Người đàn bà với trái tim nhân hậu mang yêu thương tới những đứa trẻ thiệt thòi
Đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Liên Minh (Ba Vì, Hà Nội) người ta ít nhiều ngạc nhiên khi những đứa trẻ tự kỷ, những người khuyết tật nơi đây đều gọi í ới: 'Bà Trạm ơi!', 'mẹ Trạm ơi!'. Bà Trạm là linh hồn của Trung tâm này!
Lan tỏa thiện nhân
Nhìn những người khuyết tật đùa vui mà vẫn có nền nếp của một gia đình dù có rất nhiều thành viên. Ở đó, có tiếng của những đứa trẻ chào “Bà”, gọi “Mẹ” nghe thân thương biết bao!
Bà Lê Thị Trạm hối hả bận thúc giục và dìu dắt các cháu đi đánh răng, rửa mặt, vệ sinh cá nhân cùng với tiếng gọi yêu thương “Linh ơi, Tâm Anh ơi! Nhanh ra bà chải đầu buộc tóc cho nào!”. Miệng nói, tay làm, mắt không ngừng bao quát để nhanh tập trung các cháu về phòng sinh hoạt chung bật nhạc cho các cháu tập thể dục buổi sáng.
Bà hòa mình theo giai điệu của những bản nhạc mùa Xuân để làm mẫu cho những đứa trẻ múa theo... Một ngày mới ở trung tâm chăm sóc trẻ em khuyết tật Hà Nội bắt đầu như vậy!
"Năm 2012, khi mới hơn hai mươi tuổi tôi vào công tác ở đây, tôi rất bỡ ngỡ trong cuộc sống và công việc chăm sóc trẻ khuyết tật. Thật may mắn khi được gặp và làm việc cùng bà Trạm, người chị đồng nghiệp rất nhiệt tình, chu đáo trong công việc và không ngại chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn với những cán bộ trẻ mới bước vào nghề như tôi"- chị Huyền Trang người làm cùng bà Trạm chia sẻ.
Còn bà Trạm thì bảo: "Những người già cô đơn như cha mẹ của mình, những người khuyết tật là anh, chị, là em và các con là con của mẹ, là cháu của bà".
Quả đúng vậy nếu như không bằng tình thương thì sẽ không làm tốt được. Bà Trạm hướng dẫn trẻ em khuyết tật tập trung vào một hoạt động tập thể. Tất cả đã ngồi thành vòng tròn để nghe Bà đọc truyện, nhưng bạn Đức Anh (một trẻ khuyết tật có biểu hiện tăng động, giảm chú ý được nuôi dưỡng tại đây) lại giận dỗi, vùng vằng khóc, chạy vòng quanh làm các bạn mất tập trung. Bằng kỹ năng mềm dẻo bà đã yêu cầu được bạn Đức Anh trở về chỗ ngồi và cùng các bạn nghe kể chuyện.
Đây chỉ là một trong vô số những tình huống khó khăn mà người chăm sóc gặp phải trong quá trình quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.
Cho đi là còn mãi
Với quan điểm: “Yêu thương là cho đi và cho đi là còn mãi”, bà Trạm không chỉ trao cho những trẻ em kém may mắn ở đây tình thương, lương tâm, trách nhiệm mà còn dạy bảo các con thật chu đáo về lời ăn, tiếng nói, sự yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau.
Bởi lẽ, những trẻ em ở đây là những trẻ khuyết tật vận động, là khuyết tật nghe, nhìn, chậm phát triển trí tuệ... đòi hỏi những cán bộ làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp phải có lòng yêu trẻ, yêu nghề và sự kiên trì, bền bỉ để từ đó giúp các con rèn luyện được kỹ năng tự phục vụ, sinh hoạt cá nhân, chăm sóc bản thân và hỗ trợ các em nhỏ hơn.
Qua các hoạt động trên, giúp trẻ khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, mạnh dạn khi giao tiếp, tiếp xúc với mọi người, tham gia được nhiều các hoạt động văn nghệ, thể thao...
Tổ 7 nơi bà Trạm làm việc có 4 cháu đang theo học văn hóa tại các trường ngoài cộng đồng. Mỗi tối trực, bà cũng như các đồng nghiệp khác đều thực hiện việc đôn đốc, hỗ trợ các con học bài, làm bài tập. Bà luôn tìm hiểu thêm kiến thức qua mạng, truyền thông, sách, báo và các kênh thông tin để dạy bảo, kèm cặp trẻ những kiến thức mới nhất cho các con.
Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó gấp trăm lần. Do đó, muốn trở thành một giáo viên điều đầu tiên là phải yêu nghề, mến trẻ.
Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và luôn rèn giũa cho bản thân mình sự nhã nhặn, không nóng nảy và sự thông cảm, chia sẻ. Theo đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng những trẻ không được may mắn.
"Hình ảnh của bà Lê Thị Trạm khơi dậy trong tôi sự thèm khát về hình bóng của bà ngoại và cũng thầm cảm ơn người phụ nữ ấy đã trao lại yêu thương như của người bà dành cho các cháu - những trẻ khuyết tật nơi đây"- chị Huyền Trang chia sẻ.
Đến nơi đây người ta thường có cảm nhận đầu tiên là hình bóng của bà Trạm lo lắng, chăm sóc cho bọn trẻ khi trái nắng trở trời, khi các con trở nóng, trở lạnh thất thường. Khi đó bà luôn túc trực ở bên để đút cho các con từng thìa cháo, trao cho các con sự vỗ về và cái cảm giác an toàn với câu nói “Nhắm mắt ngủ đi con, có bà ở đây rồi”. Những việc làm ấy, những lời động viên an ủi ấy của bà tiếp thêm sức mạnh cho các cháu đỡ mệt, nhanh khỏi ốm.
Sự yêu thương, tin tưởng đó không chỉ là cảm nhận của những đứa trẻ đang được bà nuôi dưỡng hàng ngày. Khi trò chuyện với những đồng nghiệp bà, mọi người nói rằng bà là người lớn tuổi nhất, vì vậy mà bất cứ khi nào gặp phải những khó khăn trong công việc và cuộc sống thì họ đều tâm sự và lắng nghe những lời khuyên từ bà.
Ở đây, bà Trạm như người bà, người mẹ, người phụ nữ đáng kính trong gia đình mà mọi người sẽ tìm đến khi cần sự giúp đỡ, lắng nghe, chia sẻ.
20 năm đầy tình thương yêu trẻ khuyết tật
Bà Lê Thị Trạm, sinh ra trong một gia đình thuần nông có tới 6 người con ở Ba Vì, Hà Nội. Trong những năm tháng khó khăn bà cùng các anh chị em của mình luôn phải gồng mình đỡ đần công việc đồng áng, rồi thì "chăn trâu, đốt lửa trên đồng, rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều" và chăm chỉ học hành. Khi trưởng thành bà là một nhân viên văn phòng tại một Trường Trung học cơ sở của Thủ đô Hà Nội. Nhưng vì một cơ duyên nào đó đã đưa bà trở về với quê hương và xin vào công tác tại trung tâm từ năm 2001 đến nay.
Nhờ vào công nghệ thông tin và truyền thông kết nối, hơn 20 năm làm việc tại trung tâm bà Trạm luôn tự mình học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy trẻ khuyết tật một cách khoa học tiên tiến nhất trên thế giới hòa cùng với tình thương yêu và có những sáng kiến góp phần làm tốt nhất công việc.
Mỗi khi tan ca trở về với tổ ấm gia đình, bà đã làm tròn chữ hiếu khi chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già, là người vợ đảm đang chăm lo cho hai bên gia đình nội ngoại được ấm êm. Là người mẹ, người bà được các con, các cháu yêu quý, kính trọng và mong được sum vầy mỗi dịp ngày nghỉ hay tụ họp của gia đình.
Một vị khách có người thân đang ở trung tâm nói: “Tôi thấy thương cho những hoàn cảnh đang sống ở đây. Nhưng thật lòng cũng thấy các con còn may mắn, vì ở dưới mái nhà chung này các con cũng có bà, có các mẹ quan tâm, yêu thương. Xin cảm ơn! những người đàn bà với trái tim nhân hậu mang tình thương, đến với các cháu bằng cả tấm lòng, tình yêu thực sự của những người cha, người mẹ để các cháu vơi bớt thiệt thòi, bất hạnh".
Từ tiếng gọi thân thương của bao đứa trẻ khuyết tật bà Trạm cùng các đồng nghiệp đã đáp lại bằng tấm lòng thiện nhân và tình thương yêu da diết.
Những trẻ em khuyết tật, tự kỷ được chăm sóc dạy bảo trở thành những người bình thường thì không chỉ trẻ khuyết tật và gia đình vui vẻ hạnh phúc mà còn làm cho xã hội tươi đẹp hơn.