Người dân Dải Gaza lũ lượt di tản

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc (OCHA) cho biết khoảng 15.000 người Palestine đã di tản khỏi miền Bắc Dải Gaza hôm 7-11, cao gấp ba lần con số của một ngày trước đó.

Họ mang theo số hành lý tối thiểu sau khi nước và lương thực ở miền Bắc Gaza đã cạn kiệt, di chuyển trong khung thời gian 4 giờ mỗi ngày do Israel công bố. Hãng tin AP hôm 8-11 dẫn lời các quan chức OCHA mô tả đoàn người gồm trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và họ chủ yếu đi bộ.

Hàng chục ngàn người Palestine hiện vẫn còn ở lại miền Bắc Dải Gaza, trong đó nhiều người trú ẩn tại các bệnh viện hoặc trường học của Liên Hiệp Quốc. Khu vực này đang trong tình trạng thiếu nhiên liệu, nước và thực phẩm trong những tuần qua.

Hơn 70% trong tổng số 2,3 triệu dân tại Dải Gaza đã rời bỏ nhà cửa sau khi xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra hôm 7-10. Dòng người di tản đang tăng cho thấy tình hình ngày càng tuyệt vọng bên trong và xung quanh TP Gaza.

Người dân Palestine di tản về phía Nam Dải Gaza hôm 7-11. Ảnh: REUTERS

Người dân Palestine di tản về phía Nam Dải Gaza hôm 7-11. Ảnh: REUTERS

Theo AP, thành phố lớn nhất Dải Gaza này từng là nơi sinh sống của khoảng 650.000 người trước khi xung đột diễn ra và hiện đang bị lực lượng Israel bao vây.

Quân đội Israel cho biết lực lượng trên bộ đã tiến vào trung tâm TP Gaza và chiến dịch quân sự bước sang giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu tấn công là mê cung đường hầm và cơ sở chỉ huy của Hamas ở miền Bắc Gaza và chiến dịch có thể mất vài tháng để hoàn thành.

Bất chấp lời kêu gọi từ Washington về việc tạm dừng xung đột vì mục đích nhân đạo, các nguồn tin an ninh Israel cho biết sự hiện diện của quân đội bên trong TP Gaza khiến động thái như thế trở nên rủi ro và khó có thể xảy ra trong giai đoạn này.

Cả Israel và Hamas cho đến giờ đều bác bỏ sức ép quốc tế về bước đi ngừng bắn. Israel nhấn mạnh sẽ không làm thế chừng nào con tin chưa được thả. Trong khi đó, Hamas khẳng định sẽ không thả con tin hoặc ngưng bắn trong lúc Dải Gaza vẫn còn bị tấn công.

Nhà Trắng hôm 7-11 lên tiếng cảnh báo Israel về kế hoạch hậu xung đột ở Dải Gaza. Theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby, Tổng thống Joe Biden vẫn tin rằng việc lực lượng Israel tái chiếm Gaza là không tốt cho Israel và người dân nước này.

Phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với kênh ABC News rằng Israel sẽ "chịu trách nhiệm chung" về an ninh tại Dải Gaza trong "khoảng thời gian không xác định" sau khi xung đột kết thúc.

Tình hình Dải Gaza là một trong những nội dung thảo luận chính của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại thủ đô Tokyo - Nhật Bản trong 2 ngày 7 và 8-11. Hội nghị đã khép lại với lời kêu gọi tạm dừng xung đột để hàng cứu trợ nhân đạo có thể được đưa vào Dải Gaza.

Theo hãng tin Kyodo, các thành viên G7 cũng nhấn mạnh cần hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở vùng đất này. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết G7 còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nguoi-dan-dai-gaza-lu-luot-di-tan-20231108222045642.htm