Người đàn bà trả thù chồng

Mặt hoa da phấn, lúc nào cũng phơi phới như trăng rằm đúng độ bừng sáng. Ngắm nhan sắc của Trà, đàn bà còn say, nói gì đàn ông.

Thỉnh thoảng chị Ly hậm hực sau lưng Trà mà rằng: “Kể ra, nó cứ là con búp bê xinh xắn trước mặt mọi người, để người ta chỉ ngắm qua loa thì hình ảnh đẹp đẽ ấy không biến mất. Chứ đi sâu sát, biết tường tận về nó, thì người ta dễ thành ra hãi hùng”.

Ngay trên chuyến xe ô tô chở mọi người trong cơ quan đi nghỉ dưỡng, Trà đã mát mẻ ngồi lọt thỏm vào đùi anh giai đồng nghiệp. Cô bé Lương mới vào cơ quan làm được ít bữa, nhìn thấy cảnh đó sững người, nó quay lại hỏi chị Ly: “Chị, chị, em tưởng chị Trà có chồng rồi. Mà anh Nam cũng có vợ rồi cơ mà”. Chị Ly nhếch mép cười: “Ờ, thì sao?”. “Hả? Thì sao á chị?”. Chị Ly bĩu môi, cố tình nhấn mạnh: “Với Trà lả lướt thì chuyện này không có gì ngạc nhiên, quen dần đi em”.

Xe ô tô bập bềnh lên xuống, lắc lư bên này bên kia. Màu xanh điệp trùng mở ra bát ngát. Nắng vờn mây, mây vờn núi. Sự nhùng nhằng, lững lờ luôn hấp dụ tính hiếu kỳ, tò mò của con người. Chuyến du lịch năm nay cho cán bộ, nhân viên, sếp không chọn biển xanh nắng vàng nữa. Sếp bảo, cần thay đổi góc nhìn, kích thích sự khám phá của mọi người nên ông chọn khoảng trời thanh tịnh, bí ẩn của núi rừng. Cuộc sống luôn phải đổi mới từng ngày. Du lịch cũng phải có chiến lược từng năm. Cái gì hay ta nên hưởng, cái gì lạ ta nên tìm. Ăn chơi, thư giãn đủ đầy, các anh chị em quay trở lại làm việc mới tăng năng suất, thêm phần sáng tạo. Quan điểm của sếp chuẩn khỏi cần chỉnh.
Xe dừng trước một khu resort nghỉ dưỡng mát mẻ, lối cổng vào dài ngoẵng, hai bên toàn hoa lá mướt mượt, bắt mắt. Lương chạy lòng vòng nhòm ngó, xem xét trước khi vào sảnh check-in cùng mọi người, nó ngỡ ngàng vì giữa núi đồi hoang vụ lại có cái resort sang xịn mịn, đầy đủ tiện nghi. Cái đứa non non bao giờ cũng thế.

Sếp tuyên bố, cả mấy ngày nghỉ dưỡng, lịch sinh hoạt, vui chơi tập thể chỉ có hai buổi, còn anh em tha hồ bay nhảy tự do, tung hoành bốn hướng, ai thích gì thì tự chơi nấy. Sau bữa ăn no nê, tầm bổ cả dinh dưỡng lẫn tiếng cười, Lương lững thững đi dạo ra vườn sim. Cái nắng chói chang, khô rát của buổi chiều không cản nổi bước chân khi bị sắc tím quyến rũ cực độ. Lương rón rén, khẽ khàng đi trên thảm xanh dưới chân như sợ làm đau cỏ và từ từ tận hưởng khoảng không gian tĩnh yên, khoáng đạt. Lồng ngực đang giãn ra thì bỗng vang lên tiếng cười giòn giã khiến Lương giật thót mình. Chả cố ý nghe trộm mà khoảng cách khá gần với cặp đôi nào đó đang rủ rỉ truyện trò nên câu chuyện của họ ập vào tai Lương.

- Từ giờ anh đến tận nhà đón em nhé!

- Để làm gì, định cho thằng nhà em nó ghen à?

- Nó còn nhìn vợ đâu mà biết ghen? Không thử làm sao biết được? Nếu không vướng mấy đứa con, chắc anh bỏ vợ theo em.

- Thôi đi, đàn ông các anh bạc khác gì nhau, em chỉ vui vẻ với anh thôi, anh tưởng em thích ràng buộc chắc. Mơ!

