Người đàn bà giữ rừng
Người ta bảo, đi rừng là việc của đàn ông, nhưng lịch sử những cánh rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) được viết nên bởi rất nhiều người phụ nữ đang ngày đêm giữ rừng, lá phổi xanh của thành phố. Họ bỏ lại phố phường cùng những cuộc vui đêm hội, chọn sống đơn độc, làm bạn với sông nước và những loài muông thú...
1. Phạm Thị Oanh (31 tuổi) toát lên một vẻ mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng cũng đầy quyến rũ với đôi gò má trắng hồng, cặp mắt tinh anh cùng chất giọng lưu loát. Nếu gặp Oanh ngoài bìa rừng, có lẽ tôi sẽ chẳng nhận ra cô là người đàn bà sống giữa rừng, làm nghề giữ rừng. Cô gái dân tộc Mường, xứ Quan Sơn (Thanh Hóa) đến với nghề giữ rừng như một sự sắp đặt của định mệnh, khiến ai cũng ngỡ ngàng.
Năm 2011, Oanh lên chuyến xe khách vào Bình Dương làm công nhân. Đời sống chốn thị thành xô bồ náo nhiệt, khó hòa nhập, đã đôi lần Oanh cảm thấy buồn chán. Rồi một buổi chiều cuối tuần, Oanh nằm nghe chương trình kết bạn bốn phương trên sóng radio, bất chợt dừng lại ở số điện thoại hay hay, dễ nhớ của Lê Hoàng Anh (30 tuổi). Oanh bấm máy làm quen và được tương tác lại.
Chưa đầy hai tháng sau, đôi trẻ hẹn gặp mặt ngoài đời. Một chút bỡ ngỡ, rụt rè xao xuyến, đẩy hai con người xích lại gần nhau và chính thức hẹn hò. Lần gặp thứ hai, Oanh quyết định theo Hoàng Anh về Cần Giờ ra mắt gia đình anh.
Bạn trai đưa Oanh vào thẳng chốt giữ rừng thăm cha mẹ. Không phải lần đầu tiên thấy rừng, nhưng Oanh vô cùng lạ lẫm vì rừng ở đây lại có nước ngập, có sông biển xung quanh, nó khác hoàn toàn với rừng núi ở quê hương Thanh Hóa của cô. Oanh ngủ một đêm trong chốt, tận hưởng muỗi mòng và nghe âm thanh hỗn tạp của chim thú. Nếu là cô gái khác, có lẽ sẽ "bỏ của chạy lấy người" ngay khi rời đi nhưng Oanh thì không. Cô có một cảm tình đặc biệt với cánh rừng này và chấp nhận lời đề nghị của bạn trai, bỏ đời công nhân, về Cần Giờ khoác áo giữ rừng. Cha mẹ đã truyền nghề lại cho hai vợ chồng trẻ, ông bà rút về đất liền nghỉ ngơi tuổi già. Vợ chồng Oanh trở thành đời thứ ba kế nghiệp giữ rừng của dòng họ.
Oanh chính thức trở thành người giữ rừng. Tuy nhiên, cuộc sống thiếu thốn cùng sự khắc nghiệt của rừng ngập mặn đã nhiều lần khiến Oanh bật khóc. Đầu tiên, Oanh phải học điều khiển vỏ lãi, học bơi giữa sông, học nhận định con nước lớn nước ròng; nơi nào có vùng xoáy, chỗ nào có sóng lớn để điều khiển vỏ lãi an toàn. Vốn là nông dân nên những môn học ấy, Oanh tiếp thu rất nhanh, chỉ vài hôm là cô chạy vỏ lãi thành thạo giữa sông Lòng Tàu.
Nhưng sống giữa rừng xanh thâm u, đêm về là khoảng thời gian ám ảnh nhất. Muỗi bay rợp nhà, bám đen khắp nơi, côn trùng thì kéo thành từng hàng, nhung nhúc. Cứ 5 giờ chiều là vợ chồng Oanh phải đóng tất cả các cửa, buông màn xuống, tuyệt đối không ra ngoài, trừ những đêm đi tuần tra rừng. Oanh làm bạn với sóng nước, với tiếng bìm bịp kêu triều và ánh trăng treo trên đầu ngọn đước.
