Người dân cần cảnh giác với dịch sốt xuất huyết

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, dịch sốt xuất huyết đang tăng rất nhanh, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, mỗi tuần ghi nhận trên 4.000 người mắc, có một số trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng. Bên cạnh một số trường hợp mắc sốt xuất huyết tưởng nhầm là COVID-19 đến viện muộn. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2022, sốt xuất huyết có thể diễn tiến xảy ra dịch lớn.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội gia tăng.

TP Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết tăng mạnh

Thông tin từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 ca sốt xuất huyết, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca nặng tăng 7 lần và có 7 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ đầu tháng 4-2022 và tăng mạnh từ đầu tháng 5-2022 đến nay. Các địa phương có số ca mắc tăng cao gồm: Huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Quận 12, quận Tân Phú…

Sở Y tế dự báo, tình hình dịch sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ đang vào mùa mưa. Cùng với việc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, Sở Y tế Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các quận, huyện. Đồng thời, Sở đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết để dịch bệnh lây lan tại địa phương.

Tại miền Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng bắt đầu vào mùa. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các ca sốt xuất huyết tới khám hầu hết đều điều trị ngoại trú, nhập viện rất ít. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng so với những tuần trước đó. Cụ thể, vào đầu tháng 5-2022, trung bình ghi nhận từ 2 đến 5 ca mỗi tuần thì đến đến cuối tháng 5, tăng lên từ 8 đến 15 ca/tuần. Riêng tuần từ ngày 14-5 đến 20-5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải nhập viện cũng bắt đầu tăng. Tuy số lượng bệnh nhân chưa cao đột biến nhưng đa phần đều vào viện trong tình trạng nặng. Nam bệnh nhân 26 tuổi, ở Hà Nội đang điều trị tại đây cho biết, cách đó ít ngày anh bị sốt cao đột ngột. Nghĩ mình mắc COVID-19, đã tiêm 3 mũi vaccine, nên anh cho rằng mình bị nhẹ và nhanh khỏi. Nào ngờ tới ngày thứ 3, anh vẫn sốt cao 40 độ C kèm theo triệu chứng đau đầu, mệt mỏi nhiều, tới Bệnh viện Thanh Nhàn khám, kết quả anh mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm sâu. Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân này, nếu đến viện muộn có nguy cơ xuất huyết nội tạng, đặc biệt xuất huyết não sẽ để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhưng tâm lý e ngại tới viện nên tự điều trị tại nhà. Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là giảm tiểu cầu, gây ra tình trạng rối loạn đông máu, chảy máu ở nhiều nơi gây ra xuất huyết não, đường tiêu hóa. Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà khi bị giảm tiểu cầu mà không kịp thời phát hiện rất nguy hiểm. Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang lưu hành khiến cho rất nhiều người nhầm lẫn giữa COVID-19 và sốt xuất huyết. "Theo chu kỳ dịch bệnh thì cứ sau 5 năm sẽ có một đỉnh dịch sốt xuất huyết. Lần dịch xảy ra gần đây nhất vào năm 2017. Năm 2022, theo dự báo có thể sẽ xuất hiện đỉnh dịch. Tuy nhiên, năm nay thời tiết miền Bắc có sự thay đổi. Hiện miền Nam số người mắc tăng khá cao, đã có những ca mắc nặng. Nhưng tại miền Bắc tới tháng 5 thời tiết vẫn đang còn lạnh, do vậy bệnh sốt xuất huyết sẽ đến chậm hơn các năm. Khả năng dịch tại miền Bắc sẽ rơi vào khoảng tháng 7-8", bác sĩ Nguyễn Thu Hường nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết dễ nhầm với COVID-19

Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 từng có ca tử vong do sốt xuất huyết mà nguyên nhân rất đau lòng là do sợ dịch. Ngoài ra, có nhiều trẻ bị trì hoãn việc đi khám vì phụ huynh tự chẩn đoán bệnh cho trẻ. Có trường hợp trẻ sốt cao, người thân nghi ngờ bị COVID-19 nên tự cách ly tại nhà hoặc có những bé bị sốt sau tiêm phòng COVID-19 lại tưởng là sốt do tiêm mà không đến bệnh viện sớm. Cá biệt, đã có trường hợp nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết với sốt phát ban nên tự điều trị sai cách. Vì vậy, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho con đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm COVID-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi…

Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh khám bệnh cho bệnh nhi. Ảnh: Phong Lan

Đặc biệt với trẻ nhỏ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý chọn thuốc hạ sốt nhóm paracetamol, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khác mà không có ý kiến của bác sĩ vì có thể gây ra các biến chứng nặng như tổn thương gan, não hay xuất huyết nặng. Ngoài ra, không nên tự ý cho bé đi truyền dịch ở các cơ sở y tế ngoài bệnh viện vì khi sử dụng dịch truyền cho trẻ sốt xuất huyết, bác sĩ cần phải dựa trên xét nghiệm, thăm khám và đánh giá giai đoạn bệnh của trẻ để chọn lựa loại dịch truyền cũng như tốc độ và thời gian truyền dịch. Truyền dịch quá sớm hay quá trễ đều có hại cho trẻ.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Nguồn: qdnd.vn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-dan-can-canh-giac-voi-dich-sot-xuat-huyet/d20220603152312582.htm