Người dân chật vật thắt chặt chi tiêu trước 'bão giá'

Giá xăng tiếp tục tăng kéo theo loạt hàng hóa tăng theo khiến người dân lao đao trước cơn 'bão giá', nhiều người dân có thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu hơn so với trước đây.

Theo đó, chiều 21/6, giá xăng lại tiếp tục tăng, cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 190 đồng, RON 95-III tăng 500 đồng và dầu tăng 380-990 đồng một lít. Trước tình hình này này, loạt hàng hóa, thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá theo do chi phí vận chuyển tăng khiến nhiều người lao động thu nhập thấp, sinh viên…chật vật thắt chặt chi tiêu.

Cụ thể, tại các chợ truyền thống ở TP HCM trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve có giá từ 27.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg,... Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... cũng tăng giá ở mức tương tự.

Giá cả tại các chợ truyền thống tăng cao, thay đổi liên tục khiến người dân lao đao trước "bão giá".

Giá cả tại các chợ truyền thống tăng cao, thay đổi liên tục khiến người dân lao đao trước "bão giá".

"Giá lên xuống liên tục thất thường lắm, nhiều mặt hàng tăng cao quá không bán được. Người dân người ta cũng mua ít lại vì giá tăng nhưng chi phí sinh hoạt vẫn thế khiến buôn bán cũng ế ẩm hơn trước", cô Hồng, tiểu thương bán rau tại chợ truyền thống chia sẻ.

Chị Hồng Cúc (công nhân tại huyện Hóc Môn, TP HCM) chia sẻ, tuy nơi chị ở trọ gần nơi làm việc nên tiết kiệm được chi phí đi lại, tuy nhiên, vài tháng qua, chi phí ăn uống của 2 vợ chồng lại tăng nhiều.

"Đợt xăng tăng mấy lần đầu tôi vẫn chưa thấy giá cả tăng quá cao, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thế nhưng những tháng gần đây giá cả tăng phải nói chóng mặt, tăng từng ngày khiến chi phí sinh hoạt của 2 vợ chồng phát sinh một khoảng. Tôi và chồng phải tìm cách tiết kiệm hơn, ăn uống không thoải mái như trước để dành dụm tiền gửi về quê nuôi con. Suốt hơn 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, khó khăn lắm vợ chồng mới vượt qua được, nay bớt dịch thì gặp cảnh "bão giá"", chị Cúc chia sẻ.

Bạn Ngọc Quyền (quận Gò Vấp, sinh viên năm 3) chia sẻ, để có thể trang trải được cuộc sống thời "bão giá", bạn phải cắt giảm nhiều chi tiêu để sinh hoạt phí mỗi tháng đúng bằng số tiền ba mẹ từ quê lên như trước giờ.

"Mỗi tháng ngoài tiền nhà trọ, cha mẹ cho em khoảng 3 triệu đồng tiền sinh hoạt phí. Trước kia với số tiền này em sinh hoạt khá thoải mái nhưng hiện tại có khi bị hụt nên em phải cắt giảm một số chi tiêu như ăn uống những món đơn giản, hạn chế đi chơi với bạn bè, hạn chế uống trà sữa và chỉ di chuyển bằng xe ôm công nghệ khi thật sự cần thiết còn bình thường em chỉ di chuyển bằng xe buýt", bạn Quyền chia sẻ.

Theo Sở Công Thương TP HCM, 5 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ). Tiêu thụ hàng hóa của người dân chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát khiến người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.

Ngọc Quyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/nguoi-dan-chat-vat-that-chat-chi-tieu-truoc-bao-gia-172220621162151434.htm