Người dân cản trở doanh nghiệp sản xuất: Thêm cái khó cho nhà đầu tư

Đại diện Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng Lào Cai cho biết, vừa qua có một số người dân thôn Cốc Lầy, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng ngăn cản công nhân của công ty chăm sóc, bảo vệ cây cao su do liên quan đến quyền sử dụng đất. Dù đây không phải là sự việc căng thẳng, phức tạp nhưng qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy có những bất cập trong việc bố trí giao đất trồng cao su cho doanh nghiệp. Điều đáng nói là sự việc này đã tồn tại qua nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Vũ Đức Cường từng cản trở doanh nghiệp chăm sóc cây cao su trên phần đất cấp cho gia đình ông.

Ông Vũ Đức Cường từng cản trở doanh nghiệp chăm sóc cây cao su trên phần đất cấp cho gia đình ông.

Bỗng nhiên đất “về tay” doanh nghiệp

Ông Vũ Đức Cường, ở thôn Cốc Lầy, xã Bản Phiệt cho biết: Gia đình ông có 24.000 m2 đất rừng, phần đất này không tranh chấp với ai, gia đình vẫn sản xuất bình thường trên mảnh đất đó hàng chục năm. Đến khoảng năm 2013 hoặc 2014, cán bộ xã, huyện, đại diện doanh nghiệp đến thông báo khu đất này là của Nhà nước và yêu cầu ông Cường khẩn trương thu hoạch hoa màu, “trả lại đất để giao cho doanh nghiệp”.

Cán bộ nói vậy thì ông Cường biết vậy nên đành ngậm ngùi dỡ đồi sắn khi củ sắn mới bằng cỡ chuôi liềm, bởi thế năng suất thấp.

Ông Cường nhớ rõ, chừng ấy diện tích mà lúc đó ông chỉ được nhận tiền hỗ trợ hoa lợi 12 triệu đồng, tiền công gia đình giải phóng mặt bằng, phát dọn đất được trả 4 triệu đồng/ha.

Năm sau thì doanh nghiệp bắt đầu trồng cao su trên khoảnh đất gia đình ông Cường trả lại. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2016, gia đình ông Cường nhận được thông báo đến trụ sở UBND xã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Lần giở, hỏi han khắp nơi, cuối cùng ông phát hiện chính khoảnh đất mà gia đình ông canh tác bấy lâu đã bị thu hồi giao cho doanh nghiệp trồng cao su nay lại có GCNQSDĐ mang tên ông. Điều lạ lùng là tấm GCNQSDĐ đó được UBND huyện Bảo Thắng cấp năm 2012, “di chuyển” qua quãng đường khoảng 40 km đến tay dân mà mất tới 4 năm đằng đẵng. Cần nhấn mạnh là chính trong thời gian đó, vì không có GCNQSDĐ mà ông Cường phải ngậm ngùi thu sắn non để “trả lại đất cho Nhà nước”, trong khi nó thuộc về ông. Sau nhiều lần đòi đất, tìm cách giải quyết không thành, cuối tháng 10 vừa qua, ông Cường đã tham gia việc cản trở doanh nghiệp chăm sóc cây cao su để gây sức ép nhằm đạt quyền lợi.

Cũng tại thôn Cốc Lầy, vợ chồng anh Lại A Siểng, chị Trần Thị Nhị đang sản xuất bình thường trên diện tích 27.500 m2 đất đồi, bỗng nhiên cũng nhận được yêu cầu bàn giao lại đất để cho doanh nghiệp trồng cao su. Chưa được cấp GCNQSDĐ nên gia đình anh Siểng đành thu hoạch non và phá dỡ cây trồng để giải phóng mặt bằng. Rất lâu sau, gia đình anh cũng được xã gọi ra nhận GCNQSDĐ với thời điểm cấp là năm 2012. Tuy nhiên, lúc này mảnh đất của anh đã được phủ xanh bằng 26.200 m2 cây cao su của doanh nghiệp. Từ đó, hành trình đòi đất của anh Siểng, chị Nhị kéo dài cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Với những trường hợp như gia đình ông Cường, anh Siểng, theo rà soát, thống kê của UBND xã Bản Phiệt và cơ quan chức năng huyện Bảo Thắng, hiện thôn Cốc Lầy có 10 hộ được cấp quyền sử dụng 16 thửa đất với tổng diện tích 180.000 m2, trong đó có 101.000 m2 cây cao su của doanh nghiệp. Tại thôn Làng Chung, có 5 hộ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi bị mất gần 7.000 m2 đất; 13 hộ tại thôn Làng Ói bị mất sinh kế khi 33.500 m2 đất sản xuất “bỗng nhiên” thành đất của doanh nghiệp.

