'Người dân còn quan tâm, ngành giáo dục còn may mắn'
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục, sáng 31/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dứt khoát tư tưởng đổi mới phải từ trong ngành giáo dục, ra đến giáo viên rồi ra xã hội và từ trên xuống dưới. Giáo dục phát triển, đất nước mới có tương lai.
Được tổ chức vào ngày cuối cùng tháng 10/2020, hội nghị toàn quốc ngành không chỉ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 mà còn khái quát lại chặng đường hơn 6 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kết quả rõ nét sau 6 năm đổi mới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng năm học 2019-2020, ngành giáo dục đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, kế thừa kết quả của những năm học trước, đạt được những kết quả rõ nét.
Đơn cử, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục đã hoàn thành lộ trình 6 năm thực hiện đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách chủ động. Với hình thức học trực tuyến, đã thay đổi rất mạnh mẽ phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh không còn một chiều mà có nghiên cứu, tương tác, cách suy nghĩ độc lập.
Nhìn lại quá trình 6 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ, Phó Thủ tướng đánh giá ngành giáo dục đã có những bước tiến bộ rõ nét trong đổi mới từ hệ thống giáo dục đến khung trình độ, đến chương trình, SGK, đội ngũ giáo viên, công tác quản lý nhà nước, quản trị đại học, hợp tác quốc tế…
Chúng ta bắt đầu cho phép dạy cao đẳng từ các cháu tốt nghiệp PTCS, dạy văn hóa trong các trường nghề hay đổi mới đào tạo bác sĩ… Đây là cả quá trình đổi mới hệ thống, khung trình độ tương thích theo quốc tế.
Qua 6 năm, cơ sở vật chất giáo dục từ mầm non đến đại học có những bước tiến rất lớn, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Không chỉ các cơ sở giáo dục công lập mà nhiều trường phổ thông, đại học tư thục đã được đầu tư, xây dựng với tầm nhìn và tiêu chuẩn quốc tế.
Ngành giáo dục lựa chọn thi cử là khâu đột phá, nhưng đặt trong tổng thể công tác kiểm định, đánh giá học sinh, sinh viên cũng có nhiều đổi mới. Đơn cử, đối với giáo dục tiểu học, trước đây cách đánh giá bằng điểm đã tạo sự ganh đua, chạy theo điểm số giữa các em học sinh nhưng sau này ngành giáo dục đổi mới đánh giá để các cháu tự nỗ lực so với chính mình, đúng xu thế của thế giới một cách rất nhân văn.
Hay với việc ứng dụng công nghệ thông tin, hàng chục cuốn sổ quản lý tại các trường học đã được thay thế bằng những phần mềm cập nhật thông tin trực tiếp đến phòng giáo dục quận/huyện, sở giáo dục và tới tận Bộ GD&ĐT, góp phần cải cách hành chính trong hệ thống giáo dục tốt hơn rất nhiều.
Một trong những kết quả nổi bật của đổi mới giáo dục là thực hiện tự chủ đại học. Dù rằng con đường này còn tiếp tục nhưng kết quả ban đầu rất tốt, chứng minh được tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Cùng với đó là sự phát triển đa dạng của các mô hình xã hội học tập, học ngoài nhà trường, các phong trào học tập của hội khuyến học và cả xã hội.
Chỉ số đổi mới sáng tạo, giáo dục phổ thông của Việt Nam được xếp hạng trong nhóm 50 nước đứng đầu thế giới. Giáo dục đại học từ chỗ đứng ngoài 100 nước được xếp hạng thì đến nay chúng ta đang ở vị trí 70. Giáo dục nghề nghiệp cũng có tên trong 100 nước. Qua đó, góp phần tạo nên sức hút đầu tư của đất nước.
“Những kết quả đó cho thấy sau 6 năm thực hiện đổi mới, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả rất toàn diện, qua đó khẳng định Nghị quyết 29/NQ-TƯ rất đúng hướng”, Phó Thủ tướng nói.
Làm nên những kết quả đó là nỗ lực, tâm huyết của hơn 1,3 triệu giáo, hàng triệu cựu giáo viên; sự ưu ái, quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự quan tâm, đôi lúc là thôi thúc, gay gắt, từ các hội, đoàn thể, đặc biệt là hội khuyến học, các doanh nghiệp, và toàn thể nhân dân với mong muốn về nền giáo dục tốt hơn, đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Bình tĩnh nhìn nhận bất cập, hạn chế
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, giáo dục luôn luôn có bất cập và phải nhìn nhận rất bình tĩnh và biện chứng đối với những vấn đề như trường lớp, biên chế, chế độ lương cho giáo viên, một số vụ việc tiêu cực, sự cố thi cử… gắn với điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng nêu 2 ví dụ cho thấy đổi mới giáo dục là một quá trình không thể đổi mới ngay trong 1 năm được. Như lộ trình đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng kéo dài 6 năm và trong khi thực hiện có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm đòi bỏ kỳ thi này.
Đổi mới sách giáo khoa (SGK) cũng phải thực hiện “cuốn chiếu” 5 năm mới xong và lúc chưa hoàn thành, giống như đổi mới thi, bao giờ cũng có điểm này, điểm khác. Năm nay, SGK lớp 1 có những trục trặc nhưng chúng ta bình tĩnh vì 2 điểm quan trọng nhất của đổi mới chương trình, SGK gồm: Chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ là tham khảo; quy tụ nhiều người biên soạn SGK hơn để có SGK tốt hơn. Bộ GD&ĐT phải nghiêm khắc nhìn vào những điểm chưa tốt về SGK lớp 1 để chấn chỉnh nhưng chủ trương đúng thì phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ.