Nước lớn về vào khoảng 10h đêm, vợ chồng Oanh đội xô chậu trên đầu, dắt theo chiếc đèn pin lao ra ngoài khoảng mênh mông rừng đước soi ba khía. Mỗi đêm như thế, vợ chồng Oanh kiếm được hơn chục ký, giá ba khía cao thì kiếm được vài trăm ngàn, như bây giờ giá chỉ còn hơn 10.000/kg thì không ăn thua. Đi cả đêm, dầm mình ướt sũng, bơi vài cây số, mệt lả mà chẳng kiếm được là bao. Rồi ngày sang, nắng lên, vợ chồng Oanh đi tuần tra 98ha rừng nhận khoán tại Tiểu khu 6, Phân khu III. Tranh thủ chuyến đi, hai người lại đốn lá dừa, chặt trái dừa nước mang bán trang trải cuộc sống.
Nói đến nước ngọt thì đúng là quý giá ở rừng ngập mặn này. 6 tháng mùa khô là thời điểm khan hiếm nước ngọt nhất, phải chạy vỏ lãi gần một tiếng ra tận ngoài lộ mới đổi được. Một tháng hai lần đi đổi nước, chỉ dành cho nấu ăn và uống. Riêng khoản tắm thì cứ lao ra sông, trở về xối qua vài gáo nước ngọt là xong. "Nhiều khi nước ít không đủ ướt khắp người nên chỗ sạch, chỗ còn bám đầy bùn, chỗ lại đọng trắng muối biển. Em là đàn ông không sao, chỉ thương vợ thôi", Hoàng Anh bộc bạch.
Một năm sau ngày về rừng, Oanh mang thai con đầu lòng. Thai nghén và nỗi đơn độc giữa mênh mông của rừng xanh đã chạm vào đáy lòng của người phụ nữ xa xứ. Oanh nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ cánh đồng và con suối trước sân nhà, nhưng nỗi nhớ nhanh chóng bị nhấn chìm trước cuộc sống cơm áo gạo tiền và nhiệm vụ giữ rừng. "Cũng vì thương chồng quá nên ráng sống thật tốt cùng chồng. Tình yêu là sức mạnh cho em trụ lại ở cánh rừng này", ánh mắt Oanh lấp lánh khi nhắc đến chồng.
Bụng mang dạ chửa nhưng Oanh vẫn chạy vỏ lãi băng băng trên sông nước, chở chất ngất là dừa đi bán và đêm về vẫn dầm mình dưới nước bắt ba khía. Chồng Oanh xót vợ, nhiều lần khuyên cô ra ngoài nghỉ chờ sinh nhưng cô cũng xót chồng một mình ở lại rừng, đơn độc lẻ loi. Chỉ còn một tuần nữa là dự sinh thì Oanh mới ra nhà ông bà nội, sinh xong cũng đúng 11 ngày là cô ôm con quay trở lại rừng.
Đứa trẻ còn đỏ hỏn. Nhưng kỳ lạ thay, nó sống khỏe giữa rừng, thích nghi với mọi thứ ở rừng. Vợ chồng Oanh cho xuống nước vẫy vùng khi con chưa đầy 3 tuổi. Đứa thứ hai cũng vậy, hai anh em đặc biệt thích bơi lội dưới sông. Đến tuổi đi học, thằng anh chịu khó còn đứa em gái suốt ba năm đầu tiên luôn khóc và đòi trở về rừng với cha mẹ. Nó khóc đến nỗi cô giáo phải ám ảnh. Vậy mà cũng bám víu được với trường lớp, bây giờ cô gái út đã học lớp 2, anh trai lên lớp 6.
Cứ cuối tuần là hai anh em đòi về rừng, để chúng được cho ra sông bơi lội. "Các con em mê rừng xanh và sông nước hơn bất cứ thứ gì, có lẽ chúng được thừa hưởng tố chất từ cha mẹ", Oanh tự hào khi nhắc về con.
2. Oanh chở tôi trên chiếc vỏ lãi tung sóng mà đi giữa dòng sông Lòng Tàu rộng lớn chảy cuồn cuộn về biển Cần Giờ. Hai bên sông là những cánh rừng đước, mắm, bần… bạt ngàn xanh thắm. Oanh chỉ cho tôi những chốt giữ rừng của đồng nghiệp nằm lọt thỏm dưới tán đước, nhớ rõ hoàn cảnh của mỗi người.
Bên kia sông là chốt của chị Hoàng Thị Loan thuộc Phân khu I. Chị Loan là người đàn bà giữ rừng có biệt tài chạy vỏ lãi điêu luyện, Oanh học được ở chị Loan sự chịu đựng và tính gan lì. Bên này sông là chốt của chú Tùng ở Tiểu khu 6, Phân khu III. Chú Tùng trong mắt của Oanh là bậc tiền bối, đã gắn cả cuộc đời với rừng.
