Người dân Campuchia tưng bừng đón năm mới 2023
Trong 3 ngày từ 14-16/4, người dân Campuchia đã đón Tết cổ truyền năm 2023 trong không khí trang nghiêm với các nghi thức diễn ra trong khuôn viên những ngôi chùa và tưng bừng, náo nhiệt với các hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức trên khắp đất nước Đông Nam Á này.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại địa bàn, trong những ngày Tết cổ truyền được biết đến với tên gọi Chol Chnam Thmey hay Vào năm mới 2023 vừa qua, phố phường ở thủ đô Phnom Penh trở nên thông thoáng và vắng hơn thường lệ, khi người dân sở tại và người lao động nhập cư lần lượt về quê đón Tết cùng gia đình, người thân, họ hàng hoặc đi tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.
Trong những ngày qua, Phnom Penh chỉ thực sự đông đúc và sôi động ở khu vực thắng cảnh Wat Phnom, tức Chùa Núi hay Núi Bà Penh, nơi được chính quyền thủ đô chọn làm điểm tổ chức sự kiện Sangkran chào năm mới 2023.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ông Met Thon, một tiểu thương 58 tuổi ở Phsar Thom Thmey (Chợ Lớn Mới) phấn khởi cho biết hoạt động làm ăn kinh doanh của gia đình ông và người dân Phnom Penh trở lại bình thường. Dịp Tết năm nay, ông và gia đình đã tranh thủ về thăm quê ở tỉnh Prey Veng, gặp gỡ anh em, bạn bè, cha mẹ, người thân. Ông Met Thon chia sẻ: “Năm nay, hết COVID, Chính phủ tổ chức nhiều chương trình Sangkran đón năm mới, vui hơn năm trước nhiều lắm, người dân Campuchia ai cũng phấn khởi”.
Chol Chnam Thmey là Tết chịu tuổi, cũng là sự kiện lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia, đất nước có trên 90% dân số là tín đồ Phật giáo, diễn ra trong 3 ngày với các nghi thức mang nhiều ý nghĩa tâm linh và nhân văn, gắn với nghĩa vụ đền ơn đáp nghĩa của con cái với đấng sinh thành và tích lũy phước báu cho kiếp sau.
Theo quan niệm của người dân Campuchia, trong những ngày trước Tết, họ phải hoàn thành những phần việc quan trọng như sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, chùa chiền và may quần áo mới; chuẩn bị quà tặng bố mẹ, ông bà cùng các đồ dùng phục vụ hoạt động vui đón năm mới, cũng như chuẩn bị vật thực để lên chùa hành lễ trong những ngày Tết.
Trong tâm thức của đại bộ phận người dân Campuchia, ngôi chùa được xem là trung tâm văn hóa nên họ thường lên chùa thực hiện hầu hết mọi nghi lễ trong các lễ hội truyền thống, ngay cả các trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong khuôn viên các chùa ở đất nước được mệnh danh là xứ sở Chùa Tháp với hơn 70.000 nhà sư đang tu tập tại 5.104 ngôi chùa Phật giáo thuộc hai hệ phái Đại chúng bộ (Maha Nikaya) và Pháp tạng bộ (Thamayut Nikaya).
Theo truyền thống, trong ngày đầu tiên của Tết cổ truyền, gọi là ngày Sangkran, người dân Campuchia mang vật thực lên chùa để thực hiện các nghi thức sớt bát, cầu siêu, đắp núi cát và nghe chư tăng thuyết pháp. Sang ngày thứ hai, gọi là ngày Vanbat, họ dâng quà lên bố mẹ, ông bà; bố thí cho người nghèo rồi cùng nhau lên chùa. Trong ngày cuối của Tết cổ truyền - gọi là ngày mãn hội hay Leng Sak, bà con Phật tử Campuchia tiếp tục lên chùa, thực hiện các nghi thức như hai ngày trước đó.
Như những năm trước dịch COVID-19, trong dịp Tết cổ truyền năm nay, ông Phon Phollet, 48 tuổi, ở ấp Kraing Kok, xã Kampong Sing, huyện Preah Sdech (tỉnh Prey Veng) lại đưa gia đình đến vãn cảnh và thực hiện các nghi thức đón năm mới tại chùa Preah Vihear Sour (xã Preah Vihear Sour, huyện Khsach Kandal, tỉnh Kandal) như thông lệ, cùng nhiều ngôi chùa khác.
Cũng là một tiểu thương, ông Phon Phollet cho biết, công việc làm ăn kinh doanh hiện nay đã khá hơn. Sau mấy năm không có Tết, đối với ông, Tết năm nay còn vui hơn những cái Tết trước COVID-19 do lần này, sự kiện Sangkran được tổ chức khắp nơi, nhiều hơn trước. “Năm nay vui, chương trình Sangkran được tổ chức nhiều, người dân đi chơi khắp nơi. Trên các nẻo đường, thấy ai ai cũng hớn hở, phấn khởi”, ông Phon Phollet chia sẻ.
