Người dân cũng cần phải hiểu biết pháp luật
Bà Hồng ngồi trên ghế, hai tay đan chặt vào với nhau. Bà cảm thấy rất lo lắng, bồn chồn một phần vì đây là lần đầu tiên bà tiếp xúc với luật sư, phần nhiều hơn là lo cho đứa con trai của mình tháng sau sẽ bị ra tòa xét xử.
Hưng, con của bà Hồng, mặc dù không phải hạng "đầu gấu" nhưng cũng hay chơi bời nhậu nhẹt, đàn đúm với đám bạn vô công rồi nghề. Vài tháng trước, trong một buổi nhậu, Hưng và đám bạn trong lúc quá chén đã gây gổ với một nhóm người khác, lời qua tiếng lại rồi đánh nhau.
Kết quả là phá tan tành quán, làm vài người bị thương, phải đi nhập viện, buộc chủ quán phải gọi công an đến xử lý. Hưng và những người tham gia vụ đánh nhau bị công an dẫn giải đi. Sau đó, bà được biết rằng Hưng sắp bị đưa ra tòa xét xử. Bà Hồng thở dài nghĩ "Hưng chắc tù mọt gông rồi, khổ thân con tôi!".
Đang suy nghĩ miên man thì luật sư Tiến bước vào, cắt đứt dòng suy nghĩ của bà Hồng. Là một luật sư có kinh nghiệm, luật sư Tiến hiểu tâm trạng thấp thỏm, lo âu của bà Hồng, vì vậy anh cố gắng tạo buổi trò chuyện thân mật và gần gũi. Sau khi bà Hồng trình bày toàn bộ thông tin về vụ việc của Hưng, bà vội hỏi luật sư:
- Thưa luật sư, không biết con trai tôi ở bị tạm giam như vậy có bị đánh đập gì không vậy? Tôi lo và thương cho nó quá.
Luật sư Tiến mỉm cười từ tốn giải thích:
- Thưa cô, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người. Và mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Nên cô đừng lo ạ, em Hưng chỉ tạm thời mất tự do, nhưng thân thể, sức khỏe, tài sản hoàn toàn được bảo vệ cô ạ.
Nghe luật sư giải thích, bà Hồng thở ra một hơi nhẹ nhõm. Suốt mấy tháng nay, bà cứ nghĩ đến cảnh thằng con quý tử bị đánh đập, hành hạ là ruột bà lại thắt lại. Bà khóc không biết bao nhiêu nước mắt, thức trắng bao đêm khóc thầm. Giờ thì tốt rồi, ít nhất bà biết nó tạm thời không sao, chỉ không được về nhà thôi. Lấy lại tinh thần, bà hỏi tiếp:
- Được biết cháu không sao cả, tôi mừng quá. Thế nhưng tháng tới thằng Hưng phải ra tòa rồi, không biết luật sư có thể giúp thằng bé thoát khỏi cảnh tù tội không?
Luật sư Tiến trả lời:
- Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Như vậy, theo mong muốn của gia đình, cháu có thể làm luật sư bào chữa cho em Hưng trong phiên tòa tháng sau. Từ kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề, cháu thấy việc mời luật sư lúc nào cũng có lợi cho đương sự rất nhiều. Vì vậy, quyết định của cô là chính xác đấy ạ.
Bà Hồng nghe thế gật đầu, đáp:
- Thế thủ tục mời luật sư như cháu bào chữa có phức tạp không cháu? Cô biết thông tin về thời gian tổ chức phiên tòa xét xử Hưng cũng được hơn 1 tuần rồi, nhưng cứ lần lữa, hỏi han nhiều người mới có người quen giới thiệu cháu nên cô liền liên hệ ngay. Liệu 1 tháng có đủ thời gian để làm thủ tục mời cháu bào chữa cho em Hưng không cháu?
Luật sư Tiến vẫn với giọng nhẹ nhàng, trấn an bà Hồng:
- Chuyện này cô không phải lo ạ, luật pháp quy định trong vòng 24 giờ kể từ ngày cháu xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ theo quy định, cơ quan tiến hành tố tụng phải cấp văn bản thông báo người bào chữa hay hiểu nôm na là chấp thuận bào chữa cho cháu. Mà theo kinh nghiệm, việc chuẩn bị bộ hồ sơ này mất vài ngày thôi ạ, nên nếu không có gì ngoài ý muốn, tháng sau cháu có thể bảo vệ em Hưng trước tòa.