- Ờ thôi, lời em nói cũng như dao cứa…

Lương nhận ra đó là tiếng của chị Trà. Cuộc đối thoại ngắn gọn, chả biết đúng sai, thật giả thế nào, tự dưng giọng điệu chùng xuống của chị Trà khiến Lương lại tưởng tượng ra cõi sâu thẳm buồn bã, đầy tâm tư của chị, lòng Lương trào dâng niềm thương cảm với chị. Ai cũng có câu chuyện bí ẩn của riêng mình, người khác chưa chắc đã hiểu được. Như sông kia tuy bề mặt phẳng lặng, biết đâu dưới đáy bao rong rêu, rác rưởi vây bủa. Ánh mắt hướng ra xa xa, Lương giật mình khi ập vào mắt một vạt đồi trơ trụi, trọc lóc, không một chút màu xanh sự sống nào chồi lên. Phủ mặt trước resort xanh mát, đẹp đẽ là thế. Góc khuất phía sau này lại trông nham nhở hệt khu đất bị bỏ hoang.

Men theo vạt sông, gặp con suối róc rách chảy. Lương hí hửng định sà xuống.

- Này cháu ơi, trèo thuyền thì được nhé, chứ đừng tắm nước suối.

- Sao thế ạ?

Cái câu hỏi sao thế, là sao, tại sao lại như thế… luôn thường trực ở miệng cái con bé thành phố, lớn lên trong nhung lụa, đôi mắt trong veo của nó nhìn mọi thứ như chưa biết gì về cuộc đời.

- Vạt đồi bên kia trước người đến đào bới, đãi tìm vàng, nên nhìn nham nhở, còn cây không mọc được là do mấy năm nay người ta đổ đủ thứ rác rưởi, độc hại vào lòng đồi bị đục khoét. Trời mưa, nước từ vạt đồi đó chảy xuống sông, xuống suối. Nước này tắm vào, về gãi ghẻ cả năm chắc không hết. Dân ở đây ai chả biết hả cháu.

Lương há hốc mồm ngạc nhiên. Đôi bàn chân đang quẫy quẫy dưới nước rụt lại ngay tức khắc. Hãi kinh hồn. Định quay hỏi tiếp thì bác lao công khu resort đã bỏ đi. Mà bác có đứng lại thì câu hỏi cũng thật vô duyên. Lương định thắc mắc sao lại xây khu nghỉ dưỡng giữa vùng ô nhiễm đang rình rập này. Thôi, người ta là dân kinh doanh, có thể đồng tiền lôi kéo tất thảy.

Từ lúc phát hiện ra cái vạt đồi đầy nguy cơ độc hại, Lương không còn hứng thú với kỳ nghỉ của cơ quan nữa. Các anh chị đồng nghiệp hô lấy xe đạp để đi lòng vòng quanh núi đồi, hít thở không khí trong lành, Lương chả muốn đi.

Về nhà, sếp có hỏi mọi người chuyến trải nghiệm vui không? Ai cũng gật gù, hồ hởi kể chuyện, chỉ mình Lương im lặng, gương mặt bần thần, ứ đầy tâm tư. Chả có lẽ, mình Lương biết đến vạt đồi trơ trọi, chứa đầy rác rưởi. Hay mọi người đều biết, nhưng lòng họ không thấy vướng bận, ảnh hưởng gì. Công việc bận rộn thường ngày lại kéo tất cả về nhịp điệu cũ. Giấy tờ, con số vật vã đầu óc cả buổi, ai còn tâm trí nghĩ đến núi đồi nữa. Khi giấc ngủ trưa vừa chập chờn tìm đến, thì Lương thấy dòng suối đục ngầu, cuồn cuộn rác rưởi, túi bóng lềnh phềnh cứ quấn quanh chân mình. Lương cố nhấc chân lên để chạy, mà chẳng thể nào nhấc được. Càng cố, rác càng quấn chặt. Sợ hãi, vùng vẫy tung tóe, tay Lương đập phụp vào đống tài liệu rơi lả tả. Choàng tỉnh, Lương mới biết đó chỉ là giấc mơ.

- Khiếp, sao giật mình kinh thế! - chị Trà vừa nói vừa nhặt giấy tờ Lương vừa làm rơi.

- Em chợp mắt tí, gặp ác mộng chị ạ!

- Thằng nào nó ôm eo à? - chị Trà nói với điệu cười cợt, rồi đi ra khỏi phòng.

Chị Ly ngồi cách 3 ghế, chêm vào:

- Nó nói có đúng không? Mơ thằng nào?

- Các chị không chợp mắt tí à? Dán mắt vào máy tính cả ngày mệt lắm. Trai đâu mà mơ?

- Mày học hỏi chị Trà đi, vừa có của ăn, vừa có của để dành. Trưa này, đi hẹn trai đấy.

- Anh Nam ạ?

- Không, thằng khác.

Lương lại mắt chữ O mồm chữ A, kinh hoàng:

- Ai lại sống thế hả chị? Sao chị không khuyên chị ấy? Nếu chị ấy cảm nắng anh Nam thôi thì còn thông cảm. Dù sao anh nhà chị Trà đối xử với chị chả ra gì. Suốt ngày vòi tiền vợ, lại còn đi cặp kè với gái. Nghĩ cũng thương chị ấy. Nhưng một lúc cặp với nhiều ông thế… khác gì?

