Người dân Đắk Nông cùng góp tiền tỷ tìm nước 'cứu' cà phê

Người dân ở huyện Đắk Mil đã đóng góp hàng tỷ đồng, làm đường ống dẫn nước về tưới cho cây cà phê.

Ao, hồ ở Đắk Mil (Đắk Nông) cạn trơ đáy do hạn hán kéo dài. (Ảnh: T.T)

Ao, hồ ở Đắk Mil (Đắk Nông) cạn trơ đáy do hạn hán kéo dài. (Ảnh: T.T)

Nguy cơ mất mùa!

Đắk Mil là vùng trọng điểm về cây cà phê của tỉnh Đắk Nông với hơn 21.000ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, địa phương này thường bị thiệt hại nặng do nắng hạn kéo dài, trong đó xã Đắk Lao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Xã Đắk Lao có hơn 5.000ha cây cà phê, trong đó hàng trăm ha đang khô héo dần, có nguy cơ chết cháy do thiếu nước tưới.

Để cứu vãn tình thế, địa phương này kêu gọi người dân chung sức, đồng lòng, đoàn kết. Từ đó, đã đóng góp được hàng tỷ đồng, làm hơn 7km đường ống dẫn nước từ hồ thủy lợi Đắk Ken về tưới cho cây cà phê.

Ông Nguyễn Bá Luân (thôn Đắk Thọ) cho biết, đây là năm thứ 2 hạn hán kéo dài, mọi nguồn nước có thể tìm kiếm được đến nay gia đình đã sử dụng hết. Vườn cà phê hơn 6 năm tuổi gặp hạn nặng khiến cây bị héo khô.

“Cũng như năm trước, đến nay gia đình đã sử dụng gần 40 cuộn ống (gần 2km) để nối ra hồ thủy lợi gần nhất. Thế nhưng, số nước cũng chỉ đủ tưới để duy trì tạm thời cho hơn 2ha. Muốn cứu vườn cà phê qua mùa khô này, phải trông chờ nước từ hồ lớn hơn”, ông Luân cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn (thị trấn Đắk Mil) buồn bã nói: “7ha cà phê, sầu riêng của gia đình đang héo dần. Khoảng 10 ngày nữa nếu không có nước thì vườn cây có nguy cơ chết sạch”.

Theo lời ông Tuấn, hạn hán kéo dài nhiều tháng nay, giếng, ao, hồ nước phục vụ tưới tiêu của các gia đình ở đây bị cạn kiệt. Nguồn nước gần nhất là hồ thủy lợi Đắk Ken cũng cạn trơ đáy.

“Dù công ty thủy lợi đã cho trung chuyển nước từ hồ Tây (thị trấn Đắk Mil) sang hồ Đắk Ken để bà con sử dụng, tuy nhiên cũng không đáp ứng đủ do nhu cầu tưới tăng cao”, ông Tuấn lý giải.

Ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho hay, thời điểm này là cao điểm mùa khô, lượng nước cần tưới cho cà phê và các cây trồng tăng cao. Nếu không đủ nước, cây khô héo dẫn đến nguy cơ mất mùa.

Vì vậy, địa phương đã tìm nhiều cách hỗ trợ bà con tìm nguồn nước ở nơi gần nhất, đồng thời vận động người dân đoàn kết, góp công, góp của để mở đường ống bơm nước về.

 Người dân xã Đắk Lao hợp sức, góp tiền tỷ làm đường ống để tìm nước "cứu" cây cà phê. (Ảnh: T.T)

Người dân xã Đắk Lao hợp sức, góp tiền tỷ làm đường ống để tìm nước "cứu" cây cà phê. (Ảnh: T.T)

Tập trung “cứu” hàng chục nghìn ha cà phê

Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn cùng 40 hộ dân khác tự đóng góp kinh phí (khoảng 30 triệu đồng/1ha) làm đường ống nước dẫn từ hồ Đắk Ken về tưới cho cây cà phê.

Theo lời ông Tuấn, làm đường ống dài trên 7km, kinh phí lớn và phải tập trung thi công cả ngày lẫn đêm.

“Bà con phải thuê 3 máy đào cùng nhiều nhân công làm trong nhiều ngày đêm nhưng vẫn chưa xong. Việc chôn ống dẫn nước chúng tôi đang khẩn trương làm, tuy nhiên có nước tưới hay không thì còn tùy thuộc vào nước trung chuyển từ đơn vị cung cấp và chính quyền địa phương”, ông Tuấn cho hay.

Tương tự, ông Trần Văn Thuật (trú cùng xã Đắk Lao) đang cố gắng kéo dài các cuộn ống để chờ đấu nối vào đường ống chung nhằm tìm sự sống cho hơn 2ha cà phê đang khô héo dần.

“Mọi chi phí sinh hoạt, tiền học phí của các con đều trông cả vào vườn cà phê. Giờ cây khô, lá héo, gần như vụ này sẽ thất thu, các con sẽ gặp khó khi đến trường”, ông Thuật buồn bã nói.

Còn ông Trương Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết, nếu không đủ nước tưới, khoảng 700ha cây trồng có nguy cơ chết héo và nhiều diện tích phải tái canh.

Theo lời ông Trương Xuân Hùng, khó nhất hiện nay là nguồn nước, khi trên địa bàn chỉ còn một nguồn trung chuyển từ hồ Tây, nhưng phải chia cho buôn Xê Ry và hồ Đắk Ken. Vì vậy, rất khó để bảo đảm nhu cầu tưới của người dân.

 Người dân Đắk Mil (Đắk Nông) đối mặt với nguy cơ mất mùa do hạn hán kéo dài.

Người dân Đắk Mil (Đắk Nông) đối mặt với nguy cơ mất mùa do hạn hán kéo dài.

“Người dân tự góp tiền đào đường ống để dẫn nước về cứu cây cà phê. Còn về phía chính quyền, chúng tôi đã quan tâm, tạo điều kiện để phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó nhằm cứu vụ mùa. Địa phương cũng tuyên truyền bà con, khi làm xong cần phải hoàn trả mặt bằng để không làm ảnh hưởng tới các công trình của Nhà nước”, ông Hùng nói.

Theo lý giải của Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, thực tế, hồ Đắk Ken kể cả khi đầy nước cũng chỉ đủ tưới cho một số hộ dân. Nếu hàng chục hộ cùng bơm hồ này sẽ cạn rất nhanh.

“Chúng tôi đã có văn bản đề nghị công ty thủy lợi tăng cường thêm bơm để cung cấp nước thường xuyên cho hồ Đắk Ken”, Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết thêm.

Ông Trần Văn Tình, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Mil thông tin, đơn vị đang tập trung tối đa nhân lực và thiết bị để đưa nước từ hồ Tây về hồ Đắk Ken và buôn Xê Ry nhằm cung cấp nước cho bà con theo lịch cuốn chiếu.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-dak-nong-cung-gop-tien-ty-tim-nuoc-cuu-ca-phe-post725478.html