Bà Hồng đỡ căng thẳng hơn, ít nhất bà tìm thấy có hy vọng để giúp con trai bà rồi. Để bà Hồng hiểu rõ hơn về phiên tòa, luật sư Tiến tiếp tục giải thích:
- Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, một vụ án thông thường sẽ trải qua giai đoạn xét xử sơ thẩm và sau đó có thể là phúc thẩm. Phiên tòa xét xử em Hưng diễn ra tháng tới là phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa này, tòa án sẽ xác định tội danh và hình phạt cho hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo.
Nghe thế, tim bà Hồng đập thình thịch, bà vội hỏi:
- Thế sau phiên tòa sơ thẩm này Hưng sẽ bị buộc tội và phải ngồi tù phải không luật sư?
Luật sư Tiến đáp:
- Chưa hẳn cô ạ, bản án của tòa sơ thẩm chưa phải là kết quả cuối cùng, nếu nhận thấy tội danh và hình phạt mà tòa sơ thẩm tuyên cho em Hưng là chưa phù hợp, Bộ luật Tố tụng Hình sự cho phép kháng cáo lên tòa cấp trên. Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận thấy bản án của phiên tòa sơ thẩm là quá nặng, không khách quan, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa đổi bản án, tuyên em Hưng tội nhẹ hơn hoặc giảm mức bồi thường thiệt hại, giảm hình phạt. Như vậy, em Hưng còn ít nhất hai cơ hội để có thể quyết định số phận của mình và chúng ta cần tranh thủ tối đa để em Hưng nhận kết quả tốt nhất theo quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của em ấy.
Dừng lại một chút, luật sư Tiến nghĩ anh cần phải cho bà Hồng hiểu rõ hơn về cấu trúc của một phiên tòa:
- Thưa cô, một phiên tòa trải diễn ra phải trải qua rất nhiều công đoạn nhưng chung quy lại sẽ là 03 bước chính, cháu sẽ giải thích qua cho cô một chút để cô bớt bỡ ngỡ. Đầu tiên là bắt đầu phiên tòa, đây là giai đoạn triệu tập, kiểm tra sự có mặt của những người tham gia phiên tòa và thay đổi người tiến hành tố tụng. Bước thứ hai là tranh tụng tại phiên tòa. Tại đây, Hội đồng xét xử, luật sư và kiểm sát viên sẽ tiến hành xét hỏi các đương sự, tranh luận với nhau để tìm ra sự thật vụ án, từ đó giúp Hội đồng xét xử đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Cuối cùng là nghị án và tuyên án. Hội đồng xét xử sẽ họp với nhau để đưa ra quyết định cuối cùng. Đến đây phiên tòa kết thúc.
Bà Hồng gật đầu, bà đã hình dung ra phiên tòa mà con bà sắp phải trải qua là như thế nào. Tuy nhiên, bà lại nảy ra băn khoăn nên muốn hỏi tiếp:
- Cảm ơn cháu đã giải thích cho cô về trình tự, thủ tục của một phiên tòa. Nhưng cô có một chút băn khoăn, lo lắng. Gia đình cô đều là người dân tộc thiểu số nên liệu Hội đồng xét xử có ác cảm với Hưng trong quá trình xét xử không cháu?
Luật sư Tiến một lần nữa trấn an bà Hồng:
- Vấn đề này thì cô yên tâm đi ạ. Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định việc tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Như vậy, dù em Hưng có là người dân tộc thiểu số thì vẫn được xét xử bình đẳng như những người khác.
Đến đây, nhiều lo lắng trong lòng bà Hồng được giải tỏa. Bà thầm thấy may mắn vì đã gặp được luật sư Tiến để anh giải thích cho bao nhiêu vấn đề pháp luật mà bà chưa rõ. Cũng trong buổi trao đổi, luật sư Tiến còn phân tích sơ bộ cho bà Hồng về hành vi của con bà và nhận định là không nghiêm trọng, lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên mức án nhận được chắc sẽ không quá nặng nề. Ít nhất bà thấy rằng Hưng con bà chưa hẳn hết hy vọng, vẫn còn cơ hội để nó được về nhà trong thời gian không lâu. Bà tin tưởng, với sự giúp đỡ của luật sư Tiến, con mình sẽ được bảo vệ tốt nhất theo quy định pháp luật. Bà bước ra từ Văn phòng luật sư với tâm trạng nhẹ nhõm và vững tin hơn hẳn.