- Mày định nói khác gì gái làng chơi hả? Thì nó cặp vòi tiền đấy. Mặt hơn hớn ra, thằng nào gặp mắt nó liếc cái là chết. Khổ, tưởng mọi thằng đều dại, không ngờ lần này gặp thằng bên xã hội đen, nó mua cho con Trà vòng vàng, nhẫn kim cương. Có nàng xong, giờ nó đến đòi.

- Hả? thật á? Sao chị biết?

- Sáng nó làm ầm dưới sảnh công ty, chả khác gì trò hề.

- Tội nghiệp!

Con bé Lương làm chị Ly mất hứng, thực ra bà ấy đang hả hê buôn bán, lan truyền chuyện đồng nghiệp bị quả báo, thì nó lại phát ra câu “tội nghiệp”. Chị Ly tẽn tò.

Sau hôm đi nghỉ dưỡng về, Lương càng quyết tâm làm cho bằng được kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa. Con bé gửi sếp, xong còn đề xuất với sếp đăng ký cho công ty tham gia chương trình “Vì một thế giới xanh - sạch - đẹp”. Thay bằng công ty chỉ đi du lịch, nghỉ dưỡng, thì sẽ tạo các hoạt động tập thể, trước mắt sẽ tổ chức buổi thu gom, nhặt rác vào cuối tuần. Nội dung Lương đưa ra khá hợp lý, có tính gắn kết tập thể, thêm tiếng tăm cho công ty, lại hữu ích cho cộng đồng. Sếp gật gù, ký duyệt.

Cả công ty xôn xao về kế hoạch của Lương. Hầu hết mọi người đồng tình, chỉ vài ý kiến xì xào sau lưng, bảo con bé ấy nhỏ con, tưởng ngây ngô mà gớm phết, biết cách ghi điểm, lấy lòng sếp.

Miên man suy nghĩ bên ô cửa sổ buổi sớm, nhâm nhi từng ngụm trà, cuống họng dần ấm nóng, dễ chịu. Thực ra mọi người không biết, chứ Lương đã tổ chức các hoạt động cộng đồng từ hồi đi học cơ. Nhưng Lương làm điều đó vì trái tim yêu màu xanh, yêu mặt trời mỗi sớm thúc giục, chứ không phải vì những danh hiệu hay giấy khen treo kín phòng riêng ở nhà nên Lương chưa bao giờ khoe ai ở công ty. Chị Trà thấy Lương ngồi hành lang, liền cầm ly nước đến ngồi bên:

- Này, cái kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa của em chắc chỉ hình thức thôi nhỉ, chứ mình làm thấm thía gì, ai cấm ngoài chợ người ta dùng túi ni lông bừa bãi, cứ thằng làm thằng bày thì làm đến Tết tây.

- Chị nói thế, ai cũng bỏ mặc thì chuyện xấu ngày càng xấu đi, ai cũng góp chút công sức thì việc tốt ngày càng lan rộng. Chị cứ thử tham gia, sẽ thấy vui và ý nghĩa.

Chị Trà nhìn Lương đầy vẻ tin tưởng. Chả mấy khi chị em ngồi riêng, Lương ngập ngừng:

- Chuyện anh nhà chị không ổn, sao chị không… bỏ đi. Em nói thật, yêu ai thì đến, chứ phụ nữ mình loằng ngoằng nhiều sẽ thiệt thân ấy chị.

Chị Trà cười gượng, cúi gằm mặt xuống ly trà, vân vê:

- Chị biết chứ… Nó đem cả gái về nhà, chị điên lên chị định trả thù nó.

Mắt chị Trà đã ngân ngấn lệ. Lương xoay người về phía chị Trà, bàn tay ấm nóng của cô bé đã ôm trọn tay chị: "Mà bằng cách ấy chỉ tổn thương chị thêm”.

Thực ra, đây là lần đầu tiên chị Trà nhận được lời khuyên tử tế, chân thành từ một đồng nghiệp. Tuổi này rồi, ai thật ai giả với mình phải biết chứ, chỉ là nói ra hay không. Mỗi người một hoàn cảnh sống, chẳng ai giống ai, không đặt vào vị trí của nhau, sao có thể dễ dàng phán xét.

Buổi phát động đầu tiên của công ty về chương trình giảm thiểu rác thải diễn ra sôi nổi. Lương cũng không ngờ nó thành công hơn cả mong đợi. Người này nhìn người kia, thi nhau nhặt rác, cảnh quang sạch đẹp. Chị Trà vừa làm vừa nói vui vẻ: Công nhận làm việc tốt vui thật đấy Lương ạ!

Lương mỉm cười nhìn chị định nói, khoảnh khắc chị vô tư như đứa trẻ là khoảnh khắc chị đẹp nhất. Chị Trà lại ngẩng nhìn Lương, trong ánh mắt chất chứa hy vọng.

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-trong-cuoc-365194.html