Người dân châu Âu kiệt sức vì Covid-19

Sức khỏe suy kiệt, nỗi đau thương mất mát người thân... là hiện thực mà 20 triệu người nhiễm virus ở châu Âu phải đối mặt.

Zing trích dịch bài đăng từ South China Morning Post, đề cập đến những thay đổi về sức khỏe thể chất, tinh thần của người dân châu Âu trong đại dịch.

Cũng như hàng triệu người Đức khác, Max Sprick (33 tuổi, ở thành phố Munich) tin rằng ra ngoài cùng bạn bè vẫn an toàn, miễn là họ tuân thủ quy tắc giãn cách xã hội.

Vì vậy, anh đã đi ăn tối cùng 3 người bạn. 6 ngày sau, anh nhận kết quả dương tính với Covid-19.

“Tôi thấy mệt mỏi hơn thông thường và cực kỳ khó thở. Tôi sợ rằng mình không thể thở nổi mỗi lần đi ngủ”, anh kể lại.

 Số ca nhiễm mới ở châu Âu vẫn tăng chóng mặt. Ảnh: AP.

Số ca nhiễm mới ở châu Âu vẫn tăng chóng mặt. Ảnh: AP.

Đánh mất sức khỏe

Trước khi nhiễm virus corona, Max không có lý do gì để lo sợ dịch bệnh. Ngay từ đầu, đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền, chứ không phải một người đàn ông khỏe mạnh, chạy bộ 130 km/tuần như anh.

Vậy mà giờ đây, anh không thể đi lại từ phòng này qua phòng khác trong chính ngôi nhà của mình.

“Tôi phải thừa nhận mình đã đánh giá thấp Covid-19. Trước đây, tôi có thể chạy bền nhiều km, giờ mỗi bước đi là một thử thách. Tôi không thể đi bộ từ phòng ngủ sang phòng bếp nếu không dừng lại vài lần để nghỉ ngơi và hít thở sâu”, Max chia sẻ.

Max là một trong số hơn 20 triệu người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu Âu kể từ khi bùng dịch. Những trường hợp đầu tiên có chung nguồn lây từ thị trấn trượt tuyết Ischgl ở nước Áo. Hàng trăm du khách được cho là đã bị phơi nhiễm, đem virus trở về nhà và làm lây lan trên khắp lục địa này.

 Mùa hè vừa qua là thời điểm nhiều người dân châu Âu chủ quan trong việc phòng chống dịch. Ảnh: Reuters.

Mùa hè vừa qua là thời điểm nhiều người dân châu Âu chủ quan trong việc phòng chống dịch. Ảnh: Reuters.

Elisabeth Schmitten, biên tập viên người Đức, bị nhiễm virus ở thị trấn Tyrol gần đó.

“Vào ngày thứ 5 của kỳ nghỉ, tôi và chị gái cảm thấy triệu chứng như cảm lạnh. Cả hai đều bị ho và sổ mũi nhưng không có gì nghiêm trọng. Do vậy, chúng tôi không mấy lo lắng. Chẳng ai nghĩ mình lại mắc Covid-19”, cô nói.

Khi trở về nhà, Elisabeth bất ngờ nhận kết quả dương tính và phải mất 5 tuần để hồi phục. Giống như nhiều người khác, cô không biết sức khỏe của mình sẽ ra sao trong tương lai.

“Sau 7 tháng, nhiều khi tôi vẫn khó thở. Nhịp thở của tôi dường như đã thay đổi rõ rệt. Khả năng chơi thể thao của tôi cũng giảm sút, không được như trước”, cô kể.

Chính quyền xử lý chậm chạp

Công tác đối phó dịch bệnh của chính phủ là yếu tố quan trọng. Nhưng ngay cả tại bang Bavaria (Đức), nơi thủ hiến Markus Söder được đánh giá làm tốt vai trò lãnh đạo của mình, việc xử lý chậm trễ của chính quyền khiến Max cảm thấy sốc.

“Khi bạn tôi nhận được kết quả dương tính, anh ấy đã nói với Bộ Y tế rằng đã đi chơi cùng với tôi. Nhưng tận 4 ngày sau, bộ mới gọi điện và báo cho tôi thông tin đó. Nếu tôi không ở nhà, tôi hoàn toàn có thể lây lan virus trong 4 ngày đó”, Max kể lại.

