Người dân bất bình khi cảnh rồng rắn chờ lấy nước ở Thủ đô

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) nói và cho rằng kinh doanh nước sạch là lĩnh vực mà Nhà nước cần quản lý chặt chẽ và phải đưa hẳn là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 20-11, các ĐBQH: Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đều đề nghị đưa việc kinh doanh nước sạch vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Bày tỏ đồng tình và phân tích sâu thêm vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng, nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu thảo luận tại hội trường.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu thảo luận tại hội trường.

Bà cho rằng, điều này càng cần thiết hơn khi vừa qua nguồn nước do Công ty cấp nước sạch Sông Đà bị kẻ xấu đầu độc nguồn nước mặt, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng nước ở nhiều quận, huyện ở Hà Nội về sức khỏe và cũng tốn kém chi phí cho việc mua nước sạch, súc rửa bể và gây khó khăn cho người dân khi không có nước sử dụng trong sinh hoạt, tắm giặt, vệ sinh.

“Nếu ai đã từng ở Hà Nội vào những năm 70-80 thấy cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước, đi tắm nhờ, giặt nhờ ở các khu công cộng hoặc ở nhà người thân thì sẽ rất bất bình khi thấy lại cảnh này được lặp lại ở Thủ đô ở thế kỷ XXI, khi mà điều kiện sống, điều kiện phát triển kinh tế đã tiến xa so với 4-5 thập kỷ trước”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu nhận định.

Theo bà, điều này cũng cho thấy đây là một lĩnh vực mà Nhà nước cần quản lý chặt chẽ và phải đưa hẳn là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Không coi việc kinh doanh, khai thác tài nguyên nước là ngành, nghề có điều kiện đã là đủ, vì khái niệm “tài nguyên nước” và “kinh doanh tài nguyên nước” bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau, như nước ngầm, nước mặt, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng... Vì vậy khó đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý khi đăng ký đầu tư kinh doanh và lĩnh vực nước sạch cho con người sử dụng thì phải có điều kiện, tiêu chuẩn khác, mục đích khác và phải quy định chặt chẽ bằng luật.

ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Luật Đầu tư năm 2014, Phụ lục 4 đã quy định là ngành cấp thoát nước là kinh doanh có điều kiện. Nội dung này liên quan đến các nghị định, như Nghị định 117 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, chứng tỏ Nhà nước đã quy định đây là một ngành, nghề đầu tư có điều kiện.

“Tôi đề nghị giữ nguyên, nếu luật lần này chúng ta bỏ ngành, nghề này thì sẽ tạo điều kiện cho việc các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước sạch sẽ tự do đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho nhà nước trong quản lý ngành, nghề và nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng sẽ tăng lên, nhất là hiện nay các doanh nghiệp ngành nước thì đang thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa”, đại biểu nêu quan điểm.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa.

Bên cạnh đó, bà nêu tình trạng nhiều quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với ngành có tính chất đặc thù như ngành cấp nước thì chưa được ban hành. Các quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cấp nước trong đảm bảo an ninh và cấp nước an toàn cũng chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc ứng phó, giải quyết kịp thời các sự cố. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước cũng còn hạn chế và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng, khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh mục cấm đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người, đến an ninh trật tự xã hội để không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp mà phải đảm bảo sức khỏe, an toàn, an ninh cho người dân khi các ngành, nghề kinh doanh này tác động, ảnh hưởng lớn.

“Chúng tôi không phản đối việc cho tư nhân tham gia vào sản xuất và kinh doanh nước sạch và chúng tôi cũng không đề xuất phải cấm việc chuyển nhượng vốn này kia. Chúng tôi chỉ muốn nói, nước sạch trong một số tình huống, nhất là đối với các đô thị lớn nó trở thành một vấn đề an ninh. Ở một số quốc gia khi nó là vấn đề an ninh người ta sẽ thiết kế luật để có những ngăn chặn những giao dịch chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia” – ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bổ sung thêm.

Ông lấy ví dụ một nhà máy nước cung cấp cho mấy triệu dân nhưng chúng ta có biết ai làm chủ không? Nếu theo luật hiện nay một nhà đầu tư nước ngoài làm chủ 30%, hình như có thể đến 50-60%, nhưng nếu người ta chuyển nhượng cho anh B, anh B chuyển nhượng cho anh C thì khi chúng ta tìm hiểu về nhà đầu tư đó lại là một công ty đăng ký ở đảo British Virgin Island. Đây là “thiên đường thuế”, nó là một công ty có khi vốn chỉ có 5.000-10.000 USD, bởi vì đây là vốn điều lệ.

“Cho nên nếu là vấn đề an ninh chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó để gây ra những hành vi phạm pháp”, đại biểu TP Hồ Chí Minh lưu ý.

An Quỳnh - Thiện Nhân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-dan-bat-binh-khi-canh-rong-ran-cho-lay-nuoc-lap-lai-o-thu-do-the-ky-xxi-570720/