Người dân cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định đóng góp từ thiện

Trong thời đại công nghệ số, việc kêu gọi quyên góp từ thiện trở nên dễ dàng nhờ sự phát triển của mạng xã hội. Tuy nhiên, cùng với đó, những vụ việc thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện khiến một bộ phận công chúng bức xúc khi số tiền mình bỏ ra không biết có được sử dụng đúng mục đích hay không.

Thiếu công khai, minh bạch

Hoạt động từ thiện cá nhân vốn xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tinh thần vì cộng đồng. Đáng tiếc là trong thời gian gần đây, việc cá nhân vận động quyên góp từ thiện lại tạo ra những thị phi, chỉ trích trong dư luận. Việc không minh bạch trong hoạt động từ thiện không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân liên quan mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của cộng đồng. Nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu số tiền họ quyên góp có thực sự đến tay những người cần giúp đỡ hay không? Số tiền đó có được sử dụng đúng mục đích hay không?...

Một trong những vụ việc khiến dư luận dậy sóng gần đây là trường hợp của TikToker Phạm Thoại và chị Lê Thị Thu Hòa, mẹ của bé N.P.M.H - một bệnh nhi mắc ung thư máu. Vào cuối năm 2024, Phạm Thoại đã kêu gọi cộng đồng mạng quyên góp để hỗ trợ chi phí điều trị cho bé Bắp, và số tiền thu được lên tới hơn 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 24.2, số dư tài khoản chỉ còn hơn 50 triệu đồng, không hề có một bản sao kê chi tiết nào được công bố.

TikToker Phạm Thoại và chị Lê Thị Thu Hòa bị nhiều người nhắc tên trong "lùm xùm" kêu gọi từ thiện thời gian gần đây

TikToker Phạm Thoại và chị Lê Thị Thu Hòa bị nhiều người nhắc tên trong "lùm xùm" kêu gọi từ thiện thời gian gần đây

Không dừng lại ở đó, mẹ bé Bắp còn bị phản ánh việc sử dụng tiền từ thiện để mua đất, mua xe, bọc răng sứ… làm dấy lên làn sóng phản đối. Trước áp lực từ công chúng, chị Hòa phải lên tiếng phủ nhận và khẳng định toàn bộ số tiền được sử dụng cho việc chữa trị của con trai.

Mới đây, ngày 3.4 TikToker Phạm Thoại công bố “Báo cáo kiểm tra thu chi quỹ từ thiện hỗ trợ bé Nguyễn Phan Minh Hải” do Công ty TNHH Kiểm toán Đại Á Việt Nam (DAVN) lập, nhằm xác minh tính hợp lý và minh bạch của khoản thu chi trong chiến dịch từ thiện, quyên góp ủng hộ bé Bắp. Ngay sau khi Phạm Thoại khẳng định đã hoàn tất việc công khai sao kê từ phía mình thông qua bài đăng, nhiều người lập tức “réo tên” mẹ Bắp, bởi chị Lê Thị Thu Hòa là người trực tiếp nhận - chi số tiền trên.

Đồng thời, cộng đồng mạng cũng cho rằng có một lượng tiền quyên góp rất lớn khác đã được nhiều người gửi về số tài khoản của chị Hòa và những người thân cận, trước và sau khi Phạm Thoại kêu gọi quyên góp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mọi người chỉ nhận được “lời hứa sẽ sao kê” của mẹ Bắp sau khi về Việt Nam.

Người dân cần kiểm chứng thông tin trước khi quyên góp từ thiện

Câu chuyện “sao kê tiền từ thiện” đặt ra vấn đề cần minh bạch hoạt động thiện nguyện để pháp luật được thực thi, phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân trong khó khăn, hoạn nạn.

Hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được kêu gọi từ thiện nhưng phải tuân thủ các điều kiện về hình thức, thủ tục và báo cáo công khai để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng lòng tin của cộng đồng để trục lợi. Nếu cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện không thực hiện đúng quy định, cơ quan chức năng có thể vào cuộc xác minh và xử lý theo pháp luật.

 Cục phó Cục Cảnh sát hình sự Thiếu tướng Tô Cao Lanh (Ảnh: Đình Huy)

Cục phó Cục Cảnh sát hình sự Thiếu tướng Tô Cao Lanh (Ảnh: Đình Huy)

Cục Phó Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an Thiếu tướng Tô Cao Lanh cho biết, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ những trường hợp khó khăn, gặp bệnh hiểm nghèo là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần tuân thủ quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP.

“Đối với những vụ việc được dư luận xã hội quan tâm đều được Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương theo dõi sát. Bộ Công an sẽ tiếp nhận, giải quyết khi có cá nhân, tổ chức gửi tin báo tố giác tội phạm liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật” Thiếu tướng Tô Cao Lanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Tô Cao Lanh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định đóng góp từ thiện, tránh bị các đối tượng xấu, tội phạm lừa đảo. Đồng thời, kiểm tra thông tin kỹ lưỡng và lựa chọn ưu tiên đóng góp cho các quỹ từ thiện, tổ chức xã hội có uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép và hoạt động minh bạch.

Nếu phát hiện dấu hiệu không minh bạch, hành vi lợi dụng kêu gọi từ thiện để lừa đảo, người dân có quyền yêu cầu giải trình hoặc báo cáo cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời hoặc tố giác tội phạm ngay cho công an địa phương để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguoi-dan-can-kiem-chung-ky-luong-thong-tin-truoc-khi-quyet-dinh-dong-gop-tu-thien-post409950.html