Hoặc từ vụ việc của trường ĐH Tôn Đức Thắng có ý kiến yêu cầu xem xét lại tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cho rằng quan trọng trong đổi mới giáo dục là phải kiên định, nhìn nhận rất bình tĩnh.
Phó Thủ tướng cho biết đã giao Bộ GD&ĐT lập 1 đoàn do một đồng chí Thứ trưởng trực tiếp vào làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Xu thế chung là chúng ta phải ủng hộ tự chủ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục ĐH. Đây không chỉ là nơi truyền bá tri thức mà phải là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy trường ĐH phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ cho tự chủ về chuyên môn.
Phó Thủ tướng khẳng định: Xã hội kỳ vọng rất cao vào ngành giáo dục. Vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình, ngành giáo dục đã có được những bước tiến bộ toàn diện và nhiều mặt rõ ràng, vững chắc. Không vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết, gần như là dương nhiên trong quá trình đổi mới, mà chúng ta mất đi lòng tin và sự nghiệp đổi mới giáo dục, vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.
Đổi mới giáo dục không đứng một mình
Nói về những vấn đề đặt ra đối với đổi mới giáo dục những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mặc dù, giáo dục trước mắt không làm ra tiền, nhưng nếu không đầu tư cho thì sau này tất cả những điều kiện để làm ra tiền cũng không có.
Phó Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề sắp xếp trường lớp, biên chế giáo viên phấn đấu làm sao có đủ lớp học, giáo viên cho học sinh học ngày 2 buổi.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề văn hóa trong giáo dục với mục tiêu đầu tiên là từng trường học, từ phổ thông, mẫu giáo cho đến đại học phải là những thiết chế biểu tượng của văn hóa.
Những người làm giáo dục phải cầu thị, lắng nghe, trao đổi về các vấn đề giáo dục mà người dân quan tâm, góp ý trên tinh thần tôn trọng bằng tấm lòng chứ không phải đối phó, từ đó để mọi người hiểu và đồng thuận tham gia. “Chừng nào người dân còn quan tâm đến giáo dục, ngành giáo dục còn may mắn. Những thứ mình làm được người dân hoàn toàn hiểu biết, còn người dân phê phán những thứ mình chưa làm được, có lúc rất gay gắt, đấy là còn thương mình, còn quan tâm đến mình”, Phó Thủ tướng nói.
Giáo dục phải đi trước một bước, hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng thế giới thì nhất định không được đổ cho đặc thù để đi ngược lại. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, xu thế thế giới hiện nay là học không nhồi nhét, có tương tác thì không thể vì nền văn hóa của Việt Nam dạy con trẻ lễ phép, nghe lời người lớn mà học sinh không được bày tỏ ý kiến, suy nghĩ.
Đơn cử, trong giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục, các địa phương đẩy mạnh thực hiện ba nguyên lý cơ bản.
Thứ nhất, đối với giáo dục phổ thông thì nhà nước phải lo, hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, phải có đủ trường, lớp, giáo viên để học sinh học đủ ngày 2 buổi thuận lợi. Chúng ta dồn trường, tinh giản biên chế nhưng không được quên nguyên lý này.
Thứ hai, giáo dục phổ thông thì bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Việc thi đầu vào ở đầu cấp học, đề cao quá mức trường chuyên lớp chọn, học tách riêng giữa học sinh dân tộc nội trú… là đi ngược với xu thế của thế giới.
Thứ ba, các cơ sở giáo dục, từ mầm non, phổ thông cho đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà là thiết chế của cộng đồng, và phải được quản trị theo mô hình cộng đồng gồm 5: Chính quyền, Ban giám hiệu, tập thể giáo viên, người lao động trong nhà trường, phụ huynh và vai trò của học sinh. Những điểm này đều được đề cập trong Nghị quyết 29-NQ-TƯ, tuy nhiên, nhiều nơi mới bắt đầu triển khai, cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
“Đánh giá, xếp hạng giáo dục nhất định phải theo quốc tế, dù còn có những điểm chưa phù hợp, nhưng nhìn vào đó chúng ta sẽ biết điểm mạnh để phát huy, điểm yếu để khắc phục”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Kiên trì từ những việc giản dị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại lời Bác Hồ nói: Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm.
Đối với ngành giáo dục cũng vậy, Phó Thủ tướng lấy ví dụ cái cũ mà xấu như học nhồi nhét thụ động, không thực học thực nghiệp, không dám phản biện, độc lập bộc lộ ý kiến; bệnh hình thức không vì học sinh… thì phải bỏ.
Cái cũ mà còn phiền phức ví dụ như quản lý trường, lớp học có quả nhiều giấy tờ, sổ sách thì phải cải tiến bằng ứng dụng công nghệ thông tin, cái cách hành chính…
Nhưng việc giữ lại, phát huy những truyền thống cũ mà tốt trong trường học, thì theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục còn coi nhẹ, chưa chú trọng đúng mức… từ hoạt động đoàn đội, lao động vệ sinh, thể dục thể thao.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ về những cái mới cần phát huy như áp dụng công nghệ thông tin để làm phòng thí nghiệm ảo, xây dựng học liệu điện tử, hệ thống đăng ký mua sách mới, xin sách cũ qua mạng… có thể sẽ đụng chạm đến lợi ích của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhưng vì học sinh, vì xã hội thì ngành giáo dục nhất định phải làm.
“Đổi mới phải từ trong ngành giáo dục, ra đến giáo viên rồi ra xã hội và từ trên xuống, ở địa phương là người đứng đầu, trong hệ thống giáo dục thì từ Bộ GD&ĐT. Và bây giờ có công nghệ thông tin, ngành giáo dục là ngành cần và có điều kiện đi đầu trong chuyển đổi số. Giáo dục có phát triển, đất nước mới có tương lai”, Phó Thủ tướng nói.