Thêm cái khó cho doanh nghiệp

Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Dầu Tiếng Lào Cai (viết tắt là Công ty Dầu Tiếng Lào Cai) cho biết: Việc bị người dân đòi lại đất, cản trở chăm sóc cây cao su đang khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó khăn.

Hiện nay, một số diện tích cao su đã đến tuổi khai thác mủ nhưng Công ty Dầu Tiếng Lào Cai phải chờ đến năm 2020 sẽ thu hoạch trên diện tích khoảng 300 ha, sau đó vận chuyển sang Sơn La chế biến hoặc bán mủ tươi tại chỗ nếu thỏa thuận được với đối tác. Do giá bán sản phẩm vẫn quá thấp nên việc tính toán và triển khai khai thác mủ cao su đang được công ty cân nhắc.

Trở lại vấn đề đất đai, khi được giao nhận đất trồng cao su, Công ty Dầu Tiếng Lào Cai không biết trong đó có đất của người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dần dà, qua các năm, doanh nghiệp liên tục bị người dân đòi đất ở cả huyện Bảo Thắng và huyện Bát Xát. Công ty Dầu Tiếng Lào Cai đã có nhiều buổi làm việc với chính quyền xã Bản Vược, xã Trịnh Tường và UBND huyện Bát Xát để giải quyết diện tích đất cấp chồng chéo giữa doanh nghiệp và các hộ dân.

Riêng tại xã Bản Vược, có khoảng 2/3 diện tích đất giao cho Công ty Dầu Tiếng Lào Cai trồng cây cao su nay lại được xác định là đất của người dân địa phương.

Khó khăn cơ bản chưa được giải quyết thì nay doanh nghiệp lại phải chia sẻ lợi ích với người dân. Hiện Công ty Dầu Tiếng Lào Cai đã ký hợp đồng ăn chia hoa lợi với 71 hộ có diện tích đất chồng chéo, tập trung tại xã Bản Vược, xã Trịnh Tường (Bát Xát) và xã Thái Niên, xã Bản Phiệt (Bảo Thắng). Tuy nhiên, cái khó là đa số các hộ tại thôn Cốc Lầy, xã Bản Phiệt chưa đồng thuận để ký hợp đồng ăn chia hoa lợi trên phần đất bị chiếm dụng bởi người dân nêu ra 2 hướng giải quyết đều gây bất lợi cho doanh nghiệp, đó là: Giải phóng cây cao su để trả lại đất cho dân và đền bù thiệt hại trong các năm người dân bị “thu nhầm” đất, hoặc Công ty Dầu Tiếng Lào Cai phải “mua đứt” diện tích đất nói trên theo giá thỏa thuận với bà con.

Rõ ràng, sự cẩu thả, tắc trách ở khâu, bộ phận nào đó đã mang đến khó khăn cho doanh nghiệp và những bức xúc, thiệt hại cho người dân. Vấn đề này cần sớm được các cấp, ngành chức năng ở địa phương tháo gỡ, giải quyết theo hướng hợp lý đối với cả nhà đầu tư và các hộ có đất.

Cao Cường - Tất Đạt

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nguoi-dan-can-tro-doanh-nghiep-san-xuat-them-cai-kho-cho-nha-dau-tu-z3n20191121132750106.htm