu treo cờ Trung Quốc hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc đã bị cấm tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải nhập khẩu dầu thô và xuất khẩu dầu đã lọc của Ấn Độ. Nguồn tin cũng tiết lộ rằng các công ty năng lượng quốc doanh lớn của Ấn Độ có kế hoạch yêu cầu các nhà kinh doanh và cung cấp dầu thô không sử dụng tàu chở dầu của Trung Quốc để vận chuyển hàng đến Ấn Độ. Động thái này của Ấn Độ có thể dẫn đến căng thẳng hơn nữa trong quan hệ Trung-Ấn, nhưng Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ cho rằng lệnh cấm sẽ không có ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán năng lượng của Ấn Độ.
Hai quan chức cao cấp công ty dầu mỏ Ấn Độ giấu tên cho biết, hầu hết các tàu chở dầu nước ngoài được các công ty Ấn Độ sử dụng để vận chuyển dầu đều mang quốc tịch Liberia, Panama và Mauritani. Việc sử dụng các tàu chở dầu của Trung Quốc rất hạn chế và chúng chủ yếu được sử dụng để vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ba công ty năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ là Indian Petroleum, Bharat Petroleum và Hindustan Petroleum đã từ chối bình luận về bản tin của Bloomberg.
Tháng trước, Bộ Tài chính Ấn Độ đã thông báo rằng vì lý do an ninh quốc gia, bộ này sẽ áp đặt các hạn chế đối với tất cả các nhà thầu từ các quốc gia có chung đường biên giới trên bộ với Ấn Độ. Mặc dù hạn chế này không nêu tên quốc gia cụ thể, nhưng nhìn chung người ta tin rằng nó được nhắm vào các công ty từ Trung Quốc và Pakistan. Theo phân tích của Bloomberg, lệnh cấm của Ấn Độ đối với các tàu chở dầu của Trung Quốc tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu dầu của Ấn Độ tương tự như lệnh cấm đối với các đấu thầu mua sắm của chính phủ được ban hành vào tháng trước. Cụ thể, lệnh cấm đối với các công ty Trung Quốc chủ yếu được thực hiện trong chính phủ Ấn Độ và các doanh nghiệp nhà nước, không bao gồm khu vực tư nhân.