Người dân 'dài cổ' chờ nhà máy xử lý nước thải hoạt động
Mùi hôi cùng với nguồn nước xả thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp ở KCN Quán Ngang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) nhưng không được xử lý khiến môi trường xung quanh bị ô nhiễm, người dân thường xuyên phản ánh, kêu cứu.
Đáng nói, trước tình trạng trên, BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở đây nhưng qua 6 năm vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng.
KCN Quán Ngang được thành lập năm 2008, có tổng diện tích theo quy hoạch 321,73ha, bao gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 gần 140ha, giai đoạn 2 là 66ha, giai đoạn 3 hơn 116ha. BQL các KCN tỉnh Quảng Trị (nay là BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị) được giao thực hiện việc xây dựng và phát triển hạ tầng KCN này.
Qua 15 năm đi vào hoạt động, KCN này thu hút được nhiều dự án vào đầu tư, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Đáng nói, sau đi vào hoạt động nhiều năm nhưng KCN Quán Ngang không có nhà máy xử lý nước thải theo quy định về xây dựng KCN, khiến nguồn nước xả thải ra từ các nhà máy, xí nghiệp ở đây gây ô nhiễm môi trường nặng. Người dân sinh sống ở các địa phương gần đó vì thế liên tục kiến nghị chính quyền, ngành chức năng xử lý.
Nhằm KCN hoạt động theo đúng pháp luật về đảm bảo môi trường, UBND tỉnh Quảng Trị giao BQL Khu kinh tế tỉnh này phối hợp Sở TN&MT tỉnh, UBND huyện Gio Linh và các ngành chức liên quan kiểm tra, đôn đốc các cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh ở đây xây dựng hệ thống xử lý nguồn nước xả thải trong quá trình hoạt động trước khi xả thải ra môi trường bắt buộc đạt cột B. Về mùi hôi và khói thải được đầu tư xử lý tương tự, khi xả thải ra môi trường xung quanh không gây ô nhiễm. Đồng thời, giao BQL Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư dự án gần 100 tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải KCN này, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020.
Dự án gồm các hạng mục hệ thống thoát nước thải sau xử lý dài gần 6,5km, tuyến ống thu gom nước thải hơn 4,3km và nhà máy xử lý nước thải với 2 phần chính là xây dựng và lắp đặt thiết bị, máy móc. Tuy nhiên, khởi công xây dựng từ năm 2017, đến nay đã 6 năm trôi qua dự án này vẫn chưa hoàn thành.
Theo ghi nhận của PV Báo CAND, công trình với các hạng mục như trụ cổng, hệ thống tường rào; nhà lắp đặt thiết bị, máy móc và vận hành; nhà ở cho cán bộ kỹ thuật; các bể chứa bằng bê tông… được xây dựng hoàn thành và bề thế. Tuy nhiên, do qua thời gian dài không được sử dụng, vận hành nên một số hạng mục cũng như thiết bị, máy móc ở đây đã có dấu hiệu ngả màu, gỉ sét, rong rêu bám phủ. Nhà máy với nhiều cơ sở vật chất và khuôn viên rộng nhưng chỉ có một người bảo vệ.
“Tôi ở đây chủ yếu để xua muỗi, đuổi bò và thỉnh thoảng… bắt trộm”, ông Trần Văn Giang (trú thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, Gio Linh) cười, nói mở chuyện khi được hỏi về sự có mặt tại nhà máy này và ông giải thích, kể thêm: “Đuổi bò vì trụ cổng đồ sộ, tường rào hoành tráng nhưng hiện vẫn chưa có cổng bảo vệ nên bò vào rất nhiều. Các hồ thì chứa đầy nước nhưng nước đứng yên lâu ngày sinh ra rong rêu, vì thế loài muỗi sinh sản rất nhiều. Nhà máy lại nằm xa khu dân cư nên thỉnh thoảng đối tượng nghiện hút lẻn vào đây để trộm cắp, có lần chúng cắt lấy hàng chục mét dây đồng”.
Hỏi nguyên nhân dự án chậm trễ đưa vào hoạt động, ông Trương Khắc Nghi, Phó Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh này nói rằng, khi xây dựng pháp luật liên quan chưa bắt buộc phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, đến khi công trình sắp hoàn thành thì quy định này ra đời nên chủ đầu tư bắt buộc phải bổ sung. Tuy nhiên, do 3 năm qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 rồi đến chiến tranh Nga và Ukraina nên đến thời điểm hiện tại thiết bị này được đặt mua ở châu Âu vẫn chưa về tới được (?). “Chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ để nhận thiết bị sớm nhất, lắp đặt hoàn thành các tiêu chuẩn của nhà máy”, ông Nghi nói.
Ô nhiễm do KCN Quán Ngang gây ra làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong nhiều năm. Thời điểm năm 2015 - 2019 nhà máy bột cá Hồng Đức Vượng đã liên tục “hành dân” bằng mùi hôi nồng nặc lan tỏa bán kính cả chục kilômét. Năm 2021 cá chết bất thường trong các ao hồ xung quanh KCN này. Ngoài ra, người nông dân ở đây cũng thất bát nhiều vụ lúa do xả thải từ KCN này gây ra.
Ông Nguyễn Văn Chiến (trú xã Gio Quang) buồn bã cho biết, sau kêu cứu, người dân chỉ biết dài cổ chờ nhà máy hoạt động. Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Trị sớm có chỉ đạo BQL Khu kinh tế tỉnh này hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị máy móc, đưa nhà máy vào hoạt động nhằm tránh gây thêm những hậu quả không đáng có ảnh hưởng đời sống của nhân dân.