Người dân chạy trốn khỏi ngoại ô Yangon lo sợ quân đội Myanmar đàn áp
Hàng nghìn dân thường đã chạy trốn khỏi một vùng ngoại ô công nghiệp của cố đô Yangon vào thứ Ba (16/3), khi nơi này bị chính quyền cầm quyền ra lệnh thiết quân luật sau các cuộc biểu tình chống đảo chính đẫm máu vào cuối tuần.
Những người dân bắt đầu chạy trốn khỏi khu vực bị thiết quân luật ở cố đô Yangon - Ảnh: AP
Bài liên quan
Cảnh sát, lính cứu hỏa Myanmar tìm đường vượt biên sang Ấn Độ
Myanmar: Cảnh sát tiếp tục nổ súng vào các cuộc biểu tình, thêm 6 người thiệt mạng
Ít nhất 39 người thiệt mạng ở Myanmar hôm Chủ nhật
Chạy trốn
“Ở đây giống như một vùng chiến sự, họ đang bắn khắp nơi”, một người tổ chức lao động ở quận Hlaing Tharyar cho biết và nói rằng hầu hết cư dân đều rất hoảng sợ khi ra ngoài.
Hơn 40 người đã thiệt mạng bởi lực lượng an ninh trong các cuộc biểu tình ở Hlaing Tharyar vào Chủ nhật (14/3) và một số nhà máy đã bị đốt cháy. Gia đình của nhiều nạn nhân đã tham dự lễ tang của họ hôm thứ Ba (16/3).
Hàng chục đám tang đã được tổ chức tại Yangon vào thứ Ba (16/3). Hàng trăm người thương tiếc đổ ra đường trong đám tang của sinh viên y khoa Khant Nyar Hein, người đã thiệt mạng hôm Chủ nhật (14/3), ngày đẫm máu nhất cho đến nay trong nhiều tuần biểu tình.
Ít nhất một người biểu tình nữa đã bị bắn chết hôm qua tại thị trấn trung tâm Kawlin.
Những người biểu tình giơ những bức ảnh của Suu Kyi - nhà đấu tranh nổi bật nhất của Myanmar về dân chủ trong hơn ba thập kỷ - và kêu gọi chấm dứt đàn áp trong cuộc biểu tình ở thị trấn phía nam Dawei vào thứ Ba, hãng truyền thông Dawei Watch đưa tin.
Nhiều cư dân của Hlaing Tharyar, một vùng ngoại ô nghèo, nơi sinh sống của người di cư và công nhân, đã chạy trốn hôm thứ Ba, mang theo đồ đạc của họ trên xe máy và xe tuk-tuk sau khi quân đội đặt Hlaing và năm quận khác ở Yangon dưới tình trạng thiết quân luật.
Hai bác sĩ địa phương nói rằng vẫn còn những người bị thương cần được chăm sóc y tế trong khu vực, nhưng quân đội đã phong tỏa các lối vào.
Matthew Smith, người đứng đầu nhóm Fortify Rights, cho biết trên Twitter: “Chúng tôi được cho là có thể có hàng chục người khác bị giết trong #HlaingTharYar hôm nay. Các phương tiện khẩn cấp không thể tiếp cận khu vực do bị tắc đường”.
Internet di động bị tắt hoàn toàn khiến việc xác minh thông tin trở nên khó khăn và đại đa số người dân Myanmar không có quyền truy cập WiFi. Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời các cuộc điện thoại để tìm kiếm bình luận.
Người biểu tình bỏ chạy trước sự săn đuổi của lực lượng an ninh ở Yangon, Myanmar, ngày 16/3 - Ảnh: AP
EU sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt, Trung Quốc lên tiếng
Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội tổ chức cuộc đảo chính chống lại chính phủ được bầu vào ngày 1 tháng 2, bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các thành viên khác trong đảng của bà, khiến quốc tế lên án rộng rãi.
Pháp cho biết Liên minh châu Âu sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt chống lại những kẻ đứng sau cuộc đảo chính vào thứ Hai tuần tới.
Trong khi đó, chính quyền quân sự buộc tội phản quốc đặc phái viên quốc tế của chính phủ bị lật đổ - tiến sĩ Sasa - vì đã khuyến khích một chiến dịch bất tuân dân sự và kêu gọi các biện pháp trừng phạt, truyền hình quân đội điều hành cho biết. Các cáo buộc có thể có bản án tử hình.
Tiến sĩ Sasa - người không ở trong nước - cho biết ông tự hào vì đã được buộc tội. “Những viên tướng này ngày nào cũng có hành vi phản quốc. Lấy những gì họ muốn cho bản thân, từ chối quyền của người dân và đàn áp những người cản đường họ”, ông nói trong một tuyên bố.
Hơn 180 người biểu tình đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh cố gắng dập tắt làn sóng biểu tình, theo nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Trước đó, Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), một kênh tiếng Anh quốc tế của Trung Quốc, đã cảnh báo về các cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào các doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ sau khi hơn 30 nhà máy ở Hlaing Tharyaran bị đốt cháy hôm Chủ nhật (14/3).
“Trung Quốc sẽ không cho phép các lợi ích của mình bị xâm phạm thêm. Nếu các nhà chức trách không thể giải quyết và tình trạng hỗn loạn tiếp tục lan rộng, Trung Quốc có thể buộc phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ lợi ích của mình”, CGTN cho biết.
Khi được hỏi hành động quyết liệt có thể có ý nghĩa gì, phái đoàn của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc tại New York đã nhắc về các tuyên bố trước đây của Trung Quốc nói rằng chính quyền Myanmar phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ công dân và doanh nghiệp Trung Quốc.