Tối 11/8, hàng nghìn người đã đến chùa Kim Sơn Lạc Hồng trong công viên Lạc Hồng Viên (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) để dự đại lễ vu lan báo hiếu.
Cứ tháng 7 (âm lịch) mỗi năm, mùa Vu lan báo hiếu lại về, với tất cả mọi người thì đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ công nghĩa sinh thành của cha mẹ mình. Những câu chuyện, những tâm sự, bài học về sự hi sinh của mẹ cha cả cuộc đời vất vả dành cho con cái được các Phật tử tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng truyền tải đến hàng nghìn người trong buổi lễ.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc với chủ đề “ơn nghĩa sinh thành” do các bạn thanh thiếu niên phật tử trình diễn cúng chư tôn đức và đại chúng.
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Với ý nghĩa đó, những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.
Các chư vị tăng ni phật tử được cài lên bông hồng màu vàng. “Đại lễ vu lan con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Đại lễ vu lan con người còn thể hiện sự tôn kính, hiếu thảo với cha mẹ còn có nghi thức dâng trà, rửa mặt, rửa chân cho cha mẹ để cảm nhận thấy sự vất vả cực nhọc của cha mẹ suốt cả cuộc đời vì con.
Một bé gái được cha mẹ cài lên bông hồng màu đỏ.
Những giọt nước mắt của trẻ nhỏ, giới trẻ và cả những người cao tuổi chảy dài trên má khi được lắng nghe những câu chuyện vô cùng xúc động ấy minh chứng rằng các bậc làm con luôn yêu thương và tâm niệm sẽ dành cho mẹ cha những tình cảm chân thành nhất…
Bà Phan Kiều Oanh, nhà ở TP Hòa Bình cho biết, cách đây 2 năm bà mất cả cha cả mẹ nên cài lên mình bông hồng màu trắng. Mỗi mùa vu lan bà được các con đưa đến chùa để dự đại lễ. Bà bật khóc khi nghe những câu chuyện, bài học về sự hi sinh của mẹ cha cả cuộc đời vất vả dành cho mình.
Bà Oanh gạt nước mắt lăn dài trên má. Bà mong rằng mọi người khi còn cha còn mẹ hãy thật trân trọng điều đó vì cha mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ bến khi mất đi rồi sẽ vô cùng tiếc nuối.
Sau nghi lễ Bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho Quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.
Hàng nghìn người xếp hàng trật tự di chuyển đến hồ lớn trước cổng chùa để làm lễ thả đèn hoa đăng.
Nhiều trẻ nhỏ được cha mẹ đưa đi thả đèn hoa đăng.
Thả đèn hoa đăng để gửi gắm, thắp sáng lên nguyện cầu tưởng nhớ về sự sinh thành của cha mẹ.
Định Nguyễn