Người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến
Thời gian qua, Thái Nguyên đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã, xây dựng Cổng Dịch vụ công (DVC), nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2021, có trên 80% DVC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Đến năm 2025, trên 90% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Để cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 19/02/2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố danh mục DVCTT mức độ 4 đối với 1.231 TTHC ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
DVCTT mức độ 4 cho phép người sử dụng nộp hồ sơ trực tiếp qua mạng Internet cho bộ phận “Một cửa”. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến tận tay người dân. Để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, nhiều địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về việc nộp hồ sơ trực tuyến. Việc triển khai đồng bộ DVCTT mức độ 3, 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình gửi và nhận hồ sơ; tăng tính công khai, minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ; tránh được sự phiền hà, nhũng nhiễu của người được giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết TTHC. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ đầu năm đến ngày 18/4/2021, số lượng hồ sơ DVCTT mức 3, 4 là 8.960/207.572, đạt tỷ lệ 23,17%.
Đồng chí Hoàng Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Bảo Linh (Định Hóa) cho rằng: Người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn có thói quen sử dụng hồ sơ giấy; một số khác có tâm lý không yên tâm về tính bảo mật khi giấy tờ gửi qua đường bưu điện. Song rào cản rất lớn nhất hiện nay là trình độ tiếp cận CNTT ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế. Bên cạnh đó, thành phần hồ sơ hiện còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân trong quá trình tiếp cận DVCTT. Các cơ sở dữ liệu Quốc gia chưa hoạt động (dữ liệu dân cư, chữ ký số công cộng… ), dẫn tới tính pháp lý trên môi trường điện tử của hồ sơ trực tuyến còn hạn chế. Mặt khác, thiết bị đầu cuối để chuyển hồ sơ trực tuyến của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu…
Trước thực tế trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền về sử dụng DVCTT cho người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục để người dân dễ tiếp cận... Tuy nhiên, điều quan trọng trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số là các địa phương phải thực hiện hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, Internet cho người dân. Đồng thời, đầu tư nâng cấp đường truyền Internet công cộng, hệ thống wifi miễn phí tại các khu vực đông dân cư, để người dân tiếp cận dịch vụ một cách thuận tiện nhất.