Người dân Đà Nẵng tri ân và tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cùng với cả nước, những ngày qua, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân tại 'khúc ruột miền Trung', trong đó có TP Đà Nẵng bày tỏ niềm kính trọng và niềm tiếc thương vô hạn sau khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người lãnh đạo mẫu mực của đất nước, từ trần.

Sống mãi trong lòng nhân dân

Ông Nguyễn Bá Sơn, nguyên Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, bày tỏ lòng thành kính và xúc động khi nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một biểu tượng về sự liêm chính, hết lòng vì nước vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần thăm, động viên công nhân của Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) vào ngày 18/03/2014. (Ảnh tư liệu)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần thăm, động viên công nhân của Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) vào ngày 18/03/2014. (Ảnh tư liệu)

“Bác Trọng ra đi, nhưng Bác để lại cho toàn Đảng và nhân dân ta những di sản to lớn. Trong đó, tôi đặc biệt chú ý đến tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và những luận điểm của Tổng Bí thư về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề cốt lõi, là kim chỉ nam để đất nước ta tiếp tục phát triển, đi lên trên con đường mà Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Bác Trọng đi xa nhưng bác không mất, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân”, ông Nguyễn Bá Sơn chia sẻ.

Cùng chung niềm xúc động khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng khẳng định tầm nhìn, sự quan tâm của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đà Nẵng suốt thời gian qua. Trong đó, nổi bật là việc xây dựng, ban hành và thực hiện Nghị Quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 43 có 2 nội dung lớn. Một là cho phép Đà Nẵng chính thức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, kèm theo một số cơ chế đảm bảo việc triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình này. Hai là phải tìm động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng với việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn, cũng là nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý tại chuyến thăm và làm việc tại Đà Nẵng từ trước đó 10 năm, ngày 18/3/2014.

Là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử và văn hóa nghệ thuật, ông Bùi Văn Tiếng nhận thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một lãnh đạo rất tâm huyết đối với vấn đề phục hưng văn hóa. Điều đó có thể thấy rõ qua cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, hay bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2016-2021, bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021.

“Có thể nói bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã tác động đáng kể đến nỗ lực đặt văn hóa “ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, theo quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”- ông Bùi Văn Tiếng nhận định.

Tấm gương sáng giúp người dân thêm vững tin vào Đảng

Ông Nguyễn Văn Hoanh, Bí thư Chi Bộ khu dân cư 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng bày tỏ, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, tâm trạng ông cảm thấy rất buồn. “Tổng Bí thư ra đi là mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam”, ông nói.

Ông Hoanh kể ông vẫn nhớ 10 năm trước, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm TP Đà Nẵng. Đây là niềm vinh dự và tự hào cho người dân Đà Nẵng. “Bản thân là đảng viên, tôi cảm thấy lối sống, những lời căn dặn của bác Nguyễn Phú Trọng về việc nêu cao đạo đức Cách mạng, trong đó phải giữ mối liên hệ mật thiết gắn bó giữa dân với Đảng, giữa Đảng với dân; đảng viên luôn phấn đấu nêu gương, chung sức gánh vác xây dựng phát triển về kinh tế, xã hội,… là hết sức đúng đắn”, ông Nguyễn Văn Hoanh đánh giá.

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ chia sẻ bà rất tự hào, rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Hoài Thu.

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ chia sẻ bà rất tự hào, rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Ảnh: Hoài Thu.

PV Báo CAND tìm đến căn nhà nằm cuối hẻm 22 Tân Lập 2, đường Trần Quý Cáp, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) của nữ Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ. Những ngày qua, bà liên tục theo dõi, cập nhập thông tin về tình hình sức khỏe, đến sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bà rưng rưng nước mắt khi đọc những bài viết về tình cảm của Đảng, chính quyền và người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã đăng tải trên Báo CAND đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Đồng chí Tổng Bí thư là tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy khoa học, tôn trọng và yêu thương người dân, luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước kính trọng, tin tưởng”, bà Ngô Thị Huệ tâm sự và cho biết, tuy chưa được một lần gặp gỡ, tiếp xúc Tổng Bí thư, nhưng qua truyền hình, qua thông tin tuyên truyền trên báo đài, bà đều tập trung nghe Tổng Bí thư phát biểu về vấn đề chống tham nhũng, từ đó bà rất là tin vào người đứng đầu của Đảng ta, càng tin vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Ông Nguyễn Văn Hoanh, Bí thư Chi Bộ khu dân cư 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoài Thu.

