Người dân bon Bu N'drong A biết chuyển đổi làm ăn để thoát nghèo

Với việc thay đổi tư duy sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, đồng bào bon Bu N'drong A, xã Quảng Tân (Tuy Đức) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, xây dựng bon làng ngày càng phát triển.

 Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, gia đình ông Điểu Njrưk thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, gia đình ông Điểu Njrưk thoát nghèo và vươn lên làm giàu

Gia đình anh Điểu Hùng là một ví dụ điển hình về mô hình phát triển kinh tế gia đình. Do thói quen canh tác lạc hậu, nên trước đây mặc dù có vườn điều 10 ha nhưng nguồn thu nhập của gia đình chẳng đáng bao nhiêu, không đủ trang trải cuộc sống cho 10 thành viên. Khó khăn, anh kiếm việc làm thuê, cần cù lao động, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng quanh năm.

Không chịu cam phận, anh Điểu Hùng mày mò, chịu khó đi tìm hiểu các mô hình thành công về cách chăm sóc điều cho hiệu quả cao. Nhờ vậy, anh tích lũy được kinh nghiệm về cách bón từng loại phân vào từng thời điểm như khi vừa thu hoạch, cây ra hoa để đậu quả nhiều, ít bị tác động của thời tiết, đặc biệt dùng lá cây đốt ủ khói để hạn chế sương muối tác động đến vườn cây.

Sau mùa đầu tiên biết chăm sóc đúng kỹ thuật, 10 ha điều cho năng suất hơn 7 tấn, đến nay đạt hơn 10 tấn. Trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, hiện tại mỗi năm gia đình anh Điểu Hùng thu lãi được 300 triệu đồng. Sau 2 mùa áp dụng kỹ thuật, năng suất điều tăng, thu hoạch có hiệu quả, anh đầu tư trồng thêm 2 ha cà phê, hiện cũng cho thu bói, đạt 4 tấn nhân.

Cùng với trồng trọt, anh còn đầu tư chăn nuôi ngan, heo rừng để tăng thêm nguồn thu cho cả gia đình. Mỗi năm, anh bán ra thị trường 200 con ngan, 20 con heo rừng, thu một khoản không nhỏ. Anh còn chăn nuôi bò, gà để tự cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình. Không chỉ vậy, anh còn trồng cỏ, chuối, đầu tư thêm cơ sở xay xát gạo, lấy cám để nuôi đàn gia súc, gia cầm mà không tốn chi phí nguồn thức ăn.

Anh Điểu Hùng cho biết: “Bây giờ gia đình đã biết tổ chức sản xuất đa cây, đa con, mỗi thứ mỗi ít để hỗ trợ nhau khi thị trường bấp bênh. Nhờ đó, trừ chi phí, mỗi năm gia đình mình có nguồn thu nhập trên 450 triệu đồng, có điều kiện lo cho 7 đứa con ăn học tử tế, xây nhà, mua xe ô tô”.

Tương tự, gia đình ông Điểu Njrưk chuyển đổi sản xuất theo hình thức đa cây, đa con. Ngoài 6 ha điều trồng xen cà phê, mỗi năm thu nhập từ vườn cây khoảng 150 triệu đồng, ông còn chăn nuôi bò và heo, lấy phân bón cho vườn cây, nên kinh phí đầu tư đỡ tốn kém. Mỗi năm ông bán ra thị trường được 6 con bò, 10 con heo, thu khoảng 50 triệu đồng. Gia đình ông còn chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm từ 2 sào lúa, kết hợp với chăn nuôi gà, vịt, ngan.

Ông Điểu Njrưk cho hay: “Mình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi là rất phù hợp và bền vững, không tốn chi phí mua phân bón hóa học. Phân mình ủ hoai, xử lý các mầm bệnh, bón cho cây, giúp đất có nhiều dưỡng chất, độ xốp nên cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Nhờ vậy, gia đình tôi tiết kiệm chi phí phân bón, có nguồn thu bình quân khoảng 200 triệu/năm”.

Ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết: “Bon Bu N’drong A trước đây là 1 trong 6 thôn, bon của xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. 5 năm trở lại đây, từ chuyển đổi cách thức làm kinh tế, nhiều gia đình ở bon ngày càng phát triển, có đời sống ổn định và vươn lên làm giàu. Hiện tại, cả bon có 118 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó hơn 20 hộ có thu nhập bình quân hàng năm 400 triệu đồng, 20 hộ có thu nhập 200 triệu đồng và chỉ còn 29 hộ nghèo, cận nghèo”.

Bài, ảnh: Phạm Khánh

1,722

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/nguoi-dan-bon-bu-n-drong-a-biet-chuyen-doi-lam-an-de-thoat-ngheo-85220.html