Người dân chật vật trước cơn 'bão' giá

'Thắt lưng buộc bụng', cắt giảm bớt chi phí sinh hoạt không cần thiết là cách nhiều người dân giải bài toán chi tiêu trong cơn 'bão' giá hiện nay.

Muôn vạn kiểu tiết kiệm

Người phụ nữ dắt chiếc xe đạp chở đồ phế liệu cồng kềnh dựng sát lề đường Tuyên Quang vào quán mua bánh canh chả cá mang về. Tay cầm sẵn 18.000 đồng trả tiền, chủ quán nhỏ nhẹ: “Bánh canh chả cá cháu tăng thêm 4.000 đồng mỗi tô từ sau tết do giá cả cái gì cũng tăng lên. Cô thông cảm…”. Móc túi trả thêm cho phần ăn mà nét mặt người phụ nữ mặc chiếc áo cũ nhàu kém vui. Chị là Nguyễn Thị Lan làm nghề thu mua ve chai dạo bán cho các vựa ở TP. Phan Thiết. Chị Lan than thở: Sau tết giá cả leo thang cuộc sống gia đình tôi chật vật hơn, nếu giá cứ tiếp tục nhích lên như này lo sẽ đói. Trước đây, đi mua ve chai dạo tôi còn chạy chiếc xe Wave, từ ngày xăng vọt lên 30.000 đồng/lít tôi đổi qua đi xe đạp để tiết kiệm mới đủ chi tiêu nuôi con ăn học, đóng tiền thuê nhà trọ. Nghề này thu nhập bấp bênh vậy mà cái gì cũng tăng, đi chợ, mua đồ ăn như đánh rơi tiền”. Mong muốn giữ ổn định các khoản chi tiêu như trước đây, vợ chồng chị Đỗ Thị Ngọc Hà làm công nhân may tại Khu công nghiệp Phan Thiết đã cắt giảm bớt tiền đi chợ mỗi ngày 10.000 – 15.000 đồng bù vào giá xăng, giá gas tăng. “Tôi mới đổi bình gas lên nửa triệu đồng một bình phát hoảng. Đi chợ thấy cái gì rẻ là mua, thay vì trước đây bữa ăn đầy đủ thịt cá, để giảm tiền chợ tôi chuyển sang mua tàu hủ, đậu phộng bổ sung chất đạm. Số tiền tiết kiệm mỗi ngày bù thêm vô tiền gas, xăng xe đi lại”.

Người dân tính toán cách tiết kiệm chi tiêu trong cơn "bão giá"

Người dân tính toán cách tiết kiệm chi tiêu trong cơn "bão giá"

Khảo sát của phóng viên tại các chợ, tiệm tạp hóa, giá nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã áp dụng tăng giá bán. Cụ thể, giá gas bán lẻ đã tăng 42.000 đồng/bình 12kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng đang ở mức 480.000 - 520.000 đồng/bình 12kg (tùy loại). Rau xanh, trứng gia cầm các loại cũng đều nhích lên 2.000 – 3.000 đồng; thịt heo cũng tăng lên như thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg; sườn từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg… Giá hàng hóa leo thang khiến hầu bao của người tiêu dùng bị bào mòn mạnh.

Linh hoạt thích ứng thực tế

Chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Phú Thủy, TP.Phan Thiết cho biết: “Các mối buôn liên tục báo giá tăng như mì Omachi đợt đầu năm nhập vào là 180.000 đồng/thùng giờ tăng lên 200.000 đồng/thùng; dầu ăn đậu nành từ 600.000 lên 630.000 đồng/thùng 6 chai 2lít, cháo Gấu đỏ từ 140.000 đồng lên 150.000 đồng/thùng… Họ bảo xăng dầu tăng giá nên giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá bán cũng tăng. Giá nhập vào tăng nên buộc phải điều chỉnh giá bán ra nếu không sẽ không có lãi chứ thực sự tôi cũng không muốn tăng giá. Giá tăng thì bán chậm hơn vì giá cao mà thu nhập người ta cũng chừng đó buộc nhiều người phải cắt giảm chi tiêu”. Trò chuyện với chủ một điểm bán rau, quả nông sản Đà Lạt tại chợ Phú Thủy, chị thật thà chia sẻ: “Mỗi năm tiền cước vận chuyển tôi với nhà xe Thành Bưởi mỗi ngày hơn 600.000 đồng/ngày, tương đương mỗi năm 200 triệu đồng. Dù ảnh hưởng của giá xăng, nhà xe chia sẻ giữ giá cước, rau xanh để vẫn bán giá cũ còn giữ khách chứ”.

Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy giá xăng dầu tăng ảnh hưởng phần nào tới giá cả các mặt hàng, nhưng phân tích kỹ có thể thấy tác động không quá lớn như thực tế đang diễn ra là tốc độ tăng giá của nhiều loại hàng hóa tăng nhanh. Sự lan tỏa của yếu tố tâm lý trước thực tế giá xăng tăng cao khiến giá hàng hóa tăng theo. Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc giá tăng còn do người bán “làm giá” cao kiểu “té nước theo mưa”. Việc giá hàng hóa tăng cao lần này không giống như những lần lạm phát trước đây, hàng hóa khan hiếm khiến giá cả leo thang. Hiện hàng hóa rất dồi dào trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập hạn chế. Vì vậy, các ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá hỗ trợ người dân, đặc biệt người thu nhập thấp và bảo đảm kiểm soát thị trường.

Doanh nghiệp linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian để giữ giá sản phẩm, kích cầu (ảnh minh họa)

Doanh nghiệp linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian để giữ giá sản phẩm, kích cầu (ảnh minh họa)

Thời gian qua, dịch Covid – 19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với mọi thay đổi từ thực tế như linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian để giữ giá sản phẩm sẽ giữ chân khách hàng. Về người dân, biết từ bỏ thói quen tiêu dùng cũ và điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn đồng lòng vượt qua khó khăn.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguoi-dan-chat-vat-truoc-con-bao-gia-96033.html