Anh cũng cảm thấy bực bội với ứng dụng báo cáo Covid-19 của Đức. “Tôi không thể truy cập và thông báo về việc mình nhiễm virus. Nó không hoạt động được, dù tôi đã thử nhiều lần”, anh nói.

 Giãn cách xã hội trong nhà hàng vẫn không đủ để phòng tránh dịch. Ảnh: AFP.

Giãn cách xã hội trong nhà hàng vẫn không đủ để phòng tránh dịch. Ảnh: AFP.

Tất cả những gì Max có thể làm lúc này là chia sẻ về thời gian mắc bệnh đau đớn của mình để nâng cao nhận thức của mọi người.

“Ở đợt phong tỏa đầu tiên vào màu xuân, tôi chấp hành mọi quy tắc, ở nhà cả ngày và không gặp gỡ ai cả. Nhưng khi mùa hè đến, số ca nhiễm mới giảm hơn trước, cộng thêm thời nắng đẹp, tôi lại bất cẩn”, Max thừa nhận.

Với một số người, những thay đổi trong năm 2020 kèm theo cái giá quá đắt. Cuối tháng 3, khi Pedro nghe điện thoại từ bố (76 tuổi), anh biết được rằng ông đang sốt và khó thở. Anh vội vàng trở về nhà ở Barcelona (Tây Ban Nha). Và đó là lần cuối cùng Pedro gặp bố trước khi ông ấy qua đời vì Covid-19.

Bố của Pedro sớm được chẩn đoán nhiễm virus corona và bị viêm nhiễm ở hai bên phổi. Ông còn không có cơ hội tạm biệt gia đình mình.

“Từ hôm ấy, tôi liên tục nghĩ đến việc mình chết cô độc trong phòng bệnh viện mà không có cách nào nói lời từ biệt với người thân yêu. Các bản tin và truyền hình không phản ánh được hết sự việc. Cả ngày họ chỉ nói về cùng một thứ: số ca nhiễm, tử vong, bệnh viện quá tải”, Pedro cho biết.

Anh nói thêm: “Nỗi sợ của chúng ta về virus giết người trong các bộ phim giả tưởng đã trở thành hiện thực vào năm 2020”.

Xã hội thay đổi

Ngay cả với những người chỉ có triệu chứng Covid-19 nhẹ như Tilly và 4 người bạn cùng phòng của cô ở Đại học Exeter (Anh), năm 2021 sẽ là một sự thay đổi mới.

 Sinh viên chịu không ít ảnh hưởng từ đại dịch. Ảnh: Getty Images.

Sinh viên chịu không ít ảnh hưởng từ đại dịch. Ảnh: Getty Images.

Trong lúc cách ly ở ký túc xá, hàng xóm phòng Tilly, cũng như bạn bè của cô, thường xuyên liên lạc xem họ có cần thức ăn hay đồ dùng gì không.

“Chúng tôi cảm thấy biết trân trọng cuộc sống khi thoát khỏi đại dịch này. Tôi biết ơn từ những điều nhỏ nhặt nhất. Thời gian qua, tôi được chứng kiến nhiều khía cạnh đẹp của xã hội nói chung. Dường như, mọi người xích lại gần nhau hơn”, cô nói.

Ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn, đề cao tập thể trên cá nhân sẽ là xu hướng nổi bật ở châu Âu trong thập kỷ tới, theo quan điểm của các nhà xã hội học.

Sự thay đổi đang diễn ra trên khắp thế giới nói chung, châu Âu nói riêng, từ việc không tin tưởng vào hiệu quả của khẩu trang đến hình thành thói quen đeo chúng mỗi ngày, tụ tập ở quán rượu đến học cách pha chế cocktail trên YouTube, lên văn phòng mỗi ngày đến làm việc trực tuyến…

“Các chuẩn mực xã hội đang thay đổi do đại dịch. Ngay cả nghi thức bắt tay khi chào hỏi cũng bị lược bỏ. Tuy nhiên, tôi thấy khoảng cách giữa con người với nhau ngày càng lớn hơn. Họ nghi ngờ lẫn nhau và tôi nghĩ điều đó không lành mạnh cho lắm”, Max nói.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-chau-au-kiet-suc-vi-covid-19-post1167075.html