Còn xa nữa là chốt của anh Nguyễn Văn Hải, người đàn ông hiền lành, chất phác, gắn bó với rừng từ năm 12 tuổi. Cuối cùng là chốt của vợ chồng Oanh, nằm trên một mô đất cao, cách bờ sông Lòng Tàu khoảng 50m. Đó là một căn nhà xây theo kiểu chòi, đã bám đầy rêu xanh và cỏ dại. Mô đất cao trước nhà, Oanh trồng rau vào thùng xốp. Mùa này ít mưa, triều lên cao nên rau không được xanh tốt cho lắm, nhưng có rau sạch để ăn giữa mênh mông nước mặn thế này cũng là niềm hạnh phúc.
Những năm đầu về rừng không có điện, cũng không sóng điện thoại, văn minh lùi mãi ngoài bìa rừng. Mỗi lần muốn gọi về cho bố mẹ ở quê, Oanh phải chạy vỏ lãi mấy cây số ra xã, nói chuyện dăm ba câu rồi lại trở về. "Bố mẹ em không hình dung được cuộc sống của con gái lấy chồng thành phố, sao lại mù mịt tăm tối như thế. Ông bà quyết tâm vào một chuyến. Em chẳng giấu gì, dẫn ngay vào chốt giữa rừng để bố mẹ cảm nhận chân thật nhất. Ông bà không ngạc nhiên, trái lại còn thoải mái vui vẻ khi thấy vợ chồng sống yêu thương nhau, chăm chỉ giữ rừng", Oanh tâm sự.
Từ hai năm nay có điện mặt trời, Oanh sắm được cục wifi treo trên ngọn đước cạnh bờ sông để hứng sóng. Hôm nào trời nắng thì sóng tốt, còn trời mưa thì mù tịt, điện thoại tắt ngủm. Sóng điện thoại lúc có lúc không nhưng nó cũng mang lại cho Oanh rất nhiều niềm vui. Có sóng điện thoại, Oanh gọi điện video về cho gia đình, cả nhà nhìn thấy mặt của nhau thường xuyên, các cháu cũng nhớ được hình dáng ông bà để mai này lớn lên còn lưu lại ký ức tình thân.
Trời tháng 12 khuất gió, rừng đước lặng thinh. Vài con tàu chở hàng lừng lững chạy trên sông, hú những hồi còi vang vọng rồi để lại sau lưng những đợt sóng dập dềnh xô đổ chiếc vỏ lãi của vợ chồng Oanh. Sống ở rừng, không sợ thú hoang, rắn rết, chẳng sợ ma quái nhưng lại sợ nhất sóng tàu. Oanh bảo, không biết bao nhiêu lần vỏ lãi của vợ chồng cô bị lật úp bởi sóng của tàu lớn. May là biết bơi nên nhanh chân lao ra ngoài, rồi phải chật vật khổ sở mới đưa vỏ lãi vào bờ được. Rồi những lần vợ chồng đi đốn dừa nước, chặt cả buổi được đầy vỏ lãi, chạy gần đến nhà thì gặp sóng đánh cho tan tác, thế là phải bỏ của chạy lấy người, mất tong một ngày lao động.
Giữ rừng là một nghề, nhưng phải thực sự yêu và nặng lòng với rừng thì mới tồn tại được đến ba đời như gia đình của Hoàng Anh. Bởi, thù lao giữ rừng của hai vợ chồng chưa đầy 10 triệu/tháng. Cho đến tận bây giờ, Oanh vẫn ngạc nhiên vì sao mình có thể trụ vững suốt 12 năm nay trước bao thử thách khắc nghiệt của Rừng Sác. Từ những bỡ ngỡ, lạ lẫm với chuỗi ngày "ăn rừng ngủ lán" cho đến vô vàn khó khăn trong sinh hoạt, trong việc tuần tra bảo vệ, chăm sóc một diện tích rừng rất lớn. Dẫu là như thế nhưng trong mắt Oanh, tôi nhìn thấy một sức sống dẻo dai mà tươi sáng. Trong đôi mắt ấy, sáng lên một tình yêu bền chặt với những cánh rừng.
Như lời của ông Nguyễn Văn Sĩ, Phó trưởng Phân khu III (Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ) nhận xét: "Không chỉ giữ rừng giỏi mà Oanh còn làm được mọi thứ ở khu rừng này. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nét buồn gợi lên trên khuôn mặt của cô ấy. Có lẽ nỗi buồn đã được giấu vào sâu trong khóe mắt, để nhường chỗ cho một tình yêu mộc mạc và chân thật với rừng".
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-dan-ba-giu-rung-i718243/