Ngoài các nghi lễ truyền thống diễn ra trong khuôn viên các ngôi chùa, những ngày Tết cổ truyền còn là dịp để người dân Campuchia đoàn viên bên gia đình, người thân, họ hàng, gặp gỡ bạn bè, vui chơi giải trí với các hoạt động đón năm mới trong không gian náo nhiệt, sôi động và đầy ắp tiếng cười của các trò chơi dân gian truyền thống, được nâng tầm thành chuỗi hoạt động với tên gọi sự kiện Sangkran từ 10 năm nay.
Theo ghi nhận, trong dịp Tết cổ truyền 2023 này, có không dưới 10 tỉnh, thành ở Vương quốc Campuchia tổ chức sự kiện Sangkran quy mô địa phương hoặc khu vực như thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siam Reap, Kampong Speu, Banteay Meanchey, Ratanakkiri, Pursat, Kampot, Kep, Preah Sihanouk, Koh Kong, Kampong Chhnang và Svay Rieng.
Khai mạc ngày 14/4, sự kiện Angkor Sangkran 2023 ở cố đô Siem Reap của Vương quốc Campuchia là chuỗi sự kiện lễ hội với hàng loạt chương trình, hoạt động văn hóa-thể thao-du lịch sôi động và đầy màu sắc diễn ra từ ngày 14-16/4.
Trở lại sau 4 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Angkor Sangkran năm 2023 được tổ chức với quy mô hoành tráng hơn những lần trước, nhân kỷ niệm 10 năm ra đời của sự kiện này, nhằm đề cao giá trị di sản của nền văn minh, văn hóa và phong tục tập quán của đất nước và con người Campuchia thông qua các hoạt động trình diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao độc đáo, tái hiện các trò chơi dân gian, điệu múa cổ điển, truyền thống và dân gian... phản ánh đời sống văn hóa đa dạng của người dân ở nhiều vùng miền trên Đất nước Chùa tháp.
Sự kiện lần này có 44 nội dung chương trình hoạt, động được bố trí tại 6 khu vực xung quanh kỳ quan Angkor Wat, quảng trường đấu voi, công viên hoàng gia, đoạn sông giữa trung tâm thành phố Siem Reap và một số khu vực khác, cùng nhiều điểm tham quan và chương trình vui chơi giải trí ấn tượng như công viên "Nụ cười Angkor", Khu vườn "Triệu trái tim giấy", không gian trưng bày các vật thể khổng lồ, khu vực dành cho các trò chơi dân gian, khu trưng bày các loại hình di sản vật thể và phi vật thể… giúp công chúng có cơ hội tìm hiểu về nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ của đất nước Campuchia thời kỳ Vương quốc Angkor. Theo ghi nhận, với sự kiện Angkor Sangkran diễn ra trong 3 ngày 14-16/4 vừa qua, thành phố du lịch Siem Reap cháy phòng nghỉ với hàng triệu du khách đến tham gia sự kiện và tham quan, du lịch ở vùng đất của kỳ quan Angkor Wat.
Tham dự nhiều hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Angkor Sangkran ở Siem Reap, chia sẻ với truyền thông địa phương, Đại sứ Mỹ tại Vương quốc Campuchia cho rằng Campuchia có di sản văn hóa tuyệt vời và Mỹ là một đối tác quan trọng đối với người dân nước này trong việc bảo vệ và bảo tồn văn hóa. Nhà ngoại giao này nói: “Đây là cơ hội quý giá để chào đón năm mới, một năm của niềm hy vọng, hòa bình, sức khỏe và thịnh vượng”.
Tại thủ đô Phnom Penh, lễ hội Sangkran đón mừng năm mới 2023 được tổ chức tại Wat Phnom, danh thắng du lịch tọa lạc tại trung tâm thành phố vừa được trang hoàng với đèn lồng cờ hoa rực rỡ, cùng các khu vực được bố trí cho các hoạt động chơi trò chơi dân gian, té nước... Trong những ngày đón năm mới 2023, hàng nghìn người dân Campuchia và du khách đã đến đây vui chơi, giải trí với điểm nhấn là hoạt động té nước, bắn nước vui tươi, sôi động và mát mẻ giữa những ngày tháng Tư nóng bức ở Phnom Penh.
Có thể nói, sự kiện Sangkran đón năm mới 2023 với các hoạt động sôi động, vui tươi và đầy sắc màu văn hóa diễn ra trên khắp đất nước Campuchia trong những ngày qua không những tạo không gian lễ hội vui tươi, sôi động cho người dân địa phương, mà còn thu hút và gây ấn tượng mạnh với du khách quốc tế. Theo Bộ Du lịch Campuchia, 100% khách sạn, nhà nghỉ tại các điểm đến du lịch trọng điểm ở các tỉnh Siem Reap, Mondulkiri, Preah Sihanouk và khu vực ven biển của tỉnh duyên hải Tây Nam Campuchia đã được du khách đặt kín chỗ cho kỳ nghỉ Tết cuối tuần qua ở Đất nước Chùa tháp. Theo thống kê, riêng trong ngày thứ hai (15/4) của kỳ nghỉ Tết cổ truyền năm nay, các điểm đến ở Campuchia đã đón hơn 4 triệu du khách.