Ông Nguyễn Văn Hoanh, Bí thư Chi Bộ khu dân cư 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng) bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoài Thu.

“Công tác phòng chống tham nhũng trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư rất mềm dẻo nhưng lại rất quyết liệt. Tôi tin tưởng với những kỳ tích mà Tổng Bí thư làm cho đất nước, cho nhân dân thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta sẽ tiếp tục phát huy. Tôi mong muốn đất nước sẽ tiếp tục có những con người kế thừa nhà lãnh đạo Đảng kiệt xuất như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Anh hùng Ngô Thị Huệ bày tỏ thêm.

Mong công cuộc “đốt lò” sẽ tiếp tục quyết liệt, hiệu quả

Đại tá, PGS.TS Đỗ Ngọc Thứ, cựu Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), hiện là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh TP Đà Nẵng; Chủ tịch Chi hội Văn học, Nghệ thuật Trường Sơn ở Đà Nẵng xúc động, chia sẻ: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội tụ đủ mẫu mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Là một trong số những học trò xuất sắc của Bác Hồ, có lý luận, có thực tiễn, có sự nêu gương. Tôi nghĩ rằng, bác Nguyễn Phú Trọng thực sự là một hào kiệt của dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay”.

Còn Đại tá Đỗ Ngọc Thứ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ đội Phòng không Đà Nẵng đã bày tỏ suy nghĩ: “Không ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia lớn trên thế giới muốn nâng mức quan hệ ngoại giao lên mức "chiến lược toàn diện" với Việt Nam ta đâu. Đều có đóng góp rất lớn của cá nhân bác Nguyễn Phú Trọng đấy”.

Ông Trần Chức, đảng viên chi bộ thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết dù biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật chung mà ai cũng phải trải qua, nhưng người dân Đà Nẵng nói chung, bà con nhân dân ở địa phương này nói riêng vô cùng tiếc thương khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. “Chúng ta luôn kính trọng và mãi nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ và bản lĩnh, luôn lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, ông Trần Chức bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Thái, một người dân ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) xúc động cho biết, không riêng gì ông mà nhiều người dân Đà Nẵng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, đều cảm thấy rất đau buồn, tựa như sự mất mát của người thân trong nhà mình. “Tổng Bí thư luôn tận tụy, tâm huyết đến hơi thở cuối cùng trước nhiều vấn đề lớn của đất nước. Chúng tôi vẫn tâm đắc với công cuộc phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, hiệu quả thời gian qua. Những kết quả ấy đã góp phần làm cho đất nước thay đổi, đặc biệt là lòng tin của nhân dân vào Đảng tiếp tục được củng cố. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục phát huy tinh thần đó của Tổng Bí thư – Người đốt lò vĩ đại”, ông Nguyễn Văn Thái bày tỏ.

Thiếu tá Hồ Đình Trí, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an TP Đà Nẵng chia sẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất mà còn là một hình mẫu về đạo đức và tinh thần cống hiến. “Tôi vẫn nhớ như in những lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dặn dò thanh niên về lòng yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những lời dặn dò ấy là nguồn động lực to lớn để tuổi trẻ Công an thành phố phát huy và kế thừa nhằm đưa đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng hơn. Bản thân cũng như tuổi trẻ Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục học tập và ghi nhớ những công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với đất nước, để từ đó bản thân mỗi đoàn viên thanh niên CAND nói riêng, lực lượng CAND nói chung là một thanh bảo kiếm ngày càng sắc bén trong công cuộc bảo vệ Đảng, bảo về chính quyền và tận tụy phục vụ Nhân dân”.

Thân Lai - Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-dan-da-nang-tri-an-va-tiec-thuong-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-i738107/