Người dân cần khai báo chính xác thông tin tiêm chủng
Thông tin tiêm chủng của người dân trên 'Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19' là điều kiện quan trọng nhất để cấp 'hộ chiếu vắc xin'. Người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cần khai báo chính xác thông tin cá nhân và chủ động liên hệ các cơ sở tiêm chủng nếu thông tin tiêm chủng chưa chính xác để bảo đảm quyền được cấp 'hộ chiếu vắc xin'.
Làm sạch dữ liệu tiêm chủng
Tính đến ngày 20-4, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng ghi nhận toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 6.509.873 liều vắc xin ngừa Covid-19, nhưng thực tế số lượng người tiêm lớn hơn nhiều. Bình Dương còn khoảng 225.000 mũi tiêm người từ 12 tuổi trở lên chưa được nhập liệu trên hệ thống, hơn 106.000 lượt người phản ánh thông tin tiêm chủng chưa được xử lý trên Hệ thống thông tin tiêm chủng Covid-19 và hơn 31.000 người trùng thông tin trên hệ thống. Việc xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng chính xác là điều kiện quan trọng nhất để cấp “hộ chiếu vắc xin”.
Để xử lý dứt điểm số liệu tồn tại nêu trên, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì công tác số liệu tiêm chủng, phối hợp với Sở Y tế, Viettel Bình Dương, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát số liệu, tập huấn, hỗ trợ công tác cập nhật dữ liệu tiêm chủng quốc gia; xử lý phản ánh, lọc trùng đối tượng và làm sạch dữ liệu trên hệ thống tiêm chủng. Trong khi đó, các huyện, thị, thành phố cũng tập trung huy động nguồn lực (ít nhất 5 cán bộ) bảo đảm kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ ngành y tế nhập liệu, xử lý phản ánh tiêm chủng, lọc trùng đối tượng, cập nhật dữ liệu tiêm chủng lên hệ thống.
Được biết, ngày 19-4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; y tế các bộ, ngành về việc làm sạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và triển khai ký xác nhận hộ chiếu vắc xin. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát, xác thực, bổ sung thông tin sai lệch còn thiếu của người dân về tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng, hoàn thành trước ngày 30-4. Bộ Y tế nêu rõ, người đứng đầu các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm nếu thông tin tiêm chủng của người dân bị sai sót không được cập nhật kịp thời, ảnh hưởng đến việc cấp hộ chiếu vắc xin, phục vụ cho việc đi lại, giao thương quốc tế.
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện ký số toàn bộ đối tượng tiêm chủng đã được xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Không được cấp hộ chiếu vắc xin nếu sai thông tin, thiếu mũi tiêm
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết thêm: “Người dân đã tiêm chủng cần khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vắc xin. Người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vắc xin nếu các thông tin tiêm chủng sai sót, thiếu mũi tiêm. Với người dân chưa được cấp hộ chiếu vắc xin do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 (https://tiemchungcovid19. gov.vn) để được bổ sung, cập nhật. Hộ chiếu vắc xin được hiển thị trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: Họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu” .
“Quy trình cấp “hộ chiếu vắc xin” gồm 3 bước:
Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng phải rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.
Bước 2: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số, dữ liệu sẽ được chia sẻ với hệ thống quản lý cấp chứng nhận vắc xin của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế).
Bước 3: Cục Y tế dự phòng ký số tập trung. Hộ chiếu vắc xin dưới định dạng mã 2D sẽ được hiển thị trên các ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, PC Covid”.
(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)
“Hộ chiếu vắc xin” điện tử cấp cho tất cả người dân đã tiêm chủng, có thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng và có QR code. Hộ chiếu này sẽ được hiển thị trên ứng dụng PC Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế. Các cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm rà soát thông tin, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực thông tin của người dân và thực hiện ký số. Hộ chiếu vắc xin gồm 11 trường thông tin (họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vắc xin...). Các thông tin này được hiển thị bằng QR code để bảo mật, tránh sai sót, lộ, lọt thông tin cá nhân.
Đây là chứng nhận tiêm chủng Covid-19 điện tử do Bộ Y tế cấp cho người dân, sử dụng các tiêu chuẩn do Tổ chức Y tế thế giới và Liên minh châu Âu ban hành. Hộ chiếu vắc xin sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh như căn cước, hộ chiếu... và hiển thị thông tin loại vắc xin, số mũi đã tiêm. Thời hạn của hộ chiếu vắc xin điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới. Hộ chiếu vắc xin điện tử của Việt Nam hiện đang được sử dụng tại 62 quốc gia và trong thời gian tới sẽ có thêm các quốc gia